Đổi mới nhận thức về người học và phương pháp học Ngoại ngữ (P2)
Phần 2: Nhận thức về người học và phương pháp học tập trong các phương pháp và đường hướng dạy-học Ngoại ngữ trước đây.
GV: Thưa PGS, chúng ta vừa trao đổi về những vấn đề chung có liên quan đến người học. Giáo học pháp Ngoại ngữ đã trải qua cả một chặng đường rất dài, với rất nhiều những biến động, những đổi thay! PGS có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS: Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, lịch sử giáo học pháp ngoại ngữ đã trải qua nhiều chặng đường phát triển, trong đó phải kể đến sự thay thế của các phương pháp trực tiếp, nghe-nói, nghe-nhìn, tích cực đối với phương pháp truyền thống đã ngự trị nhiều thế kỉ kể từ khi người ta nói đến việc dạy và học một sinh ngữ, và rồi sự thay thế của đường hướng ý niệm – chức năng – giao tiếp với những phương pháp kể trên và sự phát triển của Đường hướng giao tiếp để trở thành Quan điểm hành động trong khoa học dạy-học ngoại ngữ. Trong mỗi phương pháp, đường hướng và quan điểm ấy, yếu tố người học và phương pháp học tập luôn được đề cập đến một cách rõ nét.
PV: Vậy chúng ta hãy bắt đầu với Phương pháp Truyền thống dạy và học Ngoại ngữ.
Người học và phương pháp học tập Ngoại ngữ
trong dạy-học truyền thống
PV: PGS có thể cho biết một cách khái quát nhất vị trí của người học trong phương pháp dạy học Truyền thống.
PGS: Trong các phương pháp dạy-học nói chung trước đây và phương pháp dạy-học Ngoại ngữ nói riêng, vị trí của người học thường được xác định là người thuần túy tiếp nhận kiến thức từ người thày. Hình ảnh phổ biến là:
“Thày như chiếc vòi nước, chảy vào chai nước là Trò!”. Ở đây là một sự tiếp thu hết sức thụ động, theo kiểu “Ông Thày Đồ dạy một Bồ chữ”:
– Thày dạy cái thày có
– Trò học cái thày cho
– Thày kiểm tra cái thày dạy!
PGS: Phương pháp dạy học này nếu đã tỏ ra kém hiệu quả với người học nói chung thì càng không phù hợp với người học một sinh ngữ, khi yêu cầu cơ bản của môn học là người học phải sản sinh ra ngôn từ để giao tiếp. Trải dài từ suốt thế kỉ XVI, phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, và còn tồn tại cho đến tận ngày nay (ở một số nơi), phương pháp truyền thống được coi là phương pháp lâu đời nhất và nổi tiếng với định hướng “Ngữ pháp – Dịch”.
PV: Để có thể hình dung thêm về Người học trong một lớp học ngoại ngữ truyền thống, mời các bạn quan sát lớp học sau nhé!
PV: Thưa PGS, vậy đâu là nguyên lý chủ đạo của phương pháp dạy- ngoại ngữ theo quan điểm truyền thống?
PGS: Phương pháp truyền thống dạy và học Ngoại ngữ lấy mẫu hình từ trong việc dạy ngôn ngữ La Tinh và Hy Lạp, dạy sinh ngữ dựa trên kinh nghiệm dạy tử ngữ, ở đó người học được yêu cầu:
– đọc (đọc to, đọc thầm, đọc cá nhân, đọc tập thể)
– nghe thày giảng giải về nghĩa từ vựng và miêu tả các qui tắc ngữ pháp
– làm các bài tập ứng dụng ngữ pháp
– dịch xuôi, dịch ngược và viết luận theo mẫu
PGS: Như vậy, người học ngoại ngữ theo phương pháp truyền thống thực chất là học về ngôn ngữ, học kiến thức ngôn ngữ, chứ không phải học cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, người học được yêu cầu và được tạo điều kiện để phát triển khả năng đọc hiểu, khả năng phát triển hiểu biết chung (đặc biệt là các hiểu biết về văn học, khoa học), khả năng phân tích lập luận ngôn ngữ, chứ không phải khả năng nắm bắt ngôn ngữ để tái sử dụng trong tình huống xã hội, trong đời sống hàng ngày. Các loại hình bài tập cơ bản của người học để ôn luyện là đọc diễn cảm, viết chính tả, làm bài tập phân tích ngôn ngữ, học thuộc lòng các đoạn văn, viết luận và dịch. Đặc biệt, dịch xuôi và dịch ngược thường được coi là mục đích cuối cùng, là công đoạn để kiểm tra sự hiểu biết tinh thông về từ vựng, ngữ pháp và các kiến thức chung.
PV: Như vậy, có thể hiểu là học theo phương pháp truyền thống, người học không hề được tạo điều kiện để giao tiếp nói chung và đặc biệt la giao tiếp nói nói chung?
PGS: Đúng là như vậy! Người học không hề được tiếp xúc với ngôn ngữ nói, với ngữ âm, với ngôn ngữ hàng ngày, không có chỗ cho các hội thoại trong phương pháp truyền thống, không có tình huống giao tiếp, tình huống thực. Và như vậy thì các yếu tố đi kèm ngôn ngữ, các yếu tố ngoài ngôn ngữ cũng không thể có mặt trong quá trình học ngoại ngữ. Về mặt điều kiện hỗ trợ vật chất thì ngoài phấn trắng bảng đen chỉ còn là tập giáo trình in các bài khóa cùng các phần giới thiệu, luyện tập về từ vựng, ngữ pháp, dịch. Không có một hỗ trợ kĩ thuật nào giúp cho người học phát huy hết được khả năng tiếp nhận, tìm kiếm thông tin, xử lí thông tin hay luyện tập thực hành ngôn ngữ. Ngược lại người học chỉ có thể ghi nhớ máy móc từ vựng, các qui tắc ngữ pháp, các cấu trúc câu, bắt chước lại, nhắc lại y nguyên, không được mắc sai lầm!
PV: “Không được mắc sai lầm!”. Điều đó có nghĩa là người học chỉ được rập khuôn các mẫu có sẵn để tránh tối đa việc phạm lỗi?
PGS: Có thể hiểu như vậy. Phương pháp truyền thống không chấp nhận lỗi, đặc biệt là lỗi về ngôn ngữ, và mọi lỗi phạm phải đều bị “phạt” thích đáng. Ở đây không có chỗ cho khái niệm “giao ngôn” (interlangue). Yêu cầu học này đã làm triệt tiêu sự sáng tạo của người học, người học sợ bị phạt, bị điểm kém nên không dám thử, không dám tự sản sinh ngôn ngữ, năng động thực hành ngôn ngữ đích, mà chỉ viết lại những câu tương tự như mẫu câu đã học, hoặc sử dụng những mẫu câu đã học để dịch xuôi, dịch ngược, điều này đi ngược lại với mục đích dạy sinh ngữ phục vụ cho chức năng cơ bản của ngôn ngữ là giao tiếp.
PV: Như vậy, về vai trò và phương pháp học tập của người học trong phương pháp truyền thống, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
– Người học có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu mà người dạy giao cho
– Quan sát diễn tiến hoạt động mà người dạy áp đặt, thực hiện các hoạt động khi người dạy yêu cầu (đọc, đặt câu khi thực hành một qui tắc ngữ pháp, trả lời câu hỏi, dịch xuôi / ngược …)
– Người học không cần sáng tạo gì trong quá trình học mà chủ yếu chỉ cần ghi nhớ các qui tắc ngữ pháp và từ vựng hoặc học thuộc các đoạn bài khóa để viết luận và thực hành dịch.
PV: Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về các phương pháp Nghe-Nhìn.
