Làm việc với đại diện Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 về cơ hội hợp tác tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng
Ngày 14/10/2019, Trung tâm CNTT-TT&HL, Đoàn Thanh niên (Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN) đã có buổi làm việc với đại diện Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 của Google về việc hợp tác tổ chức các khóa học bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên.
Tham dự buổi làm việc có Giám đốc Trung tâm CNTT-TT&HL Khoa Anh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT-TT&HL Trịnh Hải Tuấn và Dương Khánh Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên Nguyễn Hoàng Giang, giảng viên và cán bộ Trung tâm CNTT-TT&HL. Về phía Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 có cô Nguyễn Dương – Giám sát Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 và cô Mai Chi – Cán bộ Dự án.
Tại buổi làm việc, đại diện dự án đã chia sẻ về Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Bắt đầu từ 6/2018, Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 là sáng kiến do Google khởi xướng, được bảo trợ bởi Bộ Công Thương Việt Nam, kết hợp cùng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam (VWU), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), Hội đồng Doanh Nhân Nữ Việt Nam (VWEC) và nhiều đối tác khác trên cả nước, nhằm cung cấp các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm, và kỹ năng kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao.
Chương trình hướng đến các doanh nghiệp nhỏ & siêu nhỏ, các chủ cửa hàng, các cá nhân khởi nghiệp và sinh viên năm cuối với mục tiêu giúp họ cập nhật kiến thức số, tăng cường khả năng quản lý giúp phát triển doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh online và tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho xã hội. Ngoài ra, chương trình còn có các lớp chia sẻ dành riêng cho phụ nữ, giúp bạn hiểu thêm về các thách thức, cơ hội, kỹ năng lãnh đạo và định hướng giúp phụ nữ phát triển hơn trong thời đại cách mạng Công Nghiệp 4.0.
Hiện tại, chương trình gồm có 26 bài học chia làm 6 chuyên đề: Kỹ năng kinh doanh, Kỹ năng số cơ bản, Kỹ năng số trung cấp, kỹ năng số nâng cao, vai trò của phụ nữ, kỹ năng mềm.
Sau đó, hai bên đã thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong tổ chức các khóa bồi dưỡng với nội dung trong chương trình của Dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Phía Dự án đề xuất Nhà trường tạo điều kiện về địa điểm, giới thiệu với sinh viên và dự án sẽ cử các giáo viên, chuẩn bị trang thiết bị để đến giảng dạy cho sinh viên trường. Các khóa bồi dưỡng có thể là chuyên đề nằm trong môn học hoặc là khóa học tự do miễn phí cho sinh viên.
Buổi làm việc đã diễn ra trên tinh thần cởi mở và xây dựng. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục bàn bạc cụ thể để triển khai chương trình.
ULIS Media