Hội thảo khoa học quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2024 (2024 IGRS) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2024 (2024 IGRS)

Ngày 26/10/2024, tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2024 – 2024 IGRS. 

Hội thảo khoa học quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh (IGRS) là chương trình thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu ở bậc đào tạo sau đại học, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, và công bố các nghiên cứu cho học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Tham dự hội thảo có các đại diện ĐANNQG, ĐHQGHN, các trường đối tác. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cùng đại diện các đơn vị, lãnh đạo và cán bộ Khoa Sau Đại học. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo học viên cao học và nghiên cứu sinh, học giả đến từ nhiều trường đại học trong nước và nước ngoài.

Với mong muốn hội tụ, kết nối và đáp ứng rộng rãi hơn các học viên, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, hội thảo năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp tại trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết hội thảo IGRS là diễn đàn tổng hợp và công bố những kết quả đạt được sau thời gian dài nghiên cứu, khai thác, và chia sẻ, thảo luận về nghiên cứu mới của nhiều vấn đề liên quan tới ngôn ngữ học, giáo dục học hay những vấn đề xã hội khác của các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trường Đại học Ngoại ngữ rất vinh dự khi được tổ chức sự kiện IGRS năm 2024 với sự tham gia của đông đảo đại biểu khách mời, diễn giả, học viên và nghiên cứu sinh trên thế giới. Hướng tới sự thành công của sự kiện năm nay và để nối tiếp cho IGRS lần thứ 9 diễn ra vào năm 2025 trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông hi vọng 2024 IGRS có thể đem lại nhiều kết quả thực tế, góp phần cải thiện và đưa ra các phương pháp dạy và học đến học viên và nghiên cứu sinh, giúp các học viên trang bị đầy đủ kiến thức sau khi tốt nghiệp. Phó Hiệu trưởng cũng hy vọng rằng với sự chuẩn bị kỹ càng và tận tâm của các báo cáo viên; sự cống hiến hết mình của Ban Tổ chức, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể kiến tạo nên một 2024 IGRS thành công và tốt đẹp, gây dựng nên tiếng vang tới khu vực và quốc tế.  

 

 

Tiếp nối sự thành công của 7 lần hội thảo trước đó, IGRS lần thứ 8 tập trung vào các chủ đề giáo dục, ngôn ngữ học và các vấn đề phát triển kỹ năng giao tiếp và gắn kết trong các lớp học ngôn ngữ

Trong phiên toàn thể có phần báo cáo của 4 diễn giả. Phần mở đầu đến từ TS. Raqib Chowdhury (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Monash, Australia) với báo cáo “Nuôi dạy con đa ngôn ngữ và Chính sách Ngôn ngữ Gia đình: Thúc đẩy Tiếp thu Ngôn ngữ Hỗn hợp tại Nhà”, chủ đề này tập trung vào cách nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ, nơi gia đình đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ. Bài thuyết trình tập trung vào việc khuyến khích tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và linh hoạt ở nhà không chỉ giúp trẻ tiếp cận nhiều ngôn ngữ mà còn thúc đẩy tư duy đa dạng và sự hiểu biết văn hóa. Đây là một vấn đề quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi mà việc giao thoa giữa các ngôn ngữ và văn hóa ngày càng trở nên phổ biến.

 

Tiếp đến là phần trình bày đến từ TS. Edwin Creely (Đại học Monash, Melbourne, Australia) với báo cáo “Đổi mới Học tập Ngôn ngữ: Sáng tạo, Phương pháp Sư phạm và Công nghệ trong Thế kỷ 21”. Báo cáo này hướng tới việc sử dụng các phương pháp sáng tạo và công nghệ tiên tiến để cải thiện việc học ngôn ngữ. Trong thế kỷ 21, công nghệ đã trở thành công cụ mạnh mẽ trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên trong việc phát triển các phương pháp sư phạm sáng tạo. Bài trình bày đưa ra các ví dụ và phương pháp về cách công nghệ có thể làm phong phú thêm trải nghiệm học tập và nâng cao khả năng sáng tạo trong giảng dạy ngôn ngữ. TS. Edwin Creely đã đưa ra những lợi ích từ việc sử dụng phương pháp này và tạo nên một lớp học ngoại ngữ thông minh, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu đổi mới trên toàn cầu.

“Tích hợp giảng dạy, học tập và đánh giá” là chủ đề được trình bày bởi GS. Antony John Kunnan, Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ. Diễn giả cho biết tích hợp giảng dạy, học tập và đánh giá là một khía cạnh quan trọng của giáo dục, đặc biệt trong đào tạo ngôn ngữ. Khi các phương pháp giảng dạy và học tập được kết hợp một cách chặt chẽ với quy trình đánh giá, học viên sẽ có được sự phản hồi liên tục và chất lượng. Việc này giúp cải thiện hiệu quả học tập và tạo động lực cho người học, giúp họ đạt được những kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Bên cạnh đó, GS. Antony John Kunnan cũng giới thiệu các phương pháp cụ thể để hướng dẫn cách làm sao triển khai phương pháp này một cách phù hợp và hiệu quả.

PGS. Melissa Barnes, Đại học La Trobe, Australia đã trình bày báo cáo về chủ đề “Sử dụng ngôn ngữ chân thực: Giảng dạy và đánh giá giao tiếp một cách rõ ràng”. Qua phần trình bày, PGS. Melissa Barnet chỉ ra các vấn đề về việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và trong những cuộc đối thoại thông dụng. “Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2 thường tạo ra những sự bị động như việc không biết cách phản hồi hay phải lập luận hay hồi đáp như thế nào cho người nói. Đây là một vấn đề nhiều người gặp phải”. Phó giáo sư đã đưa ra những phương pháp giảng dạy giúp cải thiện kĩ năng giao tiếp trực tiếp, đó là một phần trong chương trình giảng dạy được sử dụng tại Đại học La Trobe – Australia. Sử dụng ngôn ngữ đích thực trong giảng dạy là cách giúp học viên tiếp xúc với ngôn ngữ một cách tự nhiên và thực tế, gần gũi với những tình huống giao tiếp hàng ngày. Chủ đề này đặc biệt hữu ích cho giáo viên trong việc xây dựng kỹ năng giao tiếp của học sinh một cách rõ ràng, có hệ thống và phù hợp với mục tiêu học tập. Ngoài ra bà cũng đưa ra khung kiến thức giảng dạy cụ thể cho chương trình này.

Kết thúc phần trình bày phiên toàn thể là báo cáo “Cuộc sống cảm xúc trong lớp học tiếng Anh” đến từ PGS. Jonathan Newton, Đại học Victoria Wellington, New Zealand. Phó giáo sư cho biết khía cạnh cảm xúc trong lớp học là một yếu tố quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ. Cảm xúc ảnh hưởng rất nhiều đến động lực học tập và khả năng tiếp thu của học sinh. Ông đã nêu lên những ví dụ cụ thể như ở một lớp học tại Trung Quốc mà ông từng giảng dạy và đưa ra các phần cụ thể trong phương pháp, qua đó giúp cho cảm xúc của giáo viên và sinh viên luôn tích cực, tạo nên sự hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Anh. Bài trình bày làm rõ cách giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập an toàn và hỗ trợ, nơi học viên cảm thấy thoải mái, từ đó cải thiện hiệu suất học tập và giúp học viên tiếp thu ngôn ngữ một cách hiệu quả hơn.

Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham gia và lắng nghe báo cáo, trao đổi tại 25 tiểu ban song song với hơn 200 báo cáo được lựa chọn trình bày. 

Các báo cáo khoa học có nội dung đa dạng và phong phú, tập trung vào nhiều lĩnh vực cụ thể như: ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ cho người học ở các cấp học và trong gia đình, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, tâm lý học, cải tiến và sáng tạo công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ,… nhằm đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước. 

IGRS là hoạt động dành cho người học, công tác tổ chức phần lớn do học viên cao học và nghiên cứu sinh thực hiện. Khẩu hiệu hành động của ULIS “Creating Opportunities Together – Cùng nhau kiến tạo cơ hội” và chủ trương “Entrusting Graduate Students with IGRS organization – Trao việc tổ chức hội thảo cho chính học viên cao học và nghiên cứu sinh” của lãnh đạo Nhà trường đã được “nhất hô bá ứng – One Call, All Support”, và chính họ – học viên cao học và nghiên cứu sinh đã làm nên thành công của hội thảo quốc tế thường niên này.

TS. Raqib Chowdhury được nhận Kỷ niệm chương vì sự phát triển của ĐHQGHN

Trao chứng nhận cho các báo cáo viên tiêu biểu

Hội thảo 2024 IGRS khép lại sau một ngày làm việc tích cực và sôi nổi. Qua đây, nhiều học viên, nghiên cứu sinh đã được tiếp cận và lắng nghe nhiều vấn đề nghiên cứu khác nhau và đúc kết nhiều kiến thức mới.

Trước đó, cũng trong các ngày từ 23 – 25/10/2024 , Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động tiền hội thảo với những thông tin bổ ích về nghiên cứu, giảng dạy được các diễn giả trong và ngoài nước chia sẻ.

Chuỗi hoạt động 2024 IGRS đã khép lại thành công, tiếp nối các giá trị truyền thống và tăng cường tính đổi mới. Hội thảo cũng hứa hẹn sẽ đem đến nhiều đóng góp tích cực giúp cải thiện chất lượng chương trình dạy và học ngôn ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và tại cả những cơ sở giáo dục khác nói chung. 

Một số hỉnh ảnh khác:

Huy Khánh-Quang Anh-Ngọc Hà-Tùng Dương-Thùy Dương