DỰ ÁN GIÁO DỤC SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – IRELAND – Diễn đàn SCI-CHAT

DỰ ÁN GIÁO DỤC SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – IRELAND


VIBE (Vietnam Ireland Bilateral Education Exchange)

1. Thông tin chung về đất nước Ireland

Chính trị – Kinh tế – Ngôn ngữ

Ireland ra đời năm 1922 sau khi 26 tỉnh của đảo Ireland tách khỏi Vương Quốc Anh. Sáu tỉnh còn lại vẫn thuộc Anh, thường gọi là Vùng Bắc Ireland. Trước đó, Ireland nằm dưới quyền cai trị của Vương Quốc Anh trong nhiều thế kỷ. Ireland xây dựng thể chế cộng hòa với hệ thống chính trị dân chủ nghị viện. Quốc hội gồm Thủ tướng và 2 cơ quan chính: Thượng viện và Hạ viện với quyền hạn được quy định rõ trong Hiến pháp Ireland. Thủ tướng Ireland được bầu cử theo nhiệm kỳ 7 năm một lần.

Ngôn ngữ chính được sử dụng ở Ireland là tiếng Anh và tiếng Ailen (Irish). Ngoài ra, một số ít người dân cũng nói tiếng Pháp, tiếng Đức và ít phổ biến nhất là tiếng Bồ Đào Nha. 

Kinh tế Ireland đã có sự chuyển đổi đáng kể từ thập niên 1980, từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một nền kinh tế trí thức hiện đại tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ. Các ngành công nghiệp trọng điểm của Ireland bao gồm công nghệ thông tin và liên lạc, các ngành kỹ thuật nói chung, phần mềm, dịch vụ tài chính, đồ uống, công nghệ y học, dược phẩm sinh học và một số ngành xuất khẩu. Xét trên tỷ lệ GDP đầu người, Ireland xếp thứ 12 trong những quốc gia có chỉ số GDP cao nhất trong khối các quốc gia OECD năm 2012. Một trong những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ngoạn mục này là mức thuế doanh nghiệp thấp và rất ưu đãi dành cho doanh nghiệp nội địa, hiện đang ở mức 12,5%. Theo The Economist (2005), Ireland được đánh giá là quốc gia có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Wall Street Journal and Hertitage Foundation (2015), Ireland được xếp thứ 9 trong danh sách các quốc gia ít rào cản kinh tế nhất trên thế giới. Đồng tiền sử dụng là Euro – đồng tiền chung Châu Âu.

Dân số – Địa lý- Khí hậu

Ireland là một quốc đảo nằm ở phía Tây Bắc châu Âu, tiếp giáp với Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) với diện tích khoảng hơn 84,421 km2 và dân số khoảng hơn 4,8 triệu người, khoảng 1/3 dân số Ireland tập trung sinh sống tại thủ đô Dublin. Quốc gia này gồm 26 quận (county) trên tổng số 32 quận của hòn đảo (6 quận còn lại thuộc nước Bắc Ireland), với năm thành phố lớn là Dublin, Cork, Limerick, Galway và Waterford. Quốc gia này là vùng đất có thời tiết ôn hòa với nhiệt độ dao động trong khoảng 39 độ F vào mùa đông và 61 độ F vào mùa hè.

Y Tế- Giáo dục

Ireland sở hữu một trong những hệ thống y tế phát triển nhất thế giới và đội ngũ chuyên gia y tế được đào tạo với trình độ cao. Những người có thu nhập thấp tại quốc gia này cũng đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Cộng hòa Ireland có 3 cấp giáo dục: tiểu học, trung học và đại học. Bằng cấp giáo dục của Ireland được công nhận trên toàn cầu. Chính phủ đất nước luôn hỗ trợ và đầu tư rất nhiều cho môi trường học tập hiện đại, chuyên nghiệp.  

