Đổi mới nhận thức về người học và phương pháp học Ngoại ngữ (P3) – Diễn đàn SCI-CHAT

Đổi mới nhận thức về người học và phương pháp học Ngoại ngữ (P3)


Phần 3: Nhận thức về người học và phương pháp học tập Ngoại ngữ trong Quan điểm hành động

PV: Chúng ta vừa xem xét nhận thức về người học và phương pháp học tập trong các phương pháp và đường hướng dạy-học ngoại ngữ trước đây. Trải qua một thời gian dài, nhận thức này đã có nhiều biến động, thay đổi quan điểm, ý tưởng chủ đạo theo sự phát triển của các nghiên cứu ngôn ngữ học và thành tựu của các ngành khoa học kế cận. Vị thế của người học ngoại ngữ, từ chỗ là “anh trò ngoan”, bị động tiếp thu kiến thức rót xuống từ người thày, lấy mục tiêu kiến thức về ngôn ngữ và văn học làm nền tảng, có nghĩa vụ quan sát diễn tiến hoạt động mà thày áp đặt để thực hiện mọi nhiệm vụ và yêu cầu của thày, chuyển dần sang một người học chủ động hơn trong việc tiếp xúc, ghi nhận, bắt chước và ghi nhớ các cấu trúc câu của ngôn ngữ nói, chủ động luyện tập với các bài tập cấu trúc trong phòng học tiếng để tạo sức bật, khả năng chuyển dịch trong các tình huống mới (cho dù đó chủ yếu mới chỉ là các kĩ năng mô phỏng tình huống mẫu, vốn đơn điệu và không điển hình trong cuộc sống thực), và cuối cùng là sự hình thành vị thế mới của người học với tư cách là trung tâm của quá trình dạy-học, nhận thức được vai trò của mình để huy động mọi tiềm năng rèn luyện các kĩ năng giao tiếp, khả năng biểu đạt lời nói với các yếu tố ngôn ngữ, đi kèm ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ, phù hợp với tình huống giao tiếp và đạt được mục đích giao tiếp của mình. Từ quan điểm truyền thống tới phương pháp nghe – nhìn và đường hướng chức năng -giao tiếp, giáo học pháp ngoại ngữ đã tiến những bước dài, giúp cho quá trình học một ngoại ngữ ngắn đi, khoa học hơn và hiệu quả hơn.

Bước vào thế kỉ XXI, giáo học pháp ngoại ngữ lại có những biến động lớn. Người ta tiếp tục băn khoăn về vị thế của người học ngoại ngữ: vì sao người học ngoại ngữ đã trở thành các chủ thể độc lập, có khả năng khá tốt trao đổi thông tin, đưa ra quan điểm của mình, thuật lại kinh nghiệm của mình, biết lập luận, thuyết phục, đàm phán, tinh tế hóa suy nghĩ, lại chưa thể chủ động tương tác, hành động như những chủ thể thực sự trong xã hội so với giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ?! Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều các nhiệm vụ lớn nhỏ đặt ra trong mọi lĩnh vực: người ta phải gọi điện thoại cho bạn bè để lấy thông tin, thuật lại buổi biểu diễn vừa xem đêm qua, mời ai đó qua nhà ăn tối (lĩnh vực cá nhân), hoặc làm thủ tục nhận tiền ở ngân hàng, mua vé xe buýt, xin đăng kí lớp học bơi (lĩnh vực công cộng), hoặc nữa tham gia cuộc họp của cơ quan, viết một bản báo cáo (lĩnh vực nghề nghiệp – việc làm) … tất cả những nhiệm vụ đó đều cần có sự trợ giúp của ngôn ngữ nói hoặc viết. Người ta thực hiện việc này một cách tự nhiên trong tiếng mẹ đẻ, nhưng vấn đề sẽ nảy ra, khó khăn sẽ ập đến khi họ muốn thực hiện những nhiệm vụ này bằng tiếng nước ngoài, hoặc ở nước ngoài. Vì sao ư? Chắc chắn đó là vì trong quá trình học tiếng nước ngoài, người ta đã không được đặt vào tình huống một cách thực thụ, buộc phải hoàn thành các nhiệm vụ “đời thường” đó bằng tiếng nước ngoài. Người học mới chỉ chăm chăm hiểu thông tin và biểu đạt ý mình, có nghĩa là chỉ chăm chăm vào việc hoàn thành việc giao tiếp bằng ngoại ngữ với tinh thần ngôn ngữ chính là đích đến, là mục tiêu của việc học ngoại ngữ. Trong khi đó mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ lớn nhỏ trong cuộc sống thông qua các hoạt động ngôn ngữ và phi ngôn ngữ thì không được chú trọng, kết quả của nhiệm vụ mới là đích cuối cùng, giao tiếp khi đó chỉ là công cụ để thông qua đó con người hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc coi giao tiếp chỉ là phương tiện, không có mục tiêu tự nó đã làm thay đổi căn bản vị thế của người học và phương pháp học tập của họ.

