Đến ULIS học Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia: Lựa chọn và duyên lành
Nhiều bạn học sinh khi bắt đầu chọn ngành, chọn trường thường bối rối: Nhiều trường có ngành “truyền thông”, “văn hoá”, vậy khác nhau ở chỗ nào? Mình hợp cái nào mới được?
Có bạn còn không biết rõ thế mạnh và niềm yêu thích của mình, và điều này là hết sức bình thường. Vậy mới là chân thật và có nhiều điều mới mẻ chờ đợi, biết đâu “lạc đường mà lại đúng ngõ”! Chọn điểm đến cho những năm tháng đại học không chỉ là chọn tên ngành hay chọn điểm xét tuyển. Đó còn là chọn, hoặc hữu duyên mà gặp gỡ, những con người kéo ta ra khỏi “vùng an toàn”, nói với ta: “Ê, thế giới này rộng lắm, đi xem đi!” mà vẫn làm ta an tâm.
Với Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS, các anh chị/bạn K57, K58 cũng từng phân vân mãi. Không ít bạn nhìn các ngành PR, Marketing, Media lấp lánh mà hoang mang: Mình hợp cái nào? Nhưng rồi các bạn đã tìm thấy điểm thú vị: Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia không chỉ là “làm truyền thông” mà còn là hiểu văn hoá và truyền thông, hiểu sự khác biệt, hiểu chuyện con người vượt qua mọi ranh giới. Tiếng Anh vững, làm dự án, học cách kể chuyện để nối người với người — nghe cũng “ngầu” đấy chứ!
Có bạn chọn Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia vì yêu ULIS từ trước và thấy hứng thú với ngành học mới mẻ này. Có bạn chỉ là cho vào danh sách nguyện vọng, không định chọn, mà cái duyên lại dắt đi xa: “Không hẳn mình chọn ngành đâu, ngành nó chọn lại mình!”
Vậy nên, nếu bạn chưa biết mình mạnh gì, thích gì, đừng sợ. Hãy tìm hiểu kỹ, hỏi han nhiều, kết nối với các sinh viên đang theo học, các giảng viên của chương trình — đừng bỏ lỡ một lựa chọn rất có thể hợp với mình nhất. Biết đâu, Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS lại là ngõ rẽ thú vị, mở ra cho bạn một thế giới mới.
Bài báo này mời bạn gặp gỡ những sinh viên Khóa 1 (K57) và Khóa 2 (K58) đang theo học chương trình, xem họ đến ULIS học Văn hoá & Truyền thông Xuyên quốc gia như thế nào nhé!

Đại sứ ULIS, những người đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc mời gọi học sinh cả nước đến với Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia
Nguyễn Diệu Anh, lớp 23VH1, cựu học sinh THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội
Cười lên khi ăn hành 😜, tác phẩm đạt giải Spotlight, Blue Waves Media Contest 2024
Xin chào mọi người, mình là Diệu Anh, tác giả của video “Cười lên khi ăn hành 😜”, hay mình gọi tắt là “Hành”. Tác phẩm này kể về câu chuyện cá nhân của mình về những tháng ngày “tiền đại học”, là một chút đời sống sinh viên ngành Văn hóa & Truyền thông xuyên quốc gia (VH&TTXQG) và bao gồm những lời tâm sự chứa chan từ một tiền bối gửi tới những “đồng chí nhí” chung ước mơ vào ngành học này. Bên cạnh đó, đây cũng là một sản phẩm của mình trong cuộc thi “Blue Waves Media Contest”, cuộc thi sáng tạo tác phẩm truyền thông dành cho các sinh viên trong khoa.
