Trao đổi chuyên môn về tích hợp AI trong chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trao đổi chuyên môn về tích hợp AI trong chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ

Ngày 8/8/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Văn phòng Tiếng Anh Khu vực (RELO) – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tổ chức hoạt động trao đổi chuyên môn tích hợp AI trong chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ.

Tham dự chương trình, về phía Trường ĐH Ngoại ngữ có PGS.TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Thúy Lan – Trưởng phòng Đào tạo; ThS. Nguyễn Thị Lan Hường – Phó Trưởng phòng Hợp tác Phát triển; TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Sư phạm Tiếng Anh; cùng toàn thể giảng viên đăng kí tham dự chương trình. Về phía đối tác có TS. Justin Shewell, Chuyên gia cao cấp đến từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Phát biểu mở đầu, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh gửi lời cảm ơn đến tất cả các chuyên gia, giảng viên đã tham gia hoạt động này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo ra môi trường học tập hiệu quả, Phó Hiệu trưởng tin rằng buổi chia sẻ là cơ hội tốt để các thầy cô học hỏi thêm kinh nghiệm và trao đổi về chủ đề này.

Trong bài trình bày đầu tiên, TS. Nguyễn Thúy Lan đã trình bày về các chương trình đào tạo cử nhân tại ULIS, VNU. Cô đã nêu tổng quan về các chương trình đào tạo cử nhân tại ULIS, tổng quan về các chương trình đào tạo ngoại ngữ và cấu trúc của các chương trình đào tạo ngoại ngữ. Các chương trình đào tạo ngoại ngữ tại ULIS được thiết kế với cấu trúc linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên. Chương trình bao gồm các khóa học chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, phương pháp giảng dạy, và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Sinh viên có thể lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Các chuyên ngành bao gồm biên – phiên dịch, kinh tế, quản lý, ngôn ngữ học ứng dụng, du lịch, nghiên cứu quốc tế, và nhiều lĩnh vực khác. Chương trình cũng tập trung vào việc phát triển khả năng lãnh đạo, sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy ngoại ngữ, giúp học viên trở thành những giáo viên xuất sắc và đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, cô cũng nêu bật nỗ lực của ULIS trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. ULIS đang nỗ lực tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quá trình giảng dạy để tạo ra môi trường học tập hiện đại và hiệu quả. Các giảng viên và học viên tại ULIS được khuyến khích nắm vững kiến thức về trí tuệ nhân tạo và áp dụng vào việc giảng dạy và nghiên cứu. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ việc tự động hóa quy trình giảng dạy, phân tích dữ liệu học tập, và cung cấp phản hồi cá nhân cho học viên. Điều này giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo ra môi trường học tập đa dạng và phù hợp với nhu cầu của từng học viên.

Trong bài chia sẻ tiếp theo, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Sư phạm Tiếng Anh đã trình bày cụ thể về việc tích hợp AI vào giảng dạy Tiếng Anh tại khoa. Cô đã đưa ra thông tin về chương trình đào tạo, bao gồm khả năng sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ học và văn hóa, lý thuyết và thực hành giảng dạy, cũng như phương pháp giảng dạy và giao tiếp. Cô đã phân tích tầm ảnh hưởng của AI trong việc giảng dạy, bao gồm cả những khía cạnh tiềm ẩn. Trước hết, có nguy cơ sai lệch thông tin từ AI, đặc biệt là từ Chat GPT. Mặc dù AI có thể cung cấp thông tin rộng rãi, nhưng cũng có khả năng tạo ra thông tin không chính xác hoặc thiên vị. Vì vậy, giảng viên cần phải cân nhắc kỹ càng khi sử dụng AI trong việc giảng dạy. Đánh giá khóa học cũng có sự thay đổi. AI có thể giúp tự động hóa việc đánh giá, nhưng giảng viên cần phải đảm bảo tính công bằng và độ chính xác của quá trình này. Vì vậy, việc sử dụng AI cần phải được kiểm soát và điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo rằng sinh viên vẫn phải phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết. Cuối cùng, cô đã đề xuất cách tích hợp AI vào chương trình giảng dạy, bao gồm chuẩn bị cơ sở vật chất và công nghệ, đào tạo chuyên môn cho giảng viên, và xem xét cẩn thận trong việc thiết kế nội dung khóa học, phương pháp giảng dạy, đánh giá khóa học và kết quả học tập để chuẩn bị cho tương lai của sinh viên.

Trong phần trình bày thứ 3, TS. Justin Shewell đã đề cập đến nguồn gốc của Trí tuệ Nhân tạo (AI), cách vận hành và các khả năng cũng như hạn chế mà nó mang lại. Để tích hợp AI vào quá trình giảng dạy, chúng ta cần hiểu rõ về khả năng của nó và tạo ra các câu hỏi phù hợp để tương tác với nó. Điều này đòi hỏi tính cần thiết của việc tạo prompt (đề xuất) chính xác và đánh giá phản hồi từ AI. Một điểm quan trọng là việc hướng dẫn sinh viên sử dụng AI một cách hiệu quả. Để làm điều này, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách tạo ra các prompt (đề xuất) chính xác và hiệu quả để tương tác với AI. Điều này giúp sinh viên có thể áp dụng AI vào các nhiệm vụ học tập một cách hiệu quả. Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những thách thức quan trọng. Một trong số đó là bảo mật thông tin và trách nhiệm sử dụng dữ liệu. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng dữ liệu được sử dụng trong quá trình tương tác với AI được bảo vệ và không bị lộ ra ngoài. Ngoài ra, thầy cũng nêu bật tiềm năm của AI với vai trò một người hướng dẫn tốt cho sinh viên trong tương lai. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả tốt nhất, các giảng viên cần hiểu rõ về cách tương tác với AI và tạo prompt một cách hiệu quả. Thầy cũng nhấn mạnh vai trò của giảng viên trong việc hướng dẫn sinh viên sử dụng AI đúng đắn, tránh việc lạm dụng và gian lận bằng AI để tận dụng tiềm năng của nó trong giảng dạy và nghiên cứu.

Chương trình khép lại với phần trao đổi và thảo luận. Trong phần này, các giảng viên tham dự có cơ hội được trao đổi, bình luận và góp ý cho các chuyên gia về những nội dung mà họ đã trình bày. Phần trao đổi và thảo luận đã diễn ra sôi nổi và hữu ích, giúp mở rộng và sâu sắc hơn về những vấn đề liên quan đến tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy.

Chương trình đã kết thúc bằng phần chụp ảnh lưu niệm.

Phương Anh/ĐSTT