Trước hết, đó là các mục tiêu ưu tiên. Nếu như trong đường hướng giao tiếp, đối với người học mục tiêu ưu tiên là ngôn ngữ và giao tiếp, có nghĩa là ưu tiên học cách nói, cách biểu đạt với người khác thì trong quan điểm hành động, mục tiêu ưu tiên là tương tác và là hành động, có nghĩa là ưu tiên học cách tương tác, ứng xử bằng ngoại ngữ với người khác. Cũng từ quan niệm đó, đối với đường hướng giao tiếp vai trò của cá nhân là quan trọng, với mục tiêu ưu tiên là người học thực hiện thành công các kĩ năng ngôn ngữ, trong khi đó quan điểm hành động đặt ưu tiên vào nhóm người học, vào tập thể, với mục tiêu ưu tiên của quá trình học ngoại ngữ là cá nhân người học thực hiện thành công các hoạt động chung, hành động chung, tập thể bằng ngoại ngữ. Theo cách nhìn nhận đó, trong đường hướng giao tiếp, tư cách của người học là người sử dụng, là người diễn đạt (locuteur), còn trong quan điểm hành động, tư cách người học là người tương tác, người đối thoại (interlocuteur).

Thứ hai, về các hoạt động học tập chủ đạo, thì trong khi đường hướng giao tiếp hứng người học tới việc học và thực hành 4 kĩ năng, lấy chất lượng biểu đạt của người học làm thức đo, thì quan điểm hành động hướng người học tới hoạt động tương tác qua các kĩ năng và khả năng chiêm nghiệm, lấy chất lượng tương tác của người học làm đích cần đạt đến. Nếu như trước đây chỉ xác định 4 kĩ năng và là 4 kĩ năng bình đẳng thì giờ đây sẽ là 5 – 6 kĩ năng, trong đó các kĩ năng tiếp nhận là điều kiện còn các kĩ năng biểu đạt mới là đích đến. Mặt khác, nếu như đường hướng giao tiếp chủ trương người học thực hiện các hoạt động ngôn ngữ thông qua các hành động ngôn từ (acte) với quan điểm “siêu ngôn ngữ” (metalinguistique), ví dụ như viết, nói, trao đổi về chủ đề bảo tàng với các hành động ngôn từ khen, chê, góp ý, kiến nghị …, thì quan điểm hành động chủ trương người học cần thực hiện các hoạt động tương tác (không chỉ là hoạt động ngôn ngữ) bằng các dự án (projet) có nghĩa là bằng việc hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, với quan điểm “luận ngôn ngữ” (épilinguistique), ví dụ như: để phản ánh về bảo tàng thì cần những yếu tố gì về ngôn ngữ, về văn hóa … (trong phản ánh sẽ có khen, chê …, nhưng cái quan trọng nhất là “tiếp cận dưới góc độ nào và như thế nào”).

Thứ ba, về các nguyên tắc cơ bản, thì nguyên tắc đầu tiên là sự nhìn nhận về người học, trong đó người học từ chỗ là chủ thể học tập, là tác nhân giáo dục được chuyển sang là chủ thể cộng đồng, là tác nhân xã hội. Đây là sự khác biệt cơ bản về vị thế người học. Người học không còn đơn thuần là một người thực hiện các nhiệm vụ học tập (ở đây là học ngoại ngữ) mà trở lại là chủ thể lời nói, đang dùng ngôn ngữ làm phương tiện để thực hiện một dự án, để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, hệt như trong đời sống xã hội thực. Ta có thể so sánh vị thế của người học qua các thuật ngữ sau:

Truyền thống

Nghe – Nhìn

Giao tiếp

Hành động

học trò

người học

người sử dụng

người tương tác

Coi người học thoát thai ra khỏi tâm thế của người đang đi học để trở thành chủ thể xã hội đang sử dụng ngôn ngữ để tương tác, để hành động, đó là nguyên tắc cơ bản đầu tiên của quan điểm hành động.

Nguyên tắc thứ hai là quan niệm mở rộng “không gian lớp học”. Trong đường hướng giáo tiếp, các nhiệm vụ học tập bó hẹp trong không gian lớp học, học đường, vì thế người học luôn trong tư thế người đi học, quanh quẩn trong khung cảnh này, và nếu có cố gắng hình dung ra một tình huống xã hội thì đó cũng chỉ là sự đóng kịch, là tình huống giả định. Còn theo quan điểm hành động, các nhiệm vụ cần hoàn thành đã vượt ra ngoài không gian lớp học, đã mang tính xã hội rất cao. Lý ví dụ, để học về các giới từ chỉ định vị không gian trên, dưới, trong, ngoài, đường hướng giao tiếp cho xây dựng một hội thoại về việc sắp xếp lại nhà cửa để người học có điều kiện sử dụng các giới từ này, trong khi đó với quan điểm hành động, thày giáo mang đến lớp một chiếc máy ảnh, tháo tung ra và cho các nhóm học sinh thực hiện nhiệm vụ là “lắp lại như cũ”. Như vậy để có thể lắp lại nguyên si máy ảnh, người học có một nhiệm vụ rất cụ thể, rất thực, họ phải trao đổi với nhau bằng ngoại ngữ, tìm cách sắp xếp các bộ phận trên dưới trong ngoài sao cho đạt được mục đích cuối cùng là chiếc máy ảnh được lắp lại như ban đầu!

Nguyên tắc thứ ba là một quan niệm mới về khái niệm “giao tiếp” trong học ngoại ngữ. Nếu như trong đường hướng giao tiếp, giao tiếp được nhận thức vừa là phương tiện vừa là mục tiêu cần đạt đến thì trong quan điểm hành động, giao tiếp được nhìn nhận không phải là đích đến tự nó, mà chỉ là một phương tiện phục vụ cho hành động tập thể, để người học thông qua đấy (giao tiếp bằng ngôn ngữ) thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đấy. Cũng chính vì vậy mà trong khi đường hướng giao tiếp nhấn mạnh đến quan điểm dạy-học các kĩ năng thì quan điểm hành động lại hướng tới quan điểm dạy-học thông qua các dự án để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra, trong đó kĩ năng chỉ còn là phương tiện phục vụ cho mục tiêu chính. Và cũng chính vì thế mà từ chỗ phương pháp dạy-học ngoại ngữ hài lòng với cái giá “biết làm” (có khả năng), giờ đây đã chuyển sang mục tiêu “biết hành động” (có năng lực), một bước ngoặt trong hệ thống các nguyên tắc dạy-học ngoại ngữ mới hiện nay.

Nguyên tắc thứ tư có liên quan đến nội dung học tập. Từ quan điểm tối ưu trong đường hướng giao tiếp, có nghĩa là luôn luôn mong muốn có được tối đa các thông tin, luôn mong muốn có nhiều hơn, với những câu trả lời lí tưởng, quan điểm hành động chủ trương một cách nhìn phù hợp (với hiện thực thế giới bên ngoài), chỉ quan tâm tới các thông tin có ích, các thông tin bị thiếu, chấp nhận các câu trả lời có thể là khá tốt, không đặt yêu cầu “luôn có nhiều thông tin hơn” mà nhấn mạnh đến yêu cầu “có được thông tin tốt hơn, có giá trị hơn”. Chính vì vậy mà trong khi đường hướng giao tiếp nhấn mạnh đến hình thức (từ vựng, ngữ pháp, tiêu chỉ chuẩn mực ngôn ngữ), trong một định hướng học tập (những gì người học thực hiện trong quá trình học tập của mình), thì quan điểm hành động thiên về nội dung, ý nghĩa (hoàn thành dự án, nhiệm vụ không chỉ với các yếu tố ngôn ngữ) trong một định hướng cộng đồng, xã hội (những gì người sử dụng ngôn ngữ thực hiện thực tế trong xã hội). Như vậy, nội dung học tập không xuất phát từ danh mục về ngữ pháp, từ vựng, chủ đề hay hành động ngôn từ như trong đường hướng giao tiếp nữa, mà quan điểm hành động lấy nội dung học tập từ một tập hợp các nhiệm vụ phải hoàn thành (tất nhiên để hoàn thành các nhiệm vụ này thì người học phải huy động được các kiến thức và kĩ năng của mình). Cũng cần phải nói thêm rằng, với đường hướng giao tiếp, trong nội dung học tập, việc tìm kiếm phát hiện ra nghĩa của từ vựng, của khái niệm là quan trọng, có nghĩa là “nghĩa” là quan trọng, là đích đến, thì với quan điểm hành động, việc cùng nhau tạo lập ra nghĩa mới là quan trọng, ví dụ trong học ngoại ngữ, không phải việc biết được một từ nước ngoài nào đó có nghĩa là “cái máy tính” là mục đích cuối cùng, mà điều quan trọng hơn là cùng nhau tìm hiểu bằng tiếng nước ngoài ví dụ máy tính là gì, có những cấu phần nào, có những chức năng gì và cách sử dụng ra sao, tất cả những cái đó được gọi là “quá trình tạo lập nghĩa”, đây mới là điểm đến trong việc tìm hiểu nghĩa trong học ngoại ngữ.

