Khoa NN&VH Trung Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoa NN&VH Trung Quốc

Tầng 3 – Nhà A5 – ĐHNN – ĐHQGHN
024-375495622
 
 
PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền TS. Nguyễn Thị Minh
TS. Ngô Minh Nguyệt 
Trưởng Khoa Phó Trưởng Khoa  

  • Là một đơn vị đào tạo quan trọng của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Khoa NN&VH Trung Quốc có chức năng tổ chức thực hiện đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo bậc đại học các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Sư phạm tiếng Trung Quốc; xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo bậc sau đại học các chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Lý luận và phương pháp dạy học tiếng Trung Quốc; quản lý sinh viên bậc đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành tiếng Trung Quốc; triển khai thực hiện công tác NCKH trong đơn vị; phát triển nghiên cứu và hợp tác đào tạo, nghiên cứu về phương pháp dạy học, ngôn ngữ học, quốc tế học ngành tiếng Trung Quốc; và thực hiện các nhiệm vụ khác khi Chính phủ, các Bộ, ngành của Nhà nước giao phó.

Với các chức năng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngành tiếng Trung Quốc, Khoa có các nhiệm vụ giảng dạy bậc đại học, sau đại học, NCKH và phát triển hợp tác trong các lĩnh vực phương pháp dạy học, ngôn ngữ học, quốc tế học ngành tiếng Trung Quốc, Khoa NN&VH Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

  • Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo theo kế hoạch chung của Trường Đại học Ngoại ngữ- ĐHQGHN, bao gồm: Xây dựng chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành được Trường giao nhiệm vụ ở cả bậc đại học và sau đại học; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các môn học liên quan; tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu, giáo trình theo định hướng phát triển của Trường; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết.
  • Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ quan, trường đại học, viên nghiên cứu liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, NCKH của Khoa.
  • Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và NCKH theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
  • Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, người lao động, người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, người lao động thuộc Khoa.
  • Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên trong Khoa và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong Trường theo quy định của Trường.
  • Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị của Khoa.
  • Quan hệ hợp tác với các đơn vị và cá nhân ngoài Trường theo đúng quy định hiện hành của pháp luật nhằm phục vụ thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Khoa.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ giao.

Liên tục trong nhiều năm học, Khoa NN&VH Trung Quốc luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc kế hoạch nhiệm vụ, và luôn vinh dự được nhận danh hiệu thi đua Tập thể lao động xuất sắc. Đặc biệt, liên tục trong 02 năm học 2019- 2020 và 2020- 2021, Khoa được trao tặng Cờ thi đua của Đại học Quốc gia Hà Nội do có thành tích dẫn đầu phong trào thi đua khối đơn vị đào tạo ở ĐHQGHN. Về khen thưởng, năm học 2021- 2022 Khoa được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, năm học 2022- 2023 Khoa được nhận Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN.

  • Thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao
    Từ năm 2015 đến năm 2025, Khoa đã đào tạo được hơn 1.600 cử nhân ngoại ngữ (155 hệ Sư phạm tiếng Trung, 1100 hệ Ngôn ngữ Trung Quốc, 360 bằng kép Ngôn ngữ Trung Quốc). Đào tạo được 94 thạc sỹ, 21 tiến sỹ ngành Ngôn ngữ Hán và ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Hán. Giảng dạy cho hàng nghìn sinh viên học ngoại ngữ 2 tiếng Trung Quốc trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ hoặc làm việc tại các cơ quan nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài số lượng tiếp tục học lên cao, tỉ lệ có việc làm sau 12 tháng là 100%. Trình độ của người học được các doanh nghiệp, cơ quan, trường học đánh giá rất cao.
    Từ năm 2021 đến năm 2024, trung bình mỗi năm Khoa giảng dạy 2 kỳ học cho từ 35 đến 45 lớp chuyên ngành tiếng Trung Quốc bậc đại học và sinh viên bằng kép với số lượng từ 900 đến hơn 1000 sinh viên. Số lượng các lớp học phần mỗi năm là 325 đến hơn 400 lớp, số giờ giảng dạy của giảng viên trong khoa từ 17.000 đến 20.000 giờ/ năm. Mỗi năm Khoa đảm nhiệm 20 lớp học phần ngoại ngữ 2 tiếng Trung Quốc với số giờ khoảng hơn 1000 giờ/ năm. Bên cạnh đó Khoa đảm nhiệm giảng dạy từ 500 đến 800 giờ giảng cho học viên cao học mỗi năm.
    Khoa xây dựng 02 chương trình đào tạo đại học theo chuẩn đầu ra (CĐR) năm 2014; Xây dựng 01 chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT năm 2018; Điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc theo định mức kinh tế kỹ thuật năm 2021; Xây dựng nhiều học phần mới trong 2 chương trình đào tạo; Xây dựng học liệu số trên hệ thống phần mềm MsTeams. Đánh giá kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc năm 2021 (90 điểm) và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc năm 2022 (92 điểm) đạt kết quả cao.
    Ngoài công tác đào tạo tại Khoa, đội ngũ giảng viên của Khoa đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát triển giáo dục tiếng Trung Quốc do Bộ GD&ĐT giao phó. Cụ thể:
    Trong năm học 2018-2019, 04 giảng viên của Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung Quốc – Ngoại ngữ 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    Tiếp đó, trong năm học 2019- 2020, 04 thành viên của Khoa xây dựng thành công Tài liệu tập huấn dành cho cán bộ quản lý, giáo viên về phát triển chương trình, tài liệu dạy học môn chuyên cấp trung học phổ thông (dạy học chuyên đề chuyên sâu môn tiếng Trung Quốc) – Bộ tài liệu do Vụ Giáo dục Phổ thông Trung học, Bộ GD&ĐT phụ trách.
    Năm học 2020- 2021, 03 thành viên của Khoa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung Quốc (ngoại ngữ 1) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    Cũng trong năm học 2020- 2021, 05 thành viên của Khoa đã xây dựng thành công Định dạng đề thi quốc gia đánh giá năng lực tiếng Trung theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam cho chương trình “Nghiên cứu xây dựng các định dạng đề thi quốc gia đánh giá năng lực tiếng Nhật, Hàn, Trung theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (bậc 3 đến bậc 5)” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    Liên tiếp từ năm 2022 đến nay, có nhiều thành viên của Khoa tham gia xây dựng chương trình đào tạo tiếng Trung Quốc cho chương trình giáo dục thường xuyên; 01 thành viên làm chủ biên Bộ sách giáo khoa Chương trình phổ thông trung học, 02 thành viên tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa cho từng khối học phổ thông.
    Ngay từ khi triển khai thi học sinh giỏi quốc gia, thi đầu vào đại học và tốt nghiệp phổ thông trung học ngoại ngữ tiếng Trung Quốc, Khoa liên tục cử các chuyên gia tham gia biên soạn đề nguồn, biên tập và phụ trách ra đề thi chính thức cho các kì thi quốc gia. Ngoài ra, Khoa cũng phụ trách xây dựng định dạng đề thi và ra đề thi cho Bộ công an cũng như nhiều bộ ngành khác.
    Bên cạnh đó, Khoa đã cử nhiều chuyên gia tham gia công tác giảng dạy và ra đề thi tiếng Trung Quốc cho Bộ Công thương, Bộ Công an, công an các tỉnh; giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho các trường đại học của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan .v.v.
  • Thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển
    NCKH của giảng viên: Với đội ngũ đông đảo và được đào tạo bàn bản, có học vị cao, giảng viên Khoa NN&VH Trung Quốc tham gia vào hầu hết các dự án, nhiệm vụ khoa học trọng điểm, từ cấp trường, cấp ĐHQG tới cấp Bộ. Cán bộ giảng viên Khoa luôn hoàn thành 100% yêu cầu nghiên cứu khoa học, luôn xếp hàng đầu trong tỉ lệ cán bộ giảng viên được khen thưởng cấp Trường. Từ năm 2017 đến năm 2024, giảng viên trong Khoa có 22 đề tài khoa học được nghiệm thu; 23 đầu sách chuyên khảo, giáo trình và tài liệu tương đương được xuất bản; 04 bài báo công bố trên tạp chí trong danh mục ISI/ SCOPUS; hàng trăm bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước.Khoa còn là đơn vị tổ chức các Hội thảo quốc tế uy tín, như Hội thảo Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ III, Hội thảo Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ Quốc tế Khu vục Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13. Hàng năm, cán bộ giảng viên tích cực tham gia các hội thảo trong và ngoài nước, khẳng định uy tín học thuật, năng lực tổ chức của một đơn vị có bề dày giảng dạy và nghiên cứu.
    NCKH của sinh viên: Khoa NN&VH Trung Quốc là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác NCKH sinh viên. Trong những năm học vừa qua, đơn vị đã triển khai hiệu quả các hoạt động NCKH và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhờ các chính sách và biện pháp khuyến khích sinh viên nghiên cứu, Khoa đã đạt kết quả cao về NCKH của sinh viên: từ năm 2021 đến tháng 3 năm 2025, ở cấp trường, đã nghiệm thu và đạt giải tổng cộng 115 đề tài NCKH (512 sinh viên), 54 Dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (127 sinh viên); từ năm 2022 đến tháng 3 năm 2025, qua 7 đợt trao giải, sinh viên khoa Trung có 11 em đạt giải thưởng Đổi mới sáng tạo dành cho học sinh sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN – UI Award. Một số giải thưởng tiêu biểu của sinh viên Khoa Trung: 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba NCKH SV cấp ĐHQGHN (2022), 02 SV tham gia đội thi đạt quán quân Sinh viên Thế hệ mới 2024. Có 02 sinh viên được báo cáo ở hội thảo khoa học quốc gia, 01 sinh viên đăng bài trên tạp chí chuyên ngành. Điều quan trọng là đã hình thành được một phong trào nghiên cứu, sáng tạo, lớp lớp sinh viên vào trường đều được tiếp xúc, hoà trong không khí nghiên cứu, coi đó là một phần tất yếu của chương trình, là kĩ năng bắt buộc mà mỗi cá nhân cần trang bị.
    Hợp tác phát triển: Với vai trò là một hạt nhân đầu tàu trên phạm vi cả nước về đào tạo và nghiên cứu tiếng Trung Quốc, Khoa luôn có quan hệ mật thiết với các khoa tiếng Trung Quốc và khoa Đông phương học của một số trường đại học và viện nghiên cứu, như: Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Thương Mại, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG HN, Đại học Công Nghiệp, Học viện Khoa học Quân sự, Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đại Nam, Đại học Phenikaa, Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc… Sinh viên, giảng viên của Khoa thường xuyên có cơ hội giao lưu, trao đổi qua các diễn đàn, hội thảo, các cuộc thi tài năng, học thuật, như: Nhịp cầu Hán Ngữ, Tôi là diễn thuyết gia, Diễn kịch bằng tiếng Trung Quốc… Khoa cũng là đơn vị mời và được mời trong hợp tác xây dựng chương trình giảng dạy, đánh giá chương trình, đề cương, bài giảng phục vụ đào tạo.
    Với các tổ chức quốc tế trong nước, Khoa luôn giữ quan hệ đúng mực, hữu nghị với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Trung tâm Văn hoá Trung Quốc tại Hà Nội, Văn phòng Kinh tế văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội. Khoa tranh thủ các cơ hội tìm kiếm nguồn tài trợ, hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập, trải nghiệm. Từ sau dịch covid tới nay, hàng năm sinh viên của khoa đều tham gia các chương trình Nói giỏi tiếng Hán của Văn phòng Kinh tế văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội, phối hợp làm 12 clip về văn hoá với Trung tâm Văn hoá Trung Quốc tại Hà Nội, phối hợp với ĐSQ tổ chức thành công Ngày hội tiếng Trung Quốc tế năm 2024, 2025.
    Với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có sử dụng tiếng Trung ở Việt Nam, khoa là địa chỉ tin cậy cung cấp nhân lực chất lượng cao. Khoa cũng đưa mỗi năm 250-300 lượt sinh viên đi tham quan doanh nghiệp, thực hành kiến tập; mời các đại diện doanh nghiệp về giảng dạy chuyên đề, chia sẻ với sinh viên trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, như Văn hoá Doanh nghiệp, Kinh tế Trung Quốc đương đại… Các doanh nghiệp tích cực tới tham gia các chương trình của sinh viên, tài trợ, tuyển thực tập sinh và mời gọi sinh viên về làm việc sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp điển hình như Công ty Hua Wei, Công ty bảo hiểm Fubon, Công ty TNHH Thiên Ý, Ngân hàng công thương Trung Quốc tại Hà Nội và rất nhiều các công ty, các trung tâm ngoại ngữ có đào tạo tiếng Trung Quốc.
    Sau đại dịch covid 19, dưới sự chỉ đạo của Trường ĐHNN, Khoa đã duy trì và nối lại quan hệ với các trường đại học ở Trung Quốc, hỗ trợ ĐHQG thúc đẩy kí kết với các trường đại học hàng đầu TQ. Các trường có quan hệ mật thiết với nhà trường và khoa điển hình như: Đại học Dân tộc Quảng Tây, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Đại học Văn Tảo (Đài Loan), Đại học Giáo dục Hồng Công… Kí MOU mới với Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh số 2, Đại học Ngoại ngữ Hà Bắc. Năm 2024, 2025, hỗ trợ ĐHQG Hà Nội kí MOU với Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Sư phạm Nam Kinh, Đại học Ma Cao… Hằng năm, sinh viên của khoa có cơ hội đi giao lưu, học tập ở Trung Quốc, nhận học bổng của Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài của Bộ Giáo dục Trung Quốc, học bổng từ các cuộc thi, thời gian cả ngắn hạn và dài hạn. Khoa cũng vinh dự là đơn vị phụ trách và hỗ trợ cho trường trong công tác thi HSK hàng tháng, phục vụ an toàn, hiệu quả cho hơn 6000 lượt thi mỗi năm, được vinh danh là điểm thi xuất sắc của Công ty TNHH Khảo thí Bắc Kinh.