Giáo dục và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy không bền vững – Diễn đàn SCI-CHAT

Giáo dục và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy không bền vững


Link trên báo Khoa học Phát triển Việt Nam.

Năm 2019 được đánh dấu bởi những thảm họa về môi trường và khí hậu. Có những người đã nói về nó như “năm 0 cho ngày tận thế khí hậu.” Đầu năm 2020, thảm họa cháy rừng ở Úc lại gây ra những mất mát khiến toàn thế giới thương tiếc. Giữa bối cảnh đó, giáo dục vì phát triển bền vững (GDVPTBV) là niềm hi vọng.

Bài viết này trình bày những ghi chú về lịch sử, triết lý và thực hành GDVPTBV. Từ góc nhìn của người viết, GDVPTBV đòi hỏi chuyển đổi hệ hình hơn là chỉ thêm vào một số nội dung về phát triển bền vững.
Lược sử diễn ngôn về phát triển

Phát triển không phải là hiện tượng tự nhiên mà là diễn ngôn ra đời, lan rộng, và biến đổi trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Tổng thống Mỹ Harry Truman đọc diễn văn nhậm chức ngày 20/1/1949. Ảnh: ITN

Diễn văn nhậm chức tổng thống của Harry Truman ngày 20/1/1949 được coi là một dấu mốc trong diễn ngôn về phát triển. Trong bài phát biểu, Truman nhắc tới bán cầu nam như một khu vực kém phát triển và kêu gọi các nước phát triển giúp đỡ đẩy lùi tình trạng kém phát triển này. Từ sau thế chiến thứ hai tới nay, trật tự thế giới được định hình bởi phát triển. Các quốc gia được chia thành phát triển và đang phát triển. Các quốc gia đang phát triển hướng tới mục tiêu phát triển và các quốc gia phát triển hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thông qua các hoạt động phát triển.
Diễn ngôn về phát triển có tiền thân của nó là diễn ngôn về tiến bộ và khai minh xuất phát từ phương Tây từ thế kỷ 18-19. Nói cách khác, nó có gốc rễ là tiến hóa luận, một sản phẩm của thời đại Khai sáng ở phương Tây. Tiến hóa luận giả định rằng thay đổi xã hội tiến triển theo một mô hình phổ quát, chia thành các giai đoạn lịch sử với các hình thái xã hội có trình độ văn minh từ thấp tới cao. Tại quyển 5 tác phẩm “Của cải của các quốc gia” (1776), Adam Smith, một trong những nhà kinh tế học đầu tiên và có tầm ảnh hưởng lớn, cho rằng loài người tiến hóa từ tộc người săn bắn hái lượm, tới tộc người chăn nuôi du mục, sang xã hội nông nghiệp và cuối cùng là xã hội thương mại. Xã hội thương mại (xã hội tư bản) gắn với phân công lao động, tính năng sản, thị trường tự do, cá nhân tự do và sự thoả mãn những nhu cầu không giới hạn của con người.

Dù đối lập với Adam Smith ở nhiều khía cạnh cơ bản, Karl Marx cũng mô tả và tiên đoán sự phát triển của xã hội theo mô hình tiến hóa từ công xã nguyên thủy, tới chiếm hữu nô lệ, sang phong kiến và sau đó là tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa và cộng sản. Marx nhận thấy mô hình này không áp dụng cho toàn thế giới và gợi ý rằng việc không tồn tại chế độ tư hữu về ruộng đất là chìa khóa để mở bầu trời phương Đông (Trần Ngọc Vương, 2010).

Ngay cả khi chỉ xét lịch sử văn minh phương Tây, ta cũng thấy một cách viết sử khác, theo đó các xã hội từng tồn tại không phát triển tuần tự từ thấp tới cao. Thời Phục hưng của phương Tây ngợi ca và tiếp nối những truyền thống của văn minh Hy La cổ đại và coi giai đoạn lịch sử trước nó là “đêm dài trung cổ,” một bước lùi của văn minh. Những người Ý ở giai đoạn Phục hưng coi kiến trúc và nghệ thuật Gothic là mọi rợ bởi chúng đoạn tuyệt với những quan niệm và kỹ thuật thẩm mỹ Hy La.

Tóm lại, sự tiến hóa của các hình thái xã hội có trình độ tổ chức từ thấp tới cao là một cách viết sử ra đời tại một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Cho tới nay, các bộ lạc sống biệt lập ở rừng rậm Amazon vẫn còn giữ phong cách sống có thể mô tả là nguyên thủy. Họ không phát triển và có cần phát triển? Những tộc người thiểu số ở những vùng rừng núi có nếp sống riêng của họ, thường bị coi là kém văn minh hơn những người miền xuôi. Theo phán đoán của James Scott (2009), những nhóm người này có thể là những người chối bỏ đời sống văn minh và tự tổ chức đời sống của mình theo cách không văn minh một cách có ý thức.

Thực tế là con người sống trong những vùng không gian văn hóa-địa lý khác nhau. Tiến hóa luận đã biến những không gian văn hóa-địa lý khác nhau đó thành các giai đoạn phát triển từ thấp tới cao. Nó đưa ra mô hình thế giới của kẻ thống trị. Mô hình này đã được dùng để hợp thức hóa sự xâm chiếm thuộc địa của người phương Tây. Người da trắng tự cho mình ở giai đoạn tiến hóa cao hơn, có sứ mệnh khai minh cho các tộc người khác thông qua công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Cho tới cuối thế kỉ 19, không còn một ngõ ngách nào trên thế giới không chịu sự kiểm soát của một trong những quốc gia phương Tây.

Sau thế chiến thứ hai, với phong trào giải phóng dân tộc và giải thuộc địa hóa, diễn ngôn về tiến bộ và khai minh không còn chỗ đứng, thay thế nó là diễn ngôn về phát triển. Diễn ngôn này cùng dựa trên một bộ giả định, nhưng lúc này thế giới đã quy về một mối, tức là đều đã chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Hẳn nhiên, sự phổ biến của diễn ngôn về phát triển không phải chỉ là sự áp đặt của các siêu cường mà còn là sự tiếp thu và xây dựng văn minh phương Tây của các nền văn hóa-văn minh khác.

Diễn ngôn phát triển còn có gốc rễ là diễn ngôn công nghệ xã hội (social technology), một sản phẩm của thời đại Khai sáng được đưa ra để hóa giải những mâu thuẫn tạo ra bởi chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Lý thuyết công nghệ xã hội cho rằng những can thiệp xã hội dựa trên kiến thức chuyên môn của một nhóm đặc quyền hoạt động như những người được ủy quyền cho những lợi ích chung là cần thiết để đạt được những thay đổi tích cực.

Hiểu về nguồn gốc phương Tây và tính lấy phương Tây làm trung tâm của phát triển là để rõ ràng rằng phát triển có tính chính trị, không phải là một quy luật tự nhiên. Công tác phát triển đạt được nhiều thành tựu, song không khó để nhận ra phát triển tái sản xuất quan hệ bất bình đẳng và sự bất bình đẳng này có những hệ lụy không mong muốn. Khi phát triển là sự áp đặt các mô hình thiếu tôn trọng và gây hại cho dân địa phương theo thói quen hoặc là sự khống chế để trục lợi có tính toán, nó chỉ là một từ khác cho chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Phát triển bền vững: Đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới nhu cầu của tương lai?
Vấn đề của phát triển không phải chỉ là câu chuyện người đối xử với người. Đến cuối thế kỉ 20, phát triển đã dẫn tới sự lan rộng một cách sống hủy hoại môi trường: chủ nghĩa tiêu dùng. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ vào năm 1991, dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ nghĩa tư bản lan rộng khắp thế giới. Hoạt động dựa trên cạnh tranh, tích lũy tư bản và tối đa hóa lợi nhuận, nó không ngừng sản xuất ra nhiều hàng hóa, kích thích tiêu dùng và tạo ra xã hội tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Nhân loại đứng trước những thách thức ở quy mô chưa từng có: sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, diễn ngôn về PTBV ra đời. PTBV là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới nhu cầu của thế hệ tương lai hoặc là sự phát triển đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người trong khi bảo tồn các hệ thống duy trì, hỗ trợ sự sống của hành tinh Trái đất.

Liên Hợp Quốc (LHQ) là một chủ thể nổi bật trong kiến tạo và phổ biến diễn ngôn PTBV. Hội nghị về Môi trường và Phát triển của LHQ ở Rio de Janeiro năm 1992 đã đặt ra Chương trình Nghị sự 21 gồm 40 chương, xác lập một hệ thống các nguyên tắc toàn diện nhằm hỗ trợ chính phủ các nước và các tổ chức thực hiện các chính sách và chương trình PTBV. Chương 36 thể hiện những ý tưởng GDVPTBV, chỉ ra vai trò của giáo dục trong quá trình tìm kiếm và thực thi một cách thức phát triển theo hướng tôn trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg năm 2002, tầm nhìn về PTBV được mở rộng, theo đó PTBV gắn với công bằng xã hội và đấu tranh chống đói nghèo. Ngày 20/12/2002, Đại Hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 57/254 về việc triển khai Thập kỉ GDVPTBV, bắt đầu từ ngày 1/1/2005.

Đến nay, GDVPTBV đã phổ biến trên toàn thế giới, tuy mức cam kết của mỗi quốc gia và địa phương nông sâu khác nhau. Ở Việt Nam, đã xuất hiện những trung tâm nghiên cứu về GDVPTBV (ví dụ: Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục vì phát triển bền vững của trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên “Dạy và học vì một tương lai bền vững” do UNESCO xây dựng đã được mang tới Việt Nam. Ngày 2/7/2019, diễn đàn “Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu” của UNESCO diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hơn 100 nước.

Mục đích của GDVPTBV là thay đổi hành vi để tạo nên xã hội bền vững cho tất cả mọi người dựa trên sự kết nối các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Giáo dục được coi là chìa khoá, giải pháp, con đường dẫn tới, hay một phần không thể thiếu của PTBV vì con người là trung tâm của sự phát triển và giáo dục có thể mang lại những thay đổi để ứng phó các thách thức của PTBV. Điều đáng nói là giáo dục như vẫn diễn ra trong thực tiễn không phải chỉ là phương thức giải quyết vấn đề mà còn là một phần của các vấn đề cần giải quyết. Đó là một quá trình phức tạp, chứa nhiều mâu thuẫn, luôn chấp chới giữa thành công và thất bại. Các hoạt động giáo dục đang được tăng cường hơn bao giờ hết nhưng những vấn đề của phát triển không thuyên giảm. GDVPTBV muốn đạt được mục tiêu của nó phải là một thứ giáo dục thực sự khác biệt.

Những chức năng-hệ quả của giáo dục

Để thay đổi giáo dục theo hướng PTBV, chúng ta cần nhìn thấy giáo dục đang diễn ra như thế nào. Đi cùng với sự lan rộng của chủ nghĩa tiêu dùng gây nên những thảm họa và nguy cơ môi trường là một cách thức giáo dục thống soát mà GDVPTBV cần phải khác với nó.

Giáo dục có ba chức năng-hệ quả: tạo chất (qualification), xã hội hóa (socialization) và chủ thể hóa (subjectification) (Gert Biesta, 2010).

Chức năng tạo chất thể hiện ở việc thông qua giáo dục người ta có được những kiến thức, kĩ năng, đức tính để làm được những việc nhất định. Bên cạnh yêu cầu phát triển năng lực để có công ăn việc làm, người tham gia giáo dục còn cần phát triển các năng lực chính trị, bao gồm năng lực công dân và rộng hơn là năng lực văn hóa. Thông qua chức năng xã hội hóa, chúng ta trở thành một phần của những trật tự xã hội. Giáo dục đặt các cá nhân vào những cách thức tồn tại và làm việc đã có; và như thế, nó đóng vai trò quan trọng trong tiếp nối văn hóa và truyền thống – cả những mặt mong muốn và không mong muốn. Chức năng xã hội hóa của giáo dục gắn với sự hình thành các năng lực (chức năng tạo chất), song sự sắp đặt vị trí và khả năng dịch chuyển xã hội thông qua giáo dục còn dựa trên cấu trúc xã hội sẵn có, giá trị trao đổi của các nhãn người như giới tính và bằng cấp. Chủ thể hóa được hiểu như sự đối lập với xã hội hóa. Giáo dục không chỉ thâu tóm con người vào những trật tự đã có mà còn tạo ra sự độc lập với những trật tự đó– những cách thức tồn tại theo đó cá nhân không phải là mẫu vật của một phạm trù lớn hơn.

Một số người cho rằng chức năng của giáo dục nằm gọn trong tạo chất và xã hội hóa. Những người khác chỉ ra rằng giáo dục luôn có tác động lên từng cá nhân và vì thế có hệ quả chủ thể hóa. Kinh nghiệm của con người chịu ảnh hưởng của xã hội nhưng cũng riêng tư và sự sống của mỗi cá nhân luôn có một độ dư so với những trật tự xã hội sẵn có để từ đó cái mới có thể ra đời. Có thể thấy giáo dục chỉ hướng tới phát triển năng lực và tham gia vào các vị trí xã hội thiếu quan tâm tới kinh nghiệm hay là sự tồn tại đầy đủ nhất của con người.

Trong xã hội toàn cầu hóa đương thời, diễn ngôn giáo dục thống soát là giáo dục dựa vào chuẩn đầu ra, đóng gói con người thành những bộ kĩ năng và bằng cấp, thành sản phẩm lưu thông trên thị trường. Giáo dục được coi là một loại hàng hóa trao đổi vì lợi ích cá nhân theo đó chức năng chính của giáo dục là củng cố hoặc thăng tiến địa vị xã hội của cá nhân, còn gọi là chức năng di động xã hội (social mobility). Nếu chỉ xét đến chức năng-hệ quả tạo chất và xã hội hóa của giáo dục, thiên lệch vào di động xã hội, giáo dục sẽ xao lãng mục tiêu dân chủ bình đẳng (democratic equality) và mục tiêu hiệu năng xã hội (social efficiency, được hiểu là sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự vận hành của nền kinh tế một cách hiệu quả và ít tốn kém).

Hai cách vượt thoát khỏi vòng xoáy không bền vững
Nếu như xã hội phát triển không bền vững thì giáo dục nằm trong vòng xoáy của sự không bền vững ấy. GDVPTBV cần phải là một nỗ lực thoát ra khỏi vòng xoáy đó. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta có thể thay đổi tất cả các hoạt động giáo dục theo một mô hình mới nhưng nó là sự đòi hỏi một cách tư duy và thực hành giáo dục khác đi. Có ít nhất hai cách trình bày về GDVPTBV.

Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững với chủ đề “Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề xã hội thông qua phương thức giáo dục” diễn ra từ ngày 2 – 5/1/2020 tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Bình Định, có sự tham gia của 80 bạn trẻ là những người có mong muốn hoặc đang thực hiện dự án hướng đến phát triển bền vững. Trong ảnh: Một học viên trao đổi với giảng viên trong giờ học. Nguồn: BTC
Theo cách thứ nhất, GDVPTBV là sự đưa vào một số nội dung học tập mới để phát triển những năng lực PTBV, được xác định với những bộ tiêu chí cụ thể. Nói một cách ngắn gọn, GDVPTBV là sự phát triển các năng lực như tư duy hệ thống, tư duy tương lai, tư duy giá trị, kĩ năng liên cá nhân, từ đó có năng lực giải quyết vấn đề tốt hơn. GDVPTBV sản sinh ra những công dân toàn cầu có trách nhiệm. Như vậy, GDVPTBV là một đối trọng với giáo dục vì di động xã hội. Tuy nhiên, trong cách khung khổ dựa trên hình thành năng lực và đáp ứng yêu cầu xã hội, luôn có những người bị rớt lại do không đủ năng lực và tư cách.

