Chia sẻ kết quả triển khai mô hình đào tạo kết hợp năm học 2023-2024 và định hướng triển khai mô hình đào tạo kết hợp năm học 2024-2025
Ngày 18/9/2024, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Tọa đàm chia sẻ kết quả triển khai mô hình đào tạo kết hợp trong học kỳ II năm học 2023-2024 và Định hướng triển khai mô hình đào tạo kết hợp trong học kỳ I năm học 2024-2025”.
Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh, đại diện lãnh đạo các đơn vị: P.ĐT, P.TT&PC, K.SĐH, TT.CNTT-TT&HL, TT.ĐBCL; Ban Chủ nhiệm các khoa đào tạo, bộ môn trực thuộc trường; và cán bộ, giảng viên quan tâm trong trường.
Phát biểu mở đầu chương trình, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh đã nhấn mạnh về sự thành công khi triển khai mô hình đào tạo kết hợp trong giảng dạy và dạy học của học kì II năm học 2024-2024. Phó Hiệu trưởng khẳng định rằng việc cá thể hóa mô hình đào tạo thích hợp sẽ tạo không gian cho giảng viên sử dụng da dạng nền tảng khác nhau, từ mô hình cá thể sẽ là tiền đề để xây dựng các hoạt động, mô hình dành cho nhóm. Phó Hiệu trưởng cũng hy vọng thông qua buổi tọa đàm, giảng viên các khoa đào tạo sẽ cùng trao đổi và thảo luận về những kế hoạch đã và sẽ áp dụng trong tương lai.
Tại tọa đàm, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thuý Lan đã trình bày báo cáo tổng quan về việc triển khai mô hình đào tạo kết hợp trong học kỳ II năm học 2023-2024. TS. Nguyễn Thuý Lan chia sẻ rằng việc xây dựng và triển khai mô hình học tập và giảng dạy kết hợp đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ sát sao về nhiều mặt từ các đơn vị trong trường. Bên cạnh đó, mô hình vẫn còn một số bất cập cần được thảo luận và đổi mới để áp dụng rộng rãi hơn nữa trong quy mô toàn trường.
Chương trình tiếp tục với 05 báo cáo được trình bày dựa trên thực tiễn giảng dạy của 05 môn học với mô hình giảng dạy kết hợp khác nhau.
Đầu tiên là báo cáo về kinh nghiệm giảng dạy môn học “Tiếng Trung B1 tăng cường”. Báo cáo của giảng viên Lê Thị Huyền Trang khẳng định khi áp dụng phương pháp kết hợp trực tuyến và trực tiếp, người học được phát triển kỹ năng nghề nghiệp và dễ dàng thích nghi với điều kiện giảng dạy thực tiễn. Với phương châm “2 nhấn mạnh”, “3 cùng làm” kết hợp, giảng viên có thể phát triển năng lực tự chủ và trách nhiệm trong việc tự học của sinh viên.
Với báo cáo về môn học “Tiếng Anh B1”, giảng viên Nguyễn Thị Bích Hạnh nhấn mạnh việc áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập kết hợp đã mang lại nhiều phản hồi tích cực từ sinh viên của trường. Học tập và xây dựng bài giảng môn tiếng Anh trên LMS, không chỉ sinh viên mà giảng viên cũng được phát triển về kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong học tập, giảng dạy.
Báo cáo về môn học “Nghiệp vụ biên phiên dịch” của giảng viên Nguyễn Ninh Bắc đã chia sẻ về cơ hội, thách thức và những trải nghiệm trong mô hình đào tạo kết hợp kiểu mới được áp dụng. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Ninh Bắc cũng đưa ra đề xuất giải pháp cho những bất cập trong quá trình giảng dạy, nhấn mạnh giảng viên cần sự linh hoạt, chủ động về hình thức giảng dạy để tạo môi trường học tập đa dạng cho sinh viên với môn học.
Chia sẻ về việc áp dụng mô hình kết hợp giảng dạy đối với môn học “Phân tích dữ liệu định lượng và định tính”, TS. Đặng Thị Thanh Thuý nhìn nhận học viên đã được rèn luyện khả năng tổng hợp, phân tích và đánh giá biện pháp định lượng, định tính trong bài học. Từ đó, giảng viên có thể tiến hành thiết kế phương pháp cho nghiên cứu phù hợp với bài học.
Với môn học “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp”, giảng viên Nguyễn Thị Hải Hà đã đưa ra những quan điểm trực quan về việc áp dụng phương pháp giảng dạy kết hợp. Theo đó, môn học đã nhận được những phản hồi tích cực về phương pháp giảng dạy và sinh viên được phát triển không chỉ về kiến thức bài học mà còn về kỹ năng công nghệ thông tin.
Sau phần báo cáo, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận về việc xây dựng mô hình đào tạo kết hợp của năm học 2023-2024 và định hướng những bước đi mới của mô hình trong năm học 2024-2025. Nhiều góp ý có tính thực tiễn về quy mô, chương trình đào tạo và phương thức ứng dụng phù hợp với môn học, cũng như đề xuất hỗ trợ từ Nhà trường cũng đã được đưa ra nhằm tối ưu việc xây dựng môn học.
Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh khẳng định mục tiêu của đào tạo kết hợp là tận dụng điểm mạnh của cả hai hình thức giảng dạy trực tuyến và trực tiếp, giúp nâng cao hiệu quả học tập và tạo sự linh hoạt cho người học. Trao đổi về việc ứng dụng đào tạo kết hợp (blended learning) với những thách thức và cơ hội khi triển khai, TS. Đỗ Tuấn Minh cũng chia sẻ những công cụ hữu ích thích hợp với mô hình đào tạo này nhằm giúp thầy cô có cái nhìn tổng quan nhất về việc xây dựng, triển khai và ứng dụng giảng dạy đào tạo kết hợp trong các môn học toàn trường.
Tọa đàm chia sẻ kết quả triển khai mô hình đào tạo kết hợp năm học 2023-2024 và định hướng triển khai mô hình đào tạo kết hợp năm học 2024-2025 khép lại sau thời gian làm việc tích cực. Tọa đàm đã thể hiện quyết tâm của Nhà trường trong đổi mới chương trình đào tạo và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong học tập và giảng dạy kết hợp.
HG/ĐSTT