2. Quan hệ ngoại giao Ireland – Việt Nam và dự án VIBE

Ireland và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là dân số trẻ và năng động. Văn hóa hai nước đều bắt nguồn từ những nền văn minh nổi tiếng bởi sự coi trọng những giá trị học thuật và giáo dục. Năm 1996, quan hệ ngoại giao cấp đại sứ giữa hai nước được thiết lập. Năm 2005, Ai-len mở Đại sứ quán tại Hà Nội

Năm 2016, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len cho giai đoạn 2016 – 2021.Gồm 06 thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu hai nước (Gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Ai-len Cork; Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Trinity Dublin; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Đại học Trinity Dublin; Đại học Huế và Học viện Công nghệ Dublin; Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Công nghệ Cork; Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Cork).

Trao đổi song phương Việt Nam-Ireland (VIBE) từ năm 2015 là một phần của việc thực hiện MOU và để phát triển hơn nữa liên kết nghiên cứu và giáo dục giữa Việt Nam và Ireland với ngân sách lấy từ Irish – Aid để kích thích sự hợp tác giữa các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam và Ireland. Đến nay, tổng cộng có 15 quan hệ đối tác giữa 14 trường đại học Việt Nam và 9 trường đại học Ailen đã được Đại sứ quán hỗ trợ. 

Mục tiêu tổng thể của chương trình 

Mục tiêu tổng thể của chương trình VIBE là đóng góp cho các ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam bằng cách khuyến khích các liên kết phát triển cùng có lợi giữa hai nước, đặc biệt là nghiên cứu và hợp tác giáo dục ở bậc đại học. Tập trung vào việc tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu bền vững. Các nguyên tắc của chương trình VIBE phản ánh các mục tiêu chung của việc đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội bền vững ở Việt Nam và Chính phủ ưu tiên ngành giáo dục và hợp tác nghiên cứu ở nước ngoài.

Mục tiêu cụ thể của chương trình

Mục tiêu cụ thể là tăng cường liên kết giáo dục đại học, xây dựng năng lực nghiên cứu bằng cách hỗ trợ xây dựng quan hệ đối tác mới giữa các tổ chức nghiên cứu và giáo dục Ireland và Việt Nam. Hợp tác hai chiều giữa các tổ chức giáo dục của Việt Nam và Ireland trong một loạt các hoạt động học thuật và nghiên cứu bao gồm: Trao đổi nhân viên và sinh viên góp phần vào các dự án đổi mới; học tập hợp tác; kỹ thuật số; đổi mới và sáng tạo; Thiết kế và phát triển chương trình giảng dạy chung; các chương trình giảng dạy chung góp phần tăng cường năng lực  cá nhân; xây dựng kỹ năng và quản lý tổ chức năng lực công việc chung; phát triển và đổi mới doanh nghiệp; năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên sinh viên

3. Một số chương trình triển khai của VIBE

Đại học Đại học Kinh tế Đà Nẵng (DUE) và Học viện Công nghệ Cork

Dự án “Start-Up RunWay” hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp của sinh viên tới từ nhiều trường đại học tại Đà Nẵng. Tham gia chương trình, các sinh viên được tập huấn và hỗ trợ phát triển ý tưởng. Cuộc thi do Đại học Kinh tế Đà Nẵng tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Học viện Công nghệ Cork, và đã trở thành sự kiện hàng năm cho sinh viên.  Dự án giành giải chung cuộc tại Start-Up RunWay 2016 là một ứng dụng trên điện thoại thông minh cung cấp thông tin và hỗ trợ nuôi giun để sử dụng cho việc nuôi tôm. Giải thưởng cho đội chiến thắng cuộc thi là cơ hội giao lưu trao đổi với sinh Học viện Công nghệ Cork, và thực tập tại Vườn ươm khởi nghiệp Rubicon đặt tại CIT. Ngoài ra, các buổi workshop, coaching, gặp gỡ các mentor… của các chuyên gia khởi nghiệp đến từ Trung tâm khởi nghiệp Hincks và Trung tâm ươm tạo Rubicon cũng góp phần xây dựng nền móng vững chắc, giúp những dự án khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

  Hai trường đã mở rộng quan hệ đối tác sang những linh vực khác bao gồm hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên, và phát triển chương trình đào tạo khởi nghiệp. Một chương trình đào tạo chung đang được xây dựng và sẽ cho phép sinh viên của Đại học Kinh tế Đà Nẵng sang học tập một năm tại Ireland.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và Trường Trinity, Đại học Dublin (TCD)