Người học và phương pháp học tập Ngoại ngữ trong
các phương pháp Nghe -Nhìn
PV: Dưới các tên chung là các phương pháp Nghe – Nhìn, các nhà giáo học pháp đã tập hợp lại một số phương pháp cụ thể sau:
– Phương pháp tự nhiên
– Phương pháp trực tiếp
– Phương pháp nghe – nói
– Phương pháp nghe – nhìn.
Bên cạnh đó còn có thể kể ra một số phương pháp khác trong trào lưu này, như:
– Phương pháp tích cực
– Phương pháp tình huống
– Phương pháp thực hành có ý thức …
PV: Thưa PGS, ông có thể cho một cái nhìn tổng quát về vị trí của người học Ngoại ngữ trong các phương pháp Nghe-Nhìn!
PGS: Phải nói rằng, trong các phương pháp này, vị trí của người học đã có những thay đổi lớn. Người học không còn là đối tượng để hứng lấy cái vòi nước một cách thụ động mà đã trở thành nhân tố chủ động, có động lực và có nhu cầu học những cái mình cần thiết. Từ cách thức học một ngôn ngữ trên mẫu hình học một tử ngữ, giờ đây người học đã xác định học ngôn ngữ là để sử dụng ngôn ngữ đó như một sinh ngữ.
PV: Vậy những đặc điểm khác biệt cơ bản của phương pháp này so với phương pháp giảng dạy truyền thống có thể nêu ra là những gì, thưa ông?
PGS: – Trước hết, ngữ liệu đầu vào không còn là các áng văn chương, là ngôn ngữ viết nữa, ở đó người học chỉ biết dịch xuôi, dịch ngược và làm bài viết luận, mà ngôn ngữ giờ đây là các hội thoại phản ánh tình huống thông thường trong cuộc sống (tuy phần lớn các hội thoại này đều là do tác giả các phương pháp học tiếng biên soạn).
-Thứ hai, chính ngữ liệu mới này buộc người học phải quan tâm hơn đến cách phát âm và chính sự hoàn thiện về bảng phiên âm quốc tế (Alphabet phonétique international – API) đã giúp cho việc học phát âm trở nên hữu hiệu hơn.
– Thứ ba, cùng với những hệ quả ngôn ngữ từ các công trình của “Cấu trúc luận”, các thành quả đạt được trong thuyết “Hành vi luận” trong tâm lí học của Skiner đã mang lại cho giáo học pháp ngoại ngữ một luồng gió mới với công thức:
S (stimulus) → R (réaction)
Xúc tác → Phản xạ
PGS: Hệ thống các bài tập cấu trúc ra đời và cùng với nó là các phòng học tiếng (Labo) phát triển mạnh mẽ để giúp người học tạo kĩ năng của mình. “Tạo sức bật nhanh nhất”, đó là khẩu hiệu của các phương pháp nghe – nhìn, là thước đo với người học.
PV: Về phương pháp giảng dạy trong các phương pháp nghe-nhìn, chúng ta có thể tóm tắt lại trong một quy trình như thế nào, thưa PGS?
PGS: Trước hết, người học được tiếp xúc với các hội thoại mẫu, có hình ảnh của các phim tĩnh hỗ trợ, nghe và nhận biết tình huống, ý nghĩa của câu nói của các nhân vật, trả lời các câu hỏi của giáo viên về tình huống và nhân vật. Tiếp theo đó là khâu luyện tập, đây là khâu cơ bản nhất và được hi vọng nhất: người học được đưa vào phòng học tiếng, chụp tai nghe vào và luyện tập như những người máy trong hàng giờ đồng hồ. Thao tác cơ bản của người học có thể tóm tắt trong sơ đồ sau đây:
Nghe – bắt chước – ghi nhớ
nhắc lại
PV: để hiểu rõ hơn quy trình giảng dạy này, chúng ta cùng quan sát một lớp học truyền thống khác.
PV: Chúng ta có thể có những nhận xét gì qua lớp học vừa rồi, thưa PGS.
PGS:Trước hết chúng ta nhận thấy việc sử dụng tiếng mẹ đẻ bị nghiêm cấm đối với người học, chỉ có ngôn ngữ đích trong giờ học ngoại ngữ. Ngược lại, bên cạnh các yếu tố ngôn ngữ (éléments linguistiques), các yếu tố đi kèm ngôn ngữ (éléments paraverbaux) như cử chỉ, nét mặt, động tác …, và các yếu tố ngoài ngôn ngữ (éléments extraverbaux) như đặc điểm người học, tình huống xã hội … cùng được đưa vào như những yếu tố có tác động can thiệp vào chất lượng, hiệu quả dạy-học ngoại ngữ.
Thứ hai, trong các phương pháp nghe – nhìn, người học được tiếp xúc với ngôn ngữ nói, được luyện tập ngôn ngữ nói trong các tình huống được coi là thông thường nhất của cuộc sống xã hội (gia đình, xã hội, việc làm …). Họ học sử dụng ngôn ngữ chứ không còn là học các kiến thức về ngôn ngữ, những hiểu biết về ngôn ngữ (connaissances métalinguistiques).
Thứ ba, các kĩ năng ưu tiên giờ đây không còn là đọc hiểu và viết nữa mà là kĩ năng nghe hiểu và diễn đạt nói (mặc dù nói ở đây chủ yếu là sự nhắc lại trong những tình huống khác đi).
Thứ tư, phải thừa nhận rằng người học giờ đây có hứng thú hơn, giờ học trong lớp sinh động hơn, với sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn và thành tựu của khoa học – công nghệ khác. Không còn bị sa vào yêu cầu phân tích và học thuộc các qui tắc ngữ pháp, không mất thời gian “tầm chương trích cú”, dịch xuôi, dịch ngược và viết bài luận, người học giờ đây, với những ngữ liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, một tiến độ ngữ pháp hợp lí, vừa phải, những chủ đề lựa chọn gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thông qua ngôn ngữ nói là các bài hội thoại (có âm có hình) và hình thức luyện tập là các bài tập cấu trúc trong phòng học tiếng, đã đạt được những kĩ năng những phản xạ ngôn ngữ rất tốt.
PV: Ông có nhận xét gì về khả năng giao tiếp của người học?
PGS: Ghi nhớ và nhắc lại tốt trong các tình huống học tập trên lớp, người học đã có khả năng chuyển đổi các ngữ liệu mới học vào các tình huống mới, diễn đạt những ngữ liệu ấy phù hợp với tình huống và với một số yếu tố đi kèm ngôn ngữ phù hợp. Mục đích học để thực hành sử dụng ngôn ngữ về cơ bản là đã đạt được. Đây là một bước tiến lớn so với phương pháp học ngoại ngữ truyền thống.
PV: Còn về nhưng hạn chế lớn nhất của các phương pháp Nghe-Nhìn, theo ông đó là nhưng hạn chế nào?
PGS: Các phương pháp Nghe-Nhìn trong quá trình thực hiện đã để lộ những bất cập đối với người học.
Thứ nhất, tuy không còn phải thụ động hoàn toàn khi phải học thuộc lòng và nhắc lại các câu văn, đoạn văn như trong phương pháp truyền thống, cũng như đã bắt đầu chủ động chuyển đổi ngữ liệu từ tình huống ban đầu sang tình huống mới, nhưng thao tác chủ yếu của người học vẫn là ghi nhận, bắt chước, ghi nhớ và nhắc lại một cách máy móc. Yêu cầu này đã làm hạn chế rất nhiều sự sáng tạo ngôn ngữ của người học, khiến người học vẫn chỉ loay hoay trong một số tình huống, chủ đề nhất định, với một ngôn ngữ được các nhà phân tích phê bình sau này cho rằng quá “trung tính”, ngôn ngữ giáo khoa, tư liệu nhân tạo, chế tạo, phần nào khô cứng không mang được sắc thái, sự tinh tế, hơi thở của cuộc sống thực. Người học được chú trọng hơn về phát âm, nhưng chủ yếu vẫn là cách thức phát âm từng âm vị, trong khi các hiện tượng ngôn điệu khác (các sơ đồ trọng âm, ngữ điệu biểu đạt các hành động lời nói khác nhau) thì chưa được đề cập đúng mức.
