Hội thảo định hướng xây dựng ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo định hướng xây dựng ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ

Ngày 29/08/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo định hướng xây dựng ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh; Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; Chủ tịch mạng lưới Cựu HSSV Nguyễn Lân Trung; đại diện lãnh đạo các đơn vị, Trưởng các bộ môn Giáo học pháp các khoa; toàn thể giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á và các cán bộ, giảng viên, giáo viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh cho biết việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường ĐH Ngoại ngữ đã bắt đầu từ những năm 1990. Những sinh viên đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á-Đông Á hay các nước nói tiếng Anh theo học chuyên ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam đã đến trường để học về tiếng Việt trong một học kỳ, một năm hoặc hai năm. Bên cạnh đó, Nhà trường còn triển khai các khóa học ngắn hạn, trải nghiệm văn hóa Việt Nam cho học sinh sinh viên nước ngoài. Với sinh viên ULIS, Nhà trường cũng cung cấp các môn học xây dựng nền tảng tốt về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam giúp các em có thể đối chiếu, đối sánh với ngôn ngữ và văn hóa mình đang học. Với chiều dài hàng chục năm giảng dạy tiếng Việt, Trường ĐH Ngoại ngữ đã quyết định đề xuất với ĐHQGHN để có thể bổ sung ngành học mới là “Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam”. Bên cạnh Diễn đàn quốc tế “Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài” diễn ra vào ngày 26/8 trước đó, Hội thảo định hướng này giúp thu nhận ý kiến góp ý từ các đại biểu để Nhà trường hoàn thiện Đề án này.

Trước khi bắt đầu phần báo cáo, các đại biểu đã cùng xem một video ngắn chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của du học sinh nước ngoài tại trường.

Tại hội thảo, đã có 3 báo cáo được trình bày, bao gồm: “Mở ngành Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam (Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ) – Những bước đi đầu tiên” do Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thuý Lan thực hiện đã giới thiệu về bối cảnh, đối tượng tuyển sinh, mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo và những yếu tố liên quan đảm bảo chất lượng của chương trình; “Khảo sát nhu cầu xã hội của ngành Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam (Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ)” do Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam Trần Hữu Trí trình bày cung cấp báo cáo khảo sát nhu cầu xã hội và định hướng nghề nghiệp của ngành; “Chuẩn đầu ra và chân dung người học” do Giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam Chử Thị Bích chia sẻ.

Sau đó là hoạt động trao đổi, thảo luận. Nhiều nhận xét, góp ý về việc triển khai chương trình, về chuẩn đầu ra và đối tượng tuyển sinh đã được các thầy cô tích cực góp ý cho nhóm chuyên trách xây dựng Đề án mở ngành.

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội thảo đã gợi mở ra nhiều thông tin bổ ích, phần nào đề xuất định hướng cho nhóm chuyên trách. TS. Đỗ Tuấn Minh cũng khẳng định việc xây dựng ngành đào tạo Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ là một nhiệm vụ quan trọng và cần được triển khai từng bước cẩn thận để tạo nên một chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hội thảo định hướng xây dựng ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đã khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi, tích cực.

Chương trình đào tạo cử nhân ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chuyên ngành giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ mong muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, có năng lực tiếng Việt cao, am hiểu văn hóa Việt Nam và có khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức về KH giáo dục ngoại ngữ vào công việc giảng dạy tiếng Việt/công việc liên quan đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Chương trình đào tạo đảm bảo hình thức linh hoạt và đúng quy định, ứng dụng nhiều CNTT và đề cao học tập qua trải nghiệm. Ngành này đã được bổ sung vào quy hoạch ngành và chuyên ngành của ĐHQGHN trong giai đoạn tới và đang được Trường ĐH Ngoại ngữ tích cực xây dựng để sớm đưa vào tuyển sinh.