Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt sản phẩm thử nghiệm: tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua phần mềm trắc nghiệm – Diễn đàn SCI-CHAT

Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt sản phẩm thử nghiệm: tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua phần mềm trắc nghiệm


Phần mềm điện thoại đánh giá xu hướng nghề nghiệp của học sinh được thiết kế dựa trên các công cụ đã được thích nghi và xây dựng phù hợp với học sinh Việt Nam theo 3 lĩnh vực: xu hướng nghề, nhân cách và khó khăn tâm lý ở học sinh trung học nhằm cung cấp sự hỗ trợ tối đa và toàn diện trong quá trình đưa ra quyết định nghề nghiệp hay lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân.

Từ lâu, các phương pháp trắc nghiệm trên máy tính đã được coi là có tiềm năng tốt để cung cấp các dịch vụ đánh giá tâm lý bởi những ưu điểm về tính linh hoạt; Cơ hội sử dụng nhiều tài nguyên như: hình ảnh, âm thanh, video; Cấu trúc thao tác động và tính khả dụng.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN chủ nhiệm đề tài

Bên cạnh những khó khăn tâm lý mà lứa tuổi học sinh đang gặp do nhiều nguyên nhân thì việc lựa chọn chuyên ngành hay công việc phù hợp với bản thân cũng là vấn đề nhận được nhiều sự chú ý không chỉ trước đây, trong thời gian này và có lẽ vẫn sẽ là chủ đề cần được nghiên cứu trong thời gian tới.

Các kết quả nghiên cứu đối với những vấn đề học sinh THPT hiện nay gặp phải chỉ ra rằng khó khăn trong lựa chọn nghề là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có mô hình đầy đủ và cụ thể các bước thực hiện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.

Sau gần 2 năm thực hiện (2017-2019) nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐHGD bao gồm PGS.TS Trần Thành Nam, TS. Trần Văn Công, và ThS. Hồ Thu Hà, đồng chủ nhiệm, dưới sự tài trợ kinh phí từ Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã xây dựng thành công đề tài “Xây dựng phần mềm điện thoại đánh giá xu hướng nghề nghiệp của học sinh” với các sản phầm: Phần mềm điện thoại Tư vấn hướng nghiệp và Trang web Tư vấn hướng nghiệp. Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao về tính khoa học và ứng dụng thực tế.

Đối với các trắc nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình tiến hành, tính điểm và diễn giải cho bộ công cụ đánh giá xu hướng nghề nghiệp RIASEC, đặc điểm nhân cách NEO-PI-R VN và các khó khăn tâm lý của học sinh trung học. Đây đều là các thang đo được thiết kế và thích nghi dành riêng cho học sinh Việt Nam. Mỗi trắc nghiệm có số câu không quá 60 items, ngôn ngữ diễn đạt của các câu dễ hiểu và đơn nghĩa, thời gian thực hiện mỗi trắc nghiệm dao động từ 5 – 7 phút; phần diễn giải của các trắc nghiệm ngắn gọn và cụ thể.

Giao diện phần mềm thân thiện và tối giản, điều này giúp người dùng dễ dàng thao tác trên màn hình. Trong từng trắc nghiệm, mỗi màn hình là một câu với các phương án lựa chọn, để chuyển tiếp giữa các màn hình, người dùng có hai lựa chọn: (1) di chuyển màn hình theo cách thủ công thông thường và (2) lựa chọn cài đặt “chuyển màn hình tự động” ở góc trên bên trái của màn hình.

Những đặc điểm này đều phù hợp và đáp ứng với tiêu chí tiện lợi, dễ sử dụng và hiệu quả của các phần mềm sàng lọc, đánh giá sức khỏe nói chung hiện nay.

Hơn nữa, phần mềm còn cho phép người sử dụng tạo tài khoản cá nhân dựa trên email, điều này giúp bảo mật thông tin và đặc điểm của từng cá nhân.

Một điểm thú vị của phần mềm là sự hiện diện của tiểu mục “Lịch sử”. Sau mỗi lần sử dụng, toàn bộ kết quả của người dùng sẽ được lưu lại trong tài khoản kèm theo thời gian thực hiện trắc nghiệm. Như vậy, người dùng có thể tận dụng lịch sử đánh giá để so sánh kết quả giữa các thời điểm khác nhau.

Đặc biệt, đối với cá nhân có khó khăn tâm lý, sau một khoảng thời gian tiếp nhận các can thiệp, trị liệu, kết quả thực hiện trắc nghiệm trước đó và sau này có thể được dùng như là một trong những thước đo đánh giá sự thay đổi của bản thân.

Đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm phần mềm trực tiếp thông qua buổi Tọa đàm “Tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh” do trường Đại học Giáo dục tổ chức tại trường THPT Khoa học Giáo dục. Buổi Tọa đàm có sự tham gia của gần 100 học sinh lớp 12 trường THPT Khoa học Giáo dục cùng các bậc phụ huynh và giáo viên toàn trường: một trong những nội dung đan xen là hoạt động khám phá xu hướng nghề nghiệp của bản thân. Tại buổi Tọa đàm, học sinh được trải nghiệm trực tiếp phần mềm trên máy tính và in kết quả ngay tại chỗ. Sau đó, kết quả được chuyển đến cán bộ chuyên môn để được diễn giải chi tiết và tư vấn.

Những phản hồi tích cực đầu tiên đã được báo cáo, các chuyên gia cho rằng đây là công cụ hỗ trợ tốt để giúp họ có những thông tin cần thiết trước khi tham vấn/tư vấn cho thân chủ/khách hàng.

Phần mềm điện thoại Tư vấn hướng nghiệp là phần mềm điện thoại đầu tiên của Việt Nam tích hợp ba trắc nghiệm đánh giá nhân cách, khó khăn tâm lý và xu hướng nghề nghiệp giúp học sinh bước đầu hiểu rõ và có cái nhìn đa chiều về bản thân hơn, góp phần đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp và khả thi.

Cùng với giao diện đơn giản, dễ nhìn, không chứa quảng cáo, phần mềm hứa hẹn sẽ được phổ biến rộng rãi trên nhóm đối tượng học sinh và cả nhóm phụ huynh muốn thông qua các trắc nghiệm đơn giản để hỗ trợ con trên con đường lựa chọn chuyên ngành đào tạo hướng nghiệp để có công việc tốt nhất.

Link app trải nghiệm phần mềm tại đây

(Theo VNU)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận