Chia sẻ về Quy trình đăng ký bản quyền tác giả và thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ về Quy trình đăng ký bản quyền tác giả và thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ

Ngày 31/10/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Quy trình đăng ký bản quyền tác giả và thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ”.

Hiện nay, Trường Đại học Ngoại ngữ đang chủ trương đẩy mạnh việc thực hiện và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong trường nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị của quyền SHTT, hình thành thái độ tôn trọng quyền SHTT trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập, chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng. Để trang bị những kiến thức căn bản về SHTT và nâng cao hiểu biết về hoạt động SHTT gắn liền với công tác giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ giảng viên, Nhà trường đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai buổi nói chuyện này.

Báo cáo viên của buổi nói chuyện là Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả và bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả.

Tham dự chương trình có lãnh đạo và chuyên viên phụ trách KHCN các đơn vị về sở hữu trí tuệ và cán bộ, giảng viên quan tâm.

Trong chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà đã trình bày về tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền trong bối cảnh sở hữu trí tuệ ngày càng được coi trọng và cần được bảo vệ. Bà nhấn mạnh việc bảo hộ bản quyền không chỉ nhằm khẳng định quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, mà còn góp phần nâng cao giá trị của các sáng tạo trí tuệ.

Tiếp theo, ông Phạm Thanh Tùng đã cung cấp các nội dung chuyên sâu về quy trình pháp lý, cách thức thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ, và các phương thức phòng tránh vi phạm bản quyền. Hiện nay, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả, hoặc Điểm tiếp nhận hồ của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Điểm tiếp nhận hồ sơ Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (hồ sơ bản gốc (bản giấy) được gửi tới Cục Bản quyền tác giả theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính).

Cuối chuyên đề là phần trao đổi và hỏi đáp trực tiếp giữa các chuyên gia và đội ngũ lãnh đạo, trưởng khoa, cùng các giảng viên đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tinh thần cởi mở, các chuyên gia đã tận tình giải đáp từng câu hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên sâu về quy trình đăng ký bản quyền và thương mại hóa sản phẩm trí tuệ. Các câu hỏi xoay quanh các tình huống cụ thể trong việc bảo hộ quyền tác giả và phát triển tài sản trí tuệ, từ đó giúp giảng viên và cán bộ của trường có cái nhìn rõ ràng hơn về những thách thức và giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực này.