Bài viết này muốn đưa ra một cách trình bày thứ hai, theo đó GDVPTBV là một khung khổ khác, được thiết lập dựa trên các mối quan hệ cần thiết cho PTBV. Nói một cách khác, GDVPTBV dựa trên tính toàn diện, sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa người và vạn vật. GDVPTBV có thể được mô tả theo những ghi chú sau đây.
Một là, khi thực hiện các hoạt động PTBV, người ta cần giữ một tầm nhìn toàn diện và sự phản tư để đánh giá hệ quả của những gì diễn ra và đưa ra những điều chỉnh, sáng tạo mới. Đấy chính là sự tự giáo dục.

Hai là, cần đặt các thực hành giáo dục vào một mạng lưới ngữ nghĩa và quyền lực để từ đó có góc nhìn sinh thái với giáo dục, tránh tái sản xuất các mối quan hệ áp bức và bóc lột, tạo điều kiện cho những gặp gỡ cá nhân. Ngoài việc chú trọng quan hệ giữa người và các sinh vật khác, chúng ta cũng cần lưu tâm tới mối quan hệ truyền thống của giáo dục: quan hệ thầy-trò. Các yếu tố công nghệ giúp tự học có thể khiến vai trò của người thầy suy giảm. Điều này không có nghĩa là quan hệ thầy trò trở nên bình đẳng hơn mà có thể là sự mất đi mối quan hệ người người, mất đi sự được cảm động và khơi gợi trí tuệ từ những gặp gỡ ở đời.

Ba là, GDVPTBV đặt ra yêu cầu tái cấu trúc tri thức cũng như phương thức sản xuất tri thức và ra quyết định. PTBV dựa trên các kiến thức xuyên ngành, trên sự thừa nhận những cách nhìn và cách thấy khác nhau, không phải chỉ của những nhóm người khác nhau mà còn là trải nghiệm của các loài động thực vật trên trái đất. Sự thừa nhận những cách nhìn và cách thấy khác nhau không có nghĩa là “đẽo cày giữa đường” dẫn đến kém hiệu quả trong giải quyết vấn đề. Ngược lại, nó là sự tính tới đầy đủ các yếu tố để làm việc với vấn đề tốt hơn.

Bốn là, cùng với sự hướng tới vấn đề chung, GDVPTBV quan tâm tới sự an lạc (well-being) của mỗi cá nhân. Sự an lạc này chỉ có thể khả dĩ trong một hệ sinh thái lành mạnh. An lạc dựa trên sự thỏa mãn các nhu cầu cơ bản (có ăn, chỗ ở, phương kế sinh sống), mạng lưới hỗ trợ xã hội, sự bình an, sức khoẻ thể chất và tinh thần trong một môi trường khoẻ mạnh.
Thay lời kết
Nhiều người chỉ ra sự mâu thuẫn giữa “phát triển” và “bền vững.” Phát triển với gánh nặng lịch sử của nó là các quan hệ phân tầng, bóc lột và lối sống tiêu dùng không thể bền vững. Tuy nhiên, thiết lập “phát triển bền vững” với mâu thuẫn nội tại của nó cũng có thể là một diễn ngôn quan trọng để thúc đẩy những tiềm năng sáng tạo vào nhân văn của con người. GDVPTBV muốn đạt được mục tiêu của nó không phải chỉ là sự thêm vào một vài nội dung mới mà còn đòi hỏi những chuyển biến mạnh mẽ về cấu trúc tri thức và những mối quan hệ trong giáo dục.
Lời cảm ơn: Tác giả xin gửi lời cảm ơn Trường học mùa Đông về Phát triển bền vững diễn ra tại Quy Nhơn đầu tháng 1/2020 đã tạo cảm hứng cho bài viết này.
* Tài liệu tham khảo
Gert Biesta (2010). Good education in an age of measurement: ethics, politics, democracy. Boulder, C: Paradigm Publishers.
James C. Scott (2009). The art of not being governed: An anarchist history of upland Southeast Asia. Yale University Press.

Trần Ngọc Vương (2010). Thực thể Việt nhìn từ các toạ độ chữ. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.

Phùng Hà Thanh – Giảng viên ULIS

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận