Chương trình giao lưu học thuật “Thách thức và cơ hội trong giáo dục Tiếng Hàn bậc phổ thông ở Việt Nam để phát triển sách giáo khoa tiếng Hàn dành cho học sinh Việt Nam”
Ngày 10/11/2024, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục tiếng Hàn Quốc tế đã tổ chức chương trình giao lưu học thuật “Thách thức và cơ hội trong giáo dục Tiếng Hàn bậc phổ thông ở Việt Nam để phát triển sách giáo khoa tiếng Hàn dành cho học sinh Việt Nam”. Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 30 năm giảng dạy tiếng Hàn tại trường.
Tiết mục Hòa tấu nhạc cụ dân tộc và Múa “Nàng thơ xứ Huế” đã đem lại cho chương trình không khí gắn kết và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Chương trình diễn ra nhằm chào mừng sự thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN dưới sự tài trợ của Trung tâm Ngôn ngữ Tiếng Hàn tại TP.HCM, cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động sẽ là nhân tố góp phần củng cố và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng giáo viên và các nghiên cứu liên quan khác nhằm củng cố và kiện toàn hệ thống giáo dục tiếng Hàn ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các bậc học phổ thông.
Tham dự chương trình có đông đảo đại diện đến từ các cơ quan ngoại giao, đơn vị đào tạo tại Hàn Quốc và Việt Nam như: Quỹ Giáo dục tiếng Hàn Quốc tế; Trường Đại học Yonsei, Hàn Quốc; Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc; Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP. HCM; VPĐD Phòng Giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài tại Việt Nam; Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, Campuchia; Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh; Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học, trường trung học của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quỹ Giáo dục Tiếng Hàn Quốc tế Lim Yeong Dam gửi lời cảm ơn Trường Đại học Ngoại ngữ đã phối hợp tổ chức hội thảo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên và giáo trình giảng dạy trong tiếng Hàn, ngài Lim Yeong Dam khẳng định Quỹ Giáo dục tiếng Hàn Quốc tế sẽ tích cực ủng hộ các chương trình học, sách giáo khoa và hội thảo giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam.
Cũng phát biểu tại chương trình, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM Kil Ho Jin đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham gia hội thảo. Giới thiệu về sứ mệnh của Trung tâm NN&VH Hàn Quốc tại Việt Nam, ông mong rằng việc dạy và học tiếng Hàn tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện Trường Đại học Ngoại ngữ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển hơn nữa của giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam và Khoa NN&VH Hàn Quốc, TS. Đỗ Tuấn Minh mong rằng chương trình có thể là cơ hội giao lưu và nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho các đại biểu.
Chương trình giao lưu học thuật bao gồm hai bài thuyết giảng và một phiên thảo luận chung. Đầu tiên là phần chia sẻ về “Sự thay đổi của phương pháp giảng dạy trong giáo trình tiếng Hàn” do GS. Kang Seung Hae – Viện trưởng Viện Giáo dục, Trường Đại học Yonsei, Hàn Quốc trình bày.
Bài thuyết giảng thứ hai với tiêu đề “Quên lãng, Tiếp nối, Tồn tại – Việt Nam và Hàn Quốc cùng tiến bước với K-Pop” do bà Chung Jae Suk, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc chia sẻ.
Bà Chung Jae Suk giới thiệu về Bojagi – nghệ thuật gói quà tinh tế của người Hàn – mang biểu tượng đến những tấm lòng chân thành nơi người tặng, từng tâm tư tình cảm, lòng biết ơn, và gửi tặng sách quý cho sinh viên Khoa NN&VH Hàn Quốc.
Ngay sau đó là phiên thảo luận chung do Phó Giám đốc Trung tâm NN&VH Hàn Quốc Trần Thị Thu Phượng điều hành cùng 3 khách mời là Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam Lưu Tuấn Anh, Trưởng khoa Hàn Quốc học Trường Đại học Công nghệ TP. HCM Bùi Phan Anh Thư và Trưởng khoa Tiếng Hàn – Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan Supaporn Boonrung. Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, đề xuất có ý nghĩa về giáo dục Tiếng Hàn bậc phổ thông ở Việt Nam đã được nêu lên.
Chương trình trao đổi học thuật khép lại sau thời gian làm việc và trao đổi sôi nổi.
Việt Thắng