Thứ hai, đó là những bất cập về phương diện giáo học pháp. Các phương pháp nghe – nhìn áp dụng một hệ thống các nguyên tắc dạy-học khá là cứng nhắc.
– người học không được hỗ trợ một chút nào từ tiếng mẹ đẻ, người học không được phạm lỗi, người học không được sử dụng ngữ liệu ngoài ngữ liệu đã được kiểm soát trước (ví dụ, ở cấp độ 1 là tiếng Anh cơ bản Basic English với 850 từ, tiếng Pháp là Français fondamental 1 với 1500 từ)
– người học phải chịu một áp lực quá lớn từ yêu cầu luyện bài tập cấu trúc trong các phòng học tiếng với cường độ quá lớn, biến họ thành những người máy (automate), từ đó dẫn đến tình trạng người học bão hòa, mệt mỏi, căng thẳng và hứng thú giảm dần. — tuy có quá trình chuyển từ địa hạt lời nói ban đầu sang giai đoạn khắc sâu kiến thức (fixation) trong địa hạt ngôn ngữ, nhưng việc chú trọng xây dựng nhận thức ngôn ngữ không được quan tâm đầy đủ, người học (đặc biệt đối với người học lớn tuổi) sẽ chỉ được thực hành ngôn ngữ một cách máy móc, trong khi bản chất của ngôn ngữ là sự sáng tạo lời nói trong giao tiếp cụ thể.
PV: Như vậy, về vai trò và phương pháp học tập của người học trong các phương pháp nghe – nhìn, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
– Người học đã trở lại vị trí là người chủ động tiếp xúc, ghi nhận, ghi nhớ và bắt chước các cấu trúc câu của ngôn ngữ nói, luyện tập để tạo sức bật, chuyển đổi vào các tình huống mới, biểu đạt với một số yếu tố đi kèm ngôn ngữ.
– Tuy nhiên, do những hạn chế của ngôn ngữ đầu vào và sự cứng nhắc của các nguyên tắc giáo học pháp, người học vẫn chưa có sự chủ động sáng tạo ra ngôn ngữ phù hợp với các tình huống giao tiếp thực trong cuộc sống. Người học có năng lực cao thực hiện các bài tập cấu trúc, nhưng không có khả năng huy động những sức bật đó trong các tình huống giao tiếp, do tính đơn điệu của các hội thoại mẫu và tính không điển hình của nó trong cuộc sống thực.
PV: Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau xem xét Đường hướng Giao tiếp trong dạy-học Ngoại ngữ.
Người học và phương pháp học tập Ngoại ngữ
trong Đường hướng Giao tiếp
PV: Dưới cái tên chung là đường hướng giao tiếp, các nhà giáo học pháp đã taapl hợp trong đó 3 đường hướng chính, đó là:
– Đường hướng ý niệm (approche notionnelle)
– Đường hướng chức năng (approche fonctionnelle)
– Đường hướng giao tiếp (approche communicative).
PV: Thưa PGS, ông có thể cho một cái nhìn tổng quát về vị trí của người học Ngoại ngữ trong các phương pháp Nghe-Nhìn!
PGS: Có thể nói như thế này: với Đường hướng giao tiếp, lần đầu tiên vai trò của người học được xác lập một cách tường minh nhất, rõ ràng nhất, được đặt lên vị trí cao nhất, ưu tiên nhất, bởi vì hai định hướng cơ bản của Đường hướng giao tiếp là:
– Một nền giảng dạy lấy người học làm trung tâm.
– Một nền giảng dạy hướng tới năng lực giao tiếp.
PGS: Kể từ khi, nhà toán học, ngôn ngữ học người Mĩ, Noam Chomsky, phản biện lại những nguyên lí “Cấu trúc luận” của F. de Saussure, khái niệm “năng lực ngôn ngữ” đã được đặt lại vị trí trung tâm của nó trong nghiên cứu ngôn ngữ học, trong cơ chế tạo lập ra phát ngôn của con người: “một tập hợp hữu hạn các qui tắc cho phép sản sinh ra một tập hợp vô hạn các câu nói”.
Cái quan trọng bây giờ không phải là hệ thống các cấu trúc câu đang tồn tại như một “sản phẩm xã hội”, người ta chỉ việc học thuộc lòng và nhắc lại, mà theo Chomsky, các nhà ngôn ngữ học cần tìm ra cơ chế tạo lập ra ngôn ngữ theo hướng con người ở mỗi thời điểm giao tiếp “sáng tạo ra các phát ngôn mà có thể phần lớn trong đó họ chưa nghe thấy bao giờ hoặc chưa nói bao giờ”. Năng lực sáng tạo ra ngôn ngữ này chỉ có ở con người và việc dạy ngôn ngữ giao tiếp chính là dạy người học sao cho phát huy cao nhất khả năng giao tiếp bằng ngôn từ này.
PGS: Khi vị thế của người học thay đổi, trở thành nhân vật chính của quá trình dạy-học ngoại ngữ, thì công việc trọng tâm đầu tiên là mối quan tâm phân tích nhu cầu của người học. Người ta quan niệm rằng dù có những giáo trình, những phương pháp giảng dạy tốt, có đội ngũ người thày giỏi nhưng nếu người trò không muốn học, nội dung dạy không đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người học thì không thể có được hiệu quả dạy-học tốt được.
PV: Vậy yếu tố nhu cầu có tác động cụ thể như thế nào đến quá trình học ngoại ngữ, thưa PGS?
PGS: Nhu cầu của người học sẽ quyết định những kĩ năng cần hướng tới, nội dung cần giảng dạy, phương pháp cần áp dụng …, để phát huy tối đa tiềm năng của người học và tạo ra hứng thú cao nhất của người học trong quá trình học tập.
Từ trước đến nay, giảng dạy ngoại ngữ ít khi tính đến các nhu cầu này. Nhu cầu học tập thường được phân tích thành ba loại nhu cầu sau: thứ nhất, nhu cầu đến từ sở thích cá nhân (ví dụ, học ngoại ngữ để hát được bài hát tiếng nước ngoài, để đi du lịch …), thứ hai, nhu cầu đến từ một thiết chế (ví dụ, ở phổ thông học sinh có môn học ngoại ngữ, học sinh phải học tập để có điểm tốt) và thứ ba, nhu cầu đến từ đòi hỏi nghề nghiệp (phục vụ cho công việc của mình). Các đối tượng khác nhau cũng có thể có các yêu cầu học các kĩ năng khác nhau (ví dụ, có một số cán bộ khoa học cần có một khóa học ngắn nhằm vào khả năng đọc hiểu để đọc tài liệu).
PGS: Nói tóm lại, trong một nền giảng dạy lấy người học làm trung tâm thì mọi sự chú ý, chuẩn bị đều phải xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người học. Bắt đầu bằng tư liệu đầu vào.
PV: Rõ ràng là đường hướng giao tiếp đã mang lại một hơi thở mới, một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học ngoại ngữ. Ông có thể cho biết nhưng ưu điểm cơ bản của đường hướng này?
PGS: Những ưu điểm cơ bản của đường hướng này có rất nhiều vì nó thường được ví như một cuộc cách mạng lớn về lý luận và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào một số điểm chính.
