TRASH FOR TREE
Tên nhóm: ULIS12H30
Tên thành viên: Trần Mỹ Linh; Trương Hà Khánh Linh; Vương Thùy Linh; Trần Thi Loan; Nguyễn Minh Lý; Đặng Thị Mai; Hà Thị Tuyết Mai
Link Landing Page: https://thoathipham22.wixsite.com/mysite
Với sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp, con người trong cuộc sống hiện đại được tiếp xúc với ngày càng nhiều với các thiết bị công nghệ, điện tử. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà đại đa số mọi người đều được hưởng lợi thì có một vấn đề lớn kéo theo đó là sự gia tăng nhanh của rác thải điện tử.
Vậy Rác Thải Điện Tử – Chất Thải Điện Tử Là Gì?
Rác thải điện tử là các sản phẩm điện hoặc điện tử đã ở vòng đời cuối hoặc hư hỏng, lỗi thời… những loại rác này có thể đem tái chế được như đầu đĩa DVD, máy in, tivi, điện thoại, laptop… Trong các loại rác thải điện tử này có rất nhiều các chất độc gây hại đến sức khỏe con người như cadmium trong điện trở, chì, thủy ngân…
Thực trạng của Rác thải điện tử trong những năm gần đây ra sao?
Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” mới được Liên hợp quốc công bố, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.
Tính theo bình quân đầu người, trên toàn thế giới lượng rác thải điện tử bị loại bỏ năm 2019 trung bình là 7,3 kg/người (kể cả trẻ em). Châu Âu đứng đầu danh sách với 16,2 kg/người. Châu Đại Dương đứng thứ hai (16,1 kg), tiếp theo là châu Mỹ (13,3 kg). Châu Á và châu Phi thấp hơn nhiều: lần lượt là 5,6 và 2,5 kg.
Chỉ 17,4% rác thải điện tử của năm 2019 được thu gom và tái chế. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 60 tỷ USD có mặt trong vàng, bạc, đồng, bạch kim và các vật liệu có giá trị cao khác cấu tạo nên các thiết bị điện tử, đã bị vứt bỏ hoặc đốt thay vì được thu gom để xử lý và tái sử dụng.
Các thiết bị điện tử nhỏ như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử năm 2019. Lượng rác điện tử nhiều thứ 2 (chiếm 24%) là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp, máy photocopy. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn. Thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông nhỏ như điện thoại chiếm khoảng 5,6 triệu tấn.
Tính từ năm 2014, các loại rác thải điện tử tăng nhanh nhất về tổng trọng lượng là: thiết bị trao đổi nhiệt độ (trên 7%), thiết bị lớn (trên 5%), đèn và thiết bị nhỏ (trên 4%). Theo phân tích của báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020”, xu hướng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm điện tử ở các nước có thu nhập thấp, nơi chúng được coi một là tiêu chí về cải thiện mức sống. Kể từ năm 2014, số quốc gia áp dụng chính sách, luật hoặc quy định tầm quốc gia về chất thải điện tử đã tăng từ 61 lên 78. Mặc dù đây là một xu hướng tích cực, nhưng điều này vẫn còn xa so với mục tiêu mà Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đặt ra là nâng tỷ lệ các quốc gia có luật về chất thải điện tử lên 50%.
Tác hại của Rác thải điện tử thế nào?
- Chất thải điện tử có thể gây tác hại đến đất của một khu vực. Khi chất thải điện tử bị phân hủy, nó sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại như chì, asen và cadmium… Khi những chất độc này ngấm vào đất, chúng sẽ ảnh hưởng đến cây cối trong khu vực, từ đó dễ dàng xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm của người dân địa phương. Ảnh hưởng từ các độc tố này có thể khiến trẻ em bị dị tật bẩm sinh và người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe.
- Chất thải điện tử tác động tiêu cực đến nước. Các chất độc như thủy ngân, chì, asen, bari… có thể xâm nhập vào mạch nước ngầm và đi tới các ao, hồ. Nhiều loài động vật sinh sống dựa vào các nguồn nước này có thể bị bệnh, gây ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái. Con người nếu sử dụng nguồn nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp như mắc bệnh ung thư, bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan… thậm chí tử vong.
- Chất thải điện tử tác động tiêu cực đến không khí. Khi chất thải điện tử được xử lý tại bãi chôn lấp thông thường, chúng sẽ bị đốt bỏ bằng lò đốt tại chỗ. Quá trình này có thể giải phóng hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí, nếu con người và động vật hít thở trong bầu không khí này sẽ mắc các bệnh về hô hấp, tổn thương phổi, gan, mắc bệnh ung thư… Hơn nữa, những hydrocacbon này có thể góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính. Riêng năm 2019, ước tính có khoảng 98 triệu tấn CO2 đã được thải vào khí quyển từ các tủ lạnh và máy điều hòa không khí bị loại bỏ, làm tăng thêm khoảng 0,3% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Nhận thức được độ nghiêm trọng của rác thải điện tử, nhóm ULIS12h30 đã đưa ra quyết định thành lập dự án “Trash For Tree”. Dự án này được viết ra với mục tiêu nhằm giảm thiểu lượng rác thải điện tử bị vứt ra môi trường nhiều nhất, đem chúng đến nơi tập kết để được phân loại và xử lý đúng cách. Từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sức khoẻ con người được đảm bảo hơn. Ngoài ra còn đem đến nhiều cây xanh cho mọi người, góp phần bảo về môi trường và sức khoẻ mỗi người.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động được triển khai trong dự án, nhóm cũng hy vọng sẽ đem đến những thông tin, kiến thức bổ ích, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại tiềm ẩn của rác thải điện tử tới môi trường và sức khỏe con người.