514 giây là tổng thời gian của video, một khoảng thời gian ngắn thôi. Tuy nhiên, để tạo được chính xác 514 giây ấy đã từng là bản demo 1, 2, 3, 4 với 9 phút hơn, là 24 lần recording, là 2 ngày lên nội dung, 4 ngày edit và là cả hành trình một năm từ lúc còn là học sinh Lương đến khi được tự hào mang danh một ULISER. Mình tự nhận mình khá tâm huyết với tác phẩm này, vì đó là cảm xúc thật của mình đối với VH&TTXQG. Xuyên suốt 514 giây đó, các “Hành khách” (tên gọi yêu thương mà mình dành cho những người xem “Hành”) đã cùng lắng nghe những chia sẻ của mình về con đường đến với nguyện vọng 1 và sau đó là trầy trật trong chính nguyện vọng ấy :))) Đây cũng là lần đầu tiên mình chia sẻ câu chuyện này với mọi người, về ước mơ trở thành giáo viên, về sự “bỗng nhiên” tìm thấy và crush ngành và về những khó khăn mình gặp phải khi là một sinh viên năm nhất của khoa. Có những đoạn nghe khá ảo như việc mình tìm thấy ngành như thế nào, lúc mình nghe lại cũng thấy nó ảo diệu thật :)) nhưng mình tin đó là cái duyên giữa chúng mình và mình cũng tin vào sự lựa chọn của bản thân nữa. Đặc biệt, ở cuối video, mình có dành một vài lời nhắn nhủ tới những bạn học sinh đang nuôi chiếc ước mơ giống mình hồi năm ngoái. Lúc viết kịch bản đoạn này, mình nhớ lại mình hồi cuối năm lớp 12, thật ra cũng không cần ai chỉ dẫn lắm, nên mình nghĩ phần này có lẽ hơi thừa. Nhưng suy đi tính lại, khi đó mình có niềm quan tâm và sự kiên định rất lớn với VH&TTXQG nên mình tự tìm đủ cách, nhưng ngộ nhỡ những bạn khán giả của mình chưa thực sự chắc chắn với sự lựa chọn này, hoặc các bạn vẫn đang ở thời kỳ “lạc”, hoặc các bạn cần sự trợ giúp thì sao, thế là mình quyết định chốt lại sản phẩm bằng những hướng dẫn “hành động” mà mình mong là hữu ích, đồng thời cũng là sự động viên, khích lệ, giúp đỡ tinh thần. Ấy thế mà cái “ngộ nhỡ” ấy được việc thật. Khi đọc được những comment trên YouTube rằng video mình có giá trị truyền cảm hứng, lúc ấy mình cảm thấy hành trình của mình có ý nghĩa hơn nhiều lắm. Mình rất trân trọng điều đó.
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, mình hi vọng mọi người không chỉ đón nhận video này như một bài dự thi, mà hãy lắng nghe nó như một lời tâm tình và cảm nhận những thông điệp được gửi gắm trong clip. Một lần nữa, mình xin được gửi lời cảm ơn tới mọi người vì đã ủng hộ đứa con của mình, các cô, các bạn vì đã hỗ trợ em/mình trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Và dành cho những “Hành khách” mà mình quan tâm nhất, các em học sinh đang theo đuổi ngành học VH&TTXQG, chị rất vui và hãnh diện khi đã tiếp thêm động lực chiến đấu và đưa tới cho các em một góc nhìn về sinh viên của khoa. Còn đâu đó tháng rưỡi nữa là về đích, chúng mình gắng lên, giữ sức khỏe, và nhớ là: cười lên khi ăn hành các em nhé =)))
Nguyễn Quỳnh Ngọc, lớp 23VH1, cựu học sinh THPT Thanh Chương 1, Nghệ An
A Stroke of Luck, tác phẩm đạt giải Spotlight, Blue Waves Media Contest 2024
“A Stroke of Luck” là một phim hoạt hình ngắn, với từng khung hình công phu. Tác phẩm có cấu tứ chặt chẽ, ngôn ngữ sinh động, thể hiện rõ tính cách cá nhân cũng như một tình huống cá nhân. Nguyễn Quỳnh Ngọc (23VH1) tới với Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia không hẳn vì lựa chọn, nhưng đã trở thành một phần thân thương của chương trình.
Nguyễn Thọ Đức Anh, lớp 24VH1, cựu học sinh THPT Yên Viên, Hà Nội
PV: Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS?
Đức Anh: Cơ duyên của mình đến từ chính niềm đam mê với truyền thông và nghệ thuật, đó là yếu tố luôn khiến em hào hứng khám phá và thể hiện bản thân.
Mình biết đến ULIS từ khá sớm, chắc khoảng từ lớp 9. Lúc đó mình đã nhắm nhắm ULIS rồi vì rất thích học các ngôn ngữ mới và cũng ấn tượng với sự nổi tiếng, truyền thống đào tạo ngoại ngữ lâu đời của trường. Năm nào mình cũng lên mạng xem điểm chuẩn, chương trình đào tạo để theo dõi. Đến năm 2023, mình bất ngờ thấy xuất hiện một ngành hoàn toàn mới là Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia, nên lập tức thấy tò mò. Mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn qua website của trường và fanpage của ngành: Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia – Tổ Quốc tế học. Mình đọc kỹ thông tin về chương trình, định hướng đào tạo, các môn học, cơ hội nghề nghiệp,… và càng đọc thì càng thấy hứng thú vì ngành này kết hợp giữa hai mảng mình yêu thích: ngôn ngữ và truyền thông – nghệ thuật.
Ban đầu, mình cũng từng có dự định đăng ký vào ngành Truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, sau nhiều lần đắn đo, mình tự hỏi: “Tại sao không học một chương trình vừa có truyền thông, vừa có ngoại ngữ, lại còn có môi trường quốc tế và mới mẻ?” Vậy là mình quyết định chọn ULIS, nơi mình tin rằng sẽ giúp mình phát triển cả đam mê và kỹ năng ngoại ngữ, đồng thời mở rộng tầm nhìn văn hóa và sáng tạo truyền thông một cách sâu sắc hơn.
PV: Bạn hãy chia sẻ một kỉ niệm vui trong quá trình học tập tại chương trình?
Đức Anh: Với mình, một trong những kỷ niệm đáng nhớ và vui nhất là khoảng thời gian học GDQP và thể chất tại HOLA. Ở đó, không khí học tập vừa thoải mái lại vừa gắn kết, giúp bọn mình có dịp hiểu nhau hơn, hỗ trợ nhau trong từng hoạt động. Đặc biệt là mình muốn gửi lời cảm ơn đến tập thể 24VH1 vì đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ trong năm đầu đại học.
PV: Bạn hãy kể về một số điều hữu ích, đáng nhớ học được từ các môn học trong chương trình?
Đức Anh: Trong năm nhất, chương trình học chủ yếu xoay quanh các môn tiếng, một số môn chuyên ngành, và số ít môn đại cương. Trong đó, mình đặc biệt ấn tượng với môn Truyền thông thị giác do cô Hải Hà, cũng là cô chủ nhiệm lớp mình, giảng dạy. Môn học này mang tính ứng dụng rất cao, giúp mình rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy hình ảnh, khả năng thu thập, xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Tất cả đều là nền tảng vững chắc để mình tự tin bước vào các học kỳ tiếp theo.
PV: Một số điều nhắn nhủ với những bạn đang chọn ngành, chọn trường?
Đức Anh: Mình chỉ muốn gửi gắm một điều đơn giản nhưng quan trọng: Hãy lắng nghe bản thân thật kỹ. Dù lựa chọn ngành nào, trường nào, điều quan trọng nhất vẫn là mình có trách nhiệm và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Cố lên nhé các bạn!
Tống Ngọc Minh, lớp 24VH2, cựu học sinh THPT Chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình
Vì sao đưa mình tới ULIS?, tác phẩm đạt giải Inspiration, Blue Waves Media Contest 2025
Tác phẩm là câu chuyện “về nhà” từ một thành viên của K58, VHTTXQG mùa 2. Hành trình của bạn bắt đầu từ một nỗi sợ, từ sự tình cờ để đi đến sự gắn bó và những trải nghiệm đáng quý.
Trần Duy Lâm, lớp 24VH1, cựu học sinh THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội
PV: Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS?
Duy Lâm: Thực ra thì mình thấy bản thân mình là ví dụ điển hình của trường hợp “Chọn trường chứ không chọn ngành.” Phải đến cuối kì 1 lớp 12 mình mới bắt đầu suy nghĩ là mình nên chọn trường như thế nào, mình có thích cái gì không,… Lúc đấy là mông lung lắm chẳng biết chọn gì cả 🤷 Thì thấy mình cũng may mắn gọi là có một xíu năng khiếu trong môn tiếng Anh đi, nên ULIS lọt vào tầm ngắm của mình luôn -) Cũng một phần vì cái logo trường mình đẹp nữa, nên là đầu mình nảy số nhanh lắm: “Ok phải vào trường này!”. Định hướng ban đầu của mình là ngành Ngôn ngữ Anh cơ, nhưng mà tối hôm đấy ảo ma thế nào mà mình lại lướt thấy bài tuyển sinh về ngành mình. Thì mình cũng bấm vào xem thôi, rồi tìm hiểu này, xong ồ hay đấy, cũng ok, cũng 10 điểm đấy 🤩. Thực ra mình rất là thích mấy ngành về nghệ thuật với truyền thông, vậy mà giờ mình còn được trau dồi cả ngoại ngữ nữa nên không có lí do gì để từ chối nữa cả. Thêm nữa cái thu hút mình nhất, mà mình nghĩ là bạn nào cũng sẽ như mình thôi, đấy chính là học phí của ngành mình. Ở thời điểm đấy thì học phí ngành mình là đang mức giá iu thương nhất trong các ngành rùi 🌹Và thế là chốt hạ hành trình gửi gắm 4 năm tới của em Diilam tại ngành Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN hoi 🏃
PV: Bạn hãy chia sẻ một kỉ niệm vui trong quá trình học tập tại chương trình?
Duy Lâm: Ui giờ mới thấy là thời gian trôi nhanh, chớp mắt cái là đã hết năm nhất rồi. Sau một năm mình thấy là kỉ niệm buồn thì phải nói là gần như không có, còn vui thì nhiều quá giờ không biết kể cái nào cả -) Hoi, em sẽ chọn Hola đi. Ban đầu mình cũng sợ đi lắm, tự nhiên bắt đi xa nhà 1 tháng trời, nhưng mà lên đây ở lớp mình cũng khăng khít hơn, đoàn kết hơn rất là nhiều, vui lắm luôn. Mình vẫn còn nhớ cái tháng đầu tiên đi học, hôm nào đến lớp cũng chỉ ngồi một mình nhìn các bạn chơi chung với nhau thôi, lúc đấy ngại mình không dám bắt chuyện luôn mà. Vậy mà giờ mình đã có cả nhóm bạn thân, rồi chơi trong lớp ai mình cũng ngồi buôn được hết 😀 Rồi tham gia các câu lạc bộ nè, môn học chung cũng vậy, cái vòng tròn quan hệ của mình sẽ được mở rộng ra rất nhiều luôn. Đặc biệt là đi hola, vì mình không được trải nghiệm cái cảm giác xa nhà như những bạn ở thành phố khác ra Hà Nội học, nên là 1 tháng đi quân sự với mình là cái gì đấy rất là mới, rất là đáng sợ. Ừm thì giờ mà bảo chọn đi lại không thì mình vẫn trả lời là không nhé 😇 Nhưng mà vui lắm nha, mấy mom 2007 sắp tới nhớ chuẩn bị kỹ càng về hành lý trước khi đi nè, học nhẹ hều thôi nhưng mà rèn luyện sức khỏe với hoạt động thể thao là nhiều lắm nhe.
PV: Bạn hãy kể về một số điều hữu ích, đáng nhớ học được từ các môn học trong chương trình?
Duy Lâm: Để mà nói từ đầu năm đến giờ thì, môn học mà mình cảm thấy ấn tượng nhất vẫn là Truyền thông thị giác. Như mình chia sẻ ở trên là mình thích những cái liên quan nghệ thuật, hội họa ấy nên là học môn này như trúng mánh vậy 😝 Hiểu nôm na thì bọn mình sẽ được học về cách mà chúng ta truyền tải thông điệp qua những phương tiện truyền thông vậy á. Ở môn này thì bọn mình đã có cơ hội được đi trải nghiệm thực tế những triển lãm tranh, bảo tàng,… rất là bổ ích và ý nghĩa. Mỗi lần đi như vậy không chỉ là một bài học cho chúng mình mà cũng là thời gian để khuây khỏa, gắn kết nhau hơn. Em xin một lần nữa cảm ơn các thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em có những chuyến đi tuỵt vời như vậy ạa. À mà môn này thuyết trình đáng sợ nha, sẽ phải chú ý rất nhiều về hình thức và nội dung các bạn trình chiếu trên slide đó vì dù sao thì bọn mình là sinh viên ngành truyền thông mà 😛

Sinh viên ngành Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 12/2024
PV: Một số điều nhắn nhủ với những bạn đang chọn ngành, chọn trường?
Duy Lâm: Mình cũng không biết là mình có nên đưa ra lời khuyên không tại vì bản thân mình thì cũng phải đến phút chót mới chọn được ngành học mà mình muốn theo đuổi mà. Nên là mình sẽ chia sẻ với mấy bạn 2007 những gì mà bố mẹ thường nói với mình: Cứ làm những gì mình thích thôi, học là chuyện cả đời mà đâu phải cứ 4 năm đại học xong là phải ra làm đúng việc như vậy đâu đúng không. Có thể các bạn sẽ có định hướng khác, có những hướng đi mới, vậy nên ở thời điểm hiện tại hãy chọn những gì mình yêu thích nhất, phù hợp nhất với bản thân bởi có đam mê thì mình mới đi lâu dài được với nó chứ nhỉ 😎.
ULIS Media