Trước hết hãy nói về các tư liệu đầu vào. Nếu như trong các phương pháp nghe – nhìn, tư liệu đầu vào là các bài hội thoại tự soạn thì bây giờ tư liệu đầu vào là các tư liệu thực, tư liệu xã hội, đáp ứng được nhu cầu người học và kích thích được sự hứng thú của người học (ví dụ một đơn thuốc, một tờ gập giới thiệu du lịch …, đều có thể trở thành các tư liệu giảng dạy hiệu quả). Các clif video, trao đổi, phỏng vấn, các chương trình trích từ chương trình truyền hình, phát thanh là những tư liệu được sử dụng để cấu tạo lên ngữ liệu dạy-học.
Thứ hai, từ tư liệu thực ấy, hoạt động chủ đạo của người học không còn là ghi nhận, bắt chước, nhắc lại máy móc nữa, mà người học được yêu cầu quan sát tư liệu, tìm kiếm thông tin, đặc biệt là các thông tin chung, thông tin khái quát, để có cái hiểu tổng quan, từ đó chủ động tổ chức lời nói của mình.
Thứ ba, nội dung bài học không tập trung xung quanh các chủ đề thường nhật như trong các phương pháp nghe – nhìn, mà xoay quanh hệ thống các hành động ngôn từ, giúp người học luyện tập các chức năng của ngôn ngữ, mục tiêu là luyện thành thạo 4 kĩ năng ngôn ngữ nghe – nói – đọc – viết.
Thứ tư, luyện tập của người học không còn chỉ là các bài tập cấu trúc khô khan cứng nhắc thực hiện ở lớp hay trong phòng học tiếng, hay các bài tập đóng vai, chuyển đổi giữa các tình huống giả định, mà hệ thống các hoạt động sư phạm đa dạng hơn nhiều, sử dụng ngữ liệu đầu vào multimedia, gây hứng thú mạnh cho người học.
Và thứ năm, cả 4 kĩ năng đều được chú trọng phát triển chứ không chỉ nhằm vào kĩ năng nói như trong các phương pháp nghe – nhìn, đặc biệt các yếu tố ngữ dụng được đề cao để đáp ứng các yêu cầu biểu đạt sự tinh tế, tế nhị của ngôn ngữ (các yếu tố ngôn ngữ, đi kèm ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ và các thành tố văn hóa).
PGS: Tôi muốn nói thêm rằng nỗ lực của một quan điểm giảng dạy tập trung vào người học hướng người dạy đến cá thể hóa đến mức tối đa người học, đáp ứng với thỏa mãn từng người học, giải quyết khó khăn của từng người học và tổ chức dạy-học phù hợp nhất với từng cá nhân (khó khăn của trình độ người học khác nhau, kiến thức trước đó khác nhau, khả năng nhận thức khác nhau, tính cách khác nhau, sở thích khác nhau và phương pháp, nhịp độ làm việc khác nhau …). Đây có thể được coi là một trong những ưu việt lớn nhất của đường hướng này.
PV: Thưa PGS, chúng ta vưa bàn đến hai định hướng cơ bản của đường hướng giao tiếp là “Một nền giảng dạy lấy người học làm trung tâm và hướng tới năng lực giao tiếp”. Gần đây, các nhà chuyên môn hay nhắc tới một khái niệm, đó là khái niệm “Hợp đồng học tập”. Xin ông giải thích rõ hơn về khái niệm này.
PGS: Khái niệm “Hợp đồng học tập” trong mối quan hệ dạy-học cũng là một nét mới của đường hướng chức năng – giao tiếp, ở đó người dạy và người học trở thành các “đối tác”, cùng nhau thỏa thuận những “điều khoản cam kết” trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bản chất của hợp đồng này qui định ngay từ đầu là việc học tập là trách nhiệm của cả hai phía, bình đẳng và có vai trò quan trọng như nhau, cả hai phải nhận thức và tôn trọng các cam kết này. Vậy người học cần cam kết những gì?