Nguyên tắc thứ năm liên quan đến nhận thức về “nhiệm vụ”. Nếu như trước đây “nhiệm vụ” chỉ là “đơn vị hoạt động học tập” thì giờ đây khái niệm “nhiệm vụ” sẽ là “đơn vị hoạt động học tập và giảng dạy”. Để hoàn thành một “nhiệm vụ” thì không chỉ có hoạt động của trò, mà còn có cả hoạt động của thày, thày và trò cùng hoạt động để hoàn thành một nhiệm vụ thông qua một dự án nào đấy. Thày giáo không còn là nhân tố đứng ngoài, với tư cách người cố vấn, mà thực sự là người trong cuộc, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người học tìm phương thức thực hiện tối ưu, chuẩn bị kĩ càng ở nhà, hình dung, lường trước các vấn đề để có sẵn giải pháp giúp người học. Tóm lại, quan điểm hành động coi người học và người dạy đều là những thành tố cấu thành để thực thi một nhiệm vụ học tập, mỗi người tuy ở trên một vị thế và có chức năng riêng của mình, nhưng cùng một mục tiêu và cùng hưởng thành quả đạt được.

Nói tóm lại, về vai trò và phương pháp học tập của người học trong quan điểm hành động, chúng ta có thể tóm tắt như sau: người học đã thoát ra khỏi tình huống sư phạm, thực sự trở thành các tác nhân xã hội, ngay trong quá trình học tập, sử dụng ngôn ngữ, sử dụng các kĩ năng giao tiếp để thực hiện các nhiệm vụ trong những lĩnh vực cụ thể, lĩnh vực cá nhân, công cộng hay nghề nghiệp, và việc hoàn thành các nhiệm vụ đó thông qua các hoạt động tương tác (không chỉ là hoạt động ngôn ngữ), thông qua các dự án được coi là đích đến của người học. Để thực hiện thành công hoạt động tương tác tập thể, cộng đồng này, để ứng xử và hành động cùng những người khác, người học sẽ phải huy động ở mức cao độ nhất các kiến thức, khả năng và năng lực của mình.

Quan điểm hành động, với cơ sở lí luận là thành quả nghiên cứu của các ngành ngôn ngữ học, ngôn ngữ tâm lí học, ngôn ngữ xã hội học và các ngành khoa học – công nghệ kế cận khác, và với kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn dạy và học ngoại ngữ trong ngót một thế kỉ qua, tiếp nối và phát huy những giá trị và hiệu quả tốt đẹp của đường hướng chức năng – giao tiếp, đã đặt người học vào đúng vị thế của mình và mở ra hướng đi mới cho phương pháp học tập ngoại ngữ. Quan điểm hành động hiện đã là thực tiễn của nhiều cơ sở, nhiều địa bàn dạy-học ngoại ngữ trên thế giới và là đích hướng tới của các quan điểm giáo học pháp ngoại ngữ hiện đại, và đặc biệt là thực tiễn dạy-học Ngoại ngữ ở Việt Nam.

1 2 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận