Vị trí việc làm của cử nhân tốt nghiệp CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu học tiếng Việt ngày càng lan tỏa không chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) vì thế đã trở thành một ngành học hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những ai đam mê ngôn ngữ và giảng dạy. Việc giảng dạy tiếng Việt không chỉ đơn thuần là truyền đạt ngôn ngữ, mà còn là sứ mệnh kết nối văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.
Chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ không chỉ cung cấp cho người học hiểu một cách hệ thống, học thuật về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mà còn giúp người học trang bị các kỹ năng về sư phạm, giảng dạy tiếng Việt với tư cách ngoại ngữ một cách bài bản, khoa học, thích ứng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy học. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ) có thể đảm nhận các vị trí việc làm sau:
· Giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong nước: Làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ, các trường phổ thông quốc tế có giảng dạy tiếng Việt, các cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam.
· Giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài: Làm việc tại các trung tâm đào tạo, viện ngôn ngữ, hoặc giảng dạy tiếng Việt trực tiếp tại các nước có nhu cầu học tiếng Việt (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, v.v.).
· Biên – phiên dịch viên, thư ký, chuyên viên đối ngoại tại các công ty Việt Nam, đại sứ quán, văn phòng đại diện của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
· Chuyên viên phụ trách đào tạo, biên tập viên, chuyên viên thực hiện các dự án về ngôn ngữ và văn hóa tại các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà xuất bản. Một số bạn yêu thích sáng tạo nội dung có thể tham gia phát triển tài liệu giảng dạy, hoặc làm nội dung số (video, bài giảng trực tuyến) phục vụ người học.
· Nghiên cứu ngôn ngữ: Làm việc tại các viện nghiên cứu về ngôn ngữ, tham gia các dự án về phát triển giáo dục, ngôn ngữ, và bảo tồn văn hóa Việt Nam.
· Hướng dẫn viên du lịch hoặc thuyết minh viên ở các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa hay các tổ chức văn hóa có liên quan đến Việt Nam.
Có thể nói, lựa chọn CTĐT Giảng dạy tiếng Việt không chỉ là lựa chọn một nghề nghiệp, mà còn là lựa chọn một sứ mệnh. Đó là sứ mệnh mang tiếng Việt – một phần hồn của dân tộc – đến với bạn bè năm châu, kết nối cộng đồng kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, và góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hy vọng rằng, với bài viết này, các bạn trẻ sẽ có thêm góc nhìn mới và tích cực về CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, từ đó mạnh dạn lựa chọn con đường nghề nghiệp đầy ý nghĩa này trong tương lai.
Hẹn gặp các bạn tại Khoa Ngôn ngữ -Văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á năm học2025-2026 nhé.
Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á