– Người học phải cam kết sử dụng mọi cơ hội giao tiếp để thực hành ngoại ngữ, trong lớp, ngoài lớp, đặc biệt là với người bản ngữ.
– Người học phải cam kết sử dụng mọi cơ hội để tiếp xúc với ngôn ngữ đích, tìm kiếm thông tin về ngôn ngữ, văn hóa, đất nước, con người của ngôn ngữ đích.
– Người học phải cam kết giao tiếp tích cực nhất với bạn học, chia sẻ kiến thức cùng bạn học, hỗ trợ nhau trong nhóm học với tinh thần cộng tác cao nhất. Mong muốn được bạn học sửa cho mình và sẵn sàng sửa cho người khác.
– Người học phải cam kết chấp nhận rủi ro, quyết tâm biểu đạt bằng được ý đồ giao tiếp của mình, cho dù phạm phải các lỗi ngôn ngữ và văn hóa, là điều dĩ nhiên khi học ngoại ngữ, trong một quan điểm giao ngôn (interlangue).
– Người học phải cam kết hoàn thiện các kĩ năng của mình theo khung tham chiếu Châu Âu (Cadre européen), dù là trong chương trình học hay ngoài chương trình học.
– Người học phải cam kết học cách đánh giá quá trình học của mình, kiến thức thu lượm, kĩ năng thực hành của mình và đòi hỏi phải được đánh giá.
– Người học phải cam kết tìm hiểu ngôn ngữ đích được cấu tạo và vận hành thế nào, có ý thức đối chiếu ngôn ngữ đích và tiếng mẹ đẻ trong quá trình học tập của mình.
PGS: Những thỏa thuận này một mặt nâng vị thế của người học lên, mặt khác làm cho người học thấy hết trách nhiệm của mình trong học tập, xác định rõ ràng các mục tiêu cần đạt được, có hướng phấn đấu rõ rệt và xây dựng được một môi trường, các mối quan hệ thuận lợi, minh bạch tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện quá trình học tập của mình với chất lượng cao.
PV: Như vậy, về vai trò và phương pháp học tập của người học trong đường hướng chức năng – giao tiếp, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
– Người học ý thức được một cách sâu sắc vai trò của mình, chủ động quan sát, tìm kiếm thông tin, thực hành, đúc rút, tự đánh giá nhằm mục đích phát triển tốt nhất, hài hòa nhất 4 kĩ năng giao tiếp của mình.
– Người học cũng bắt đầu biết xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với người thày và bạn học nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, những điều kiện phù hợp để phục vụ cho quá trình học tập của mình tốt hơn.
– Tuy nhiên người học vẫn chưa thoát thải khỏi không gian học đường, vẫn nguyên si là người “học trò” đang đi học, vẫn là một thành tố của qui trình giáo dục, phấn đấu đạt được những mục tiêu do chương trình giáo dục đề ra.
– Và như vậy người học sẽ không có được tâm lí của người đang thực sự sử dụng công cụ là ngoại ngữ để thực hiện một công việc nào đó theo nhu cầu của cuộc sống, mà vẫn chỉ là lấy ngôn ngữ làm mục đích, thực hiện trong các tình huống giả định.
PV: Như vậy, chỉ khi nào thoát ra khỏi không gian lớp học, dùng ngôn ngữ làm công cụ để thực hiện một “nhiệm vụ” nào đó với tư cách là một “tác nhân xã hội”, thì ngôn ngữ được sử dụng mới là ngôn ngữ thực, và người sử dụng mới huy động hết mọi tiềm năng để sử dụng hiệu quả ngôn ngữ đó, thực hiện chức năng giao tiếp của mình. Đó chính là quan điểm mới, Quan điểm Hành động trong một phương pháp dạy-học ngoại ngữ tiên tiến mà chúng ta sẻ cùng trao đổi với PGS-TS Nguyễn Lân Trung bây giờ.