Dự án “Xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các trường đại học Ireland và Việt Nam với mục tiêu phát triển sáng tạo xã hội” được thực hiện bởi Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội  – Đại học Kinh tế Quốc dân với tư cách là đối tác chính và Trung tâm Sáng tạo Xã hội, Trường Trinity, Đại học Dublin (trong giai đoạn từ 2018 -2019). Hai trung tâm của hai trường sẽ thực hiện một số hoạt động bao gồm trao đổi học thuật, tiến hành nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo học thuật, phát triển tài liệu giảng dạy về sáng tạo xã hội – tinh thần kinh doanh vì xã hội, xây dựng bản đồ số về hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và Học viện Sáng tạo, Đại học Dublin (UCD)

Chương trình “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên”. Chương trình được triển khai nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý của ĐHQGHN. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng và không thể thiếu trong hành trình vượt qua những thách thức và vận dụng những cơ hội để thành công trong công việc và cuộc sống. Đối tượng tham gia chương trình là các cán bộ giảng dạy và quản lý tại ĐHQGHN – những người có ảnh hưởng quan trọng và có khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên, ươm tạo và lan tỏa tư duy đổi mới, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong hoạt động giảng dạy và đào tạo tại ĐHQGHN.

Khóa học được triển khai nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý của ĐHQGHN. Dự án sẽ đào tạo khoảng hơn 100 giảng viên và cán bộ quản lý nhằm hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập theo cách tiếp cận thực tế, dựa trên hoạt động, học qua các dự án, học qua thực hành, qua hoạt động nhóm. Tính đến thời điểm tháng 10/2019 dự án đã đào tạo được khoảng 80 giảng viên và cán bộ quản lý với sức lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần đổi mới, sáng tạo. Các giảng viên đã áp dụng tinh thần của dự án vào các giờ dạy của nhiều môn học khác nhau; những giờ dạy nhiều màu sắc, nhiều hoạt động với tinh thần dạy học tích hợp phát triển các năng lực cá nhân của người học. Sự ra đời của những môn học mới nhằm tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên tại trường Đại học Ngoại ngữ và trường Đại học Việt Nhật. Nhiều buổi tọa đàm của các giảng viên được tham gia khóa học với sinh viên, cán bộ trong và ngoài Đại học Quốc Gia Hà Nội nhằm lan tỏa các nội dung tuyệt vời của khóa học về Công cụ làm việc mới giúp thấu hiểu vấn đề tốt hơn; giải quyết vấn đề hiệu quả hơn…

Hiện nay, ĐHQGHN đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với Đại học Quốc gia Dublin và Công ty Pacific Land của Ireland. Ngoài ra, một số đơn vị thành viên của ĐHQGHN cũng ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác Ireland như: ĐH Kinh tế với ĐH Trinity Dublin; ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với ĐH Cork.

Trường Đại học Dublin (UCD) và Trường Đại học Hà Nội (HANU)

Phòng Quản lý Đào tạo và Khoa Quốc tế thuộc trường Đại học Hà Nội là đơn vị triển khai dự án hợp tác giữa hai trường bao gồm các lĩnh vực như:  trao đổi giảng viên, sinh viên, xây dựng và triển khai giảng dạy môn học mới, trong đó có môn “Hệ thống Thông tin Địa lý – GIS” thuộc chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội. Hai bên đã bàn về việc cấp học bổng cho sinh viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội, theo học Chương trình Thạc sĩ GIS tại Trường Đại học Dublin.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHCM (HCMUS) và trường Dublin City University (DCU)

Dự án “Kết nối Học tập phục vụ cộng đồng vào giáo dục STEM vì sự phát triển kinh tế – xã hội và công dân toàn cầu” với nhóm nghiên cứu SL-STEAM nhằm tạo ra một không gian cho giáo viên và sinh viên trình bày các ý tưởng dự án giúp cộng đồng giải quyết các vấn đề thường ngày thông qua việc lồng ghép STEM vào học tập phụng sự cộng đồng.

Dự án đã tổ chức một hội thảo thảo quốc tế SL – Steam và cuộc thi Service Learning-STEM. Nhóm sinh viên đạt giải nhất Cuộc thi Service Learning-STEM sẽ có  chuyến thăm Ireland một tuần.

Đại học Huế và Viện Công nghệ Dublin (DIT)

Dự án đồng đào tạo “Thiết kế và Xây dựng các chương trình đồng đào tạo an toàn thực phẩm, Môi trường và Quản trị Du lịch” thảo luận chi tiết các chương trình đào tạo xen kẽ (sandwich education programs) và các khả năng phát triển hợp tác đi vào chiều sâu.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và đại học Cork (UCC)

Dự án giai đoạn đầu  “Xây dựng chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm gắn với kinh doanh” Kết quả sau hai năm thực hiện dự án (từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2017), Học viện đã mở được chuyên ngành đào tạo mới về Công nghệ và kinh doanh thực phẩm với số lượng tuyển sinh cho năm học 2018-2019 là 145 sinh viên theo học, vượt xa so với dự kiến đề ra về kết quả tuyển sinh của dự án là chỉ khoảng 60 sinh viên cho năm đầu tiên tuyển sinh. Tiếp nối những kết quả thành công đó, Ban Hợp tác quốc tế của Học viện đã hỗ trợ chia sẻ thông tin và giúp kết nối các đơn vị chuyên môn trong Học viện với các đối tác khác tại Ailen để xây dựng chương trình hợp tác. Kết quả, năm 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được khoản tài trợ 140,000 Euro của Đại sứ quán Ailen cho đề xuất dự án về “Nông nghiệp thích ứng với Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững về mặt môi trường” hợp tác với trường Đại học Quốc gia Ailen Galway, thời gian thực hiện trong 2 năm từ 1/1/2019 đến 31/12/2020. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực về nghiên cứu và đào tạo cho các cán bộ và sinh viên Học viện thông qua các chuyến thăm quan, học tập tại Ailen từ 1-3 tháng. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tập trung thí điểm mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và làng nông Thuận Thiên (CSV) vào kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái cho giai đoạn Nông thôn mới 2021-2025.

4. Tuần lễ giáo dục Việt Nam Ireland

Trong khuôn khổ hợp tác giáo dục giữa Ireland và Việt Nam, ngày 15/10/2019 tại Dublin, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã tổ chức tuần lễ giáo dục Việt Nam Ireland. Sự kiện mở màn cho tuần lễ giáo dục Việt Nam Ireland là Hội thảo hợp tác Việt Nam Ireland trong Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới diễn ra sáng 15/10/2019 tại trường Đại học Dublin, Ireland. Ông Ruarri de Burca, Tổng Giám đốc Irish Aid và Đại sứ Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland Trần Ngọc An đánh giá cao sự hợp tác song phương giữa giáo dục hai nước, đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học và sau đại học trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh như  đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, biến đổi khí hậu. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Giáo dục hai nước, 20 trường đại học đến từ Việt Nam và Ireland. Đại diện các trường đại học Việt Nam cũng sẽ có những chuyến thăm và làm việc với các trường đại học Ireland trong khuôn khổ hoạt động của tuần lễ giáo dục Việt Nam Ireland lần này. TS. Nguyễn Thị Anh Thu, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham dự và trình bày báo cáo kết quả hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với trường Đại học Dublin, Ireland. Nhóm giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đang tham gia khóa học tại trường Đại học Dublin cũng có phần trình bày kết quả áp dụng nội dung khóa học Nhà giáo dục sáng tạo khởi nghiệp vào trong hoạt động giảng dạy và quản lý tại VNU. 

(Thông tin chi tiết về sự kiện xem tại https://www.facebook.com/irishembassyinvietnam/videos/2785805501464695/)

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Đại diện nhóm giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo
Đoàn cán bộ, giảng viên ĐHQGHN chụp ảnh cùng Đại sứ Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ailen Trần Ngọc An và các thầy cô giáo Học viện sáng tạo, trường Đại học Dublin
Đoàn cán bộ, giảng viên ĐHQGHN tại trường Đại học Dublin, Ailen

(Nhật Ánh, Kim Anh tổng hợp và biên tập)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận