Phổ biến phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho sinh viên ULIS
Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên, giảng viên và cán bộ về an ninh mạng, đồng thời củng cố kiến thức và kỹ năng nhận diện các hành vi lừa đảo trực tuyến, trong hai ngày 6 – 7/5/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng”. Buổi tọa đàm được diễn ra trên nền tảng trực tuyến Zoom Webinar.


Tham dự tọa đàm có Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; Thiếu tá Đào Mạnh Tú – cán bộ Trung tâm 2, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an; đại diện các khoa đào tạo; giáo viên chủ nhiệm các lớp cùng toàn thể sinh viên toàn trường.
Mở đầu buổi tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh đã nhấn mạnh rằng trong thời đại Internet và các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những tiện ích và cơ hội mà công nghệ mang lại, cũng tồn tại không ít mặt trái, đặc biệt là các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường. Không ít trường hợp người dùng do thiếu thông tin hoặc chủ quan đã trở thành nạn nhân của các thủ đoạn này. Trong vòng một năm trở lại đây, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng trở nên phức tạp hơn.
Để ứng phó với tình trạng này, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên, giúp các bạn trang bị kỹ năng nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo. Những kỹ năng này không chỉ giúp sinh viên tự bảo vệ bản thân mà còn có thể hỗ trợ, cảnh báo cho những người xung quanh. Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh nhấn mạnh ngày nay công nghệ mang đến nhiều cơ hội quý giá, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết về an ninh mạng, nắm rõ các quy định pháp luật liên quan là vô cùng cần thiết đối với sinh viên trong thời đại số.

Tiếp nối buổi tọa đàm, Thiếu tá Đào Mạnh Tú đã chia sẻ hai nội dung trọng tâm: nâng cao nhận thức và kiến thức về an ninh mạng và đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cá nhân trong môi trường số.

Thiếu tá Đào Mạnh Tú chỉ ra ba nhóm mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo thường nhắm tới, đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản về các rủi ro trên không gian mạng và các biện pháp thực tiễn để phòng tránh. Những nội dung này giúp sinh viên nâng cao nhận thức và chủ động hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Thiếu tá Đào Mạnh Tú cũng cho biết, bên cạnh lừa đảo trực tuyến là chủ đề chính của buổi tọa đàm, không gian mạng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như xâm phạm quyền riêng tư, bắt nạt trực tuyến, lừa đảo tài chính và tiếp cận nội dung độc hại. Đặc biệt, bắt nạt trên mạng xã hội ngày càng khó kiểm soát nhưng để lại nhiều hậu quả tâm lý nghiêm trọng. Riêng với lừa đảo trực tuyến, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và thay đổi liên tục, gây thiệt hại lên tới khoảng 18.900 tỷ đồng trong thời gian gần đây. Các hình thức phổ biến bao gồm giả danh cơ quan chức năng, deep fake video, mạo danh thương hiệu, đánh cắp tài khoản cá nhân… với sự hỗ trợ của công nghệ AI nhằm thao túng và khai thác thông tin người dùng.

Thiếu tá đã cung cấp cho sinh viên những dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết về Luật An ninh mạng. Việc sử dụng phần mềm lậu hoặc không có bản quyền có thể dẫn đến nguy cơ bị cài mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân – một trong những rủi ro thường gặp trên không gian số.



Sinh viên ULIS cũng đã tích cực đặt câu hỏi, trao đổi với Thiếu tá Đào Mạnh Tú.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức về an ninh mạng cũng như kỹ năng nhận diện, phòng tránh các hành vi lừa đảo. Phó Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn rằng thông qua buổi tọa đàm này, mỗi sinh viên sẽ nâng cao được nhận thức, có khả năng tự bảo vệ bản thân trên không gian số và lan tỏa sự cảnh giác đó đến với những người xung quanh.
Các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm nhằm vào học sinh, sinh viên: 1. Mạo danh cơ quan chức năng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án):
2. Tạo dựng tình huống khẩn cấp để gây hoang mang:
3. Dụ dỗ vào không gian kín, cách ly nạn nhân:
4. Ép cung cấp thông tin cá nhân và tài chính:
5. Dùng chiêu bài “học bổng”, “du học” để dẫn dắt:
6. Lừa đảo có tổ chức xuyên biên giới:
|
Ngọc Hà-Hoàng Anh/ĐSTT