Phương pháp hoạt động nhóm và cá nhân hiệu quả – Diễn đàn SCI-CHAT

Phương pháp hoạt động nhóm và cá nhân hiệu quả


Teamwork là một hoạt động học tập rất quen thuộc của các ULISer. Đây đồng thời cũng là một kỹ năng quan trọng phục vụ cho công việc sau này. Tuy vậy, việc hoạt động nhóm cũng xảy ra nhiều “vấn đề” khiến các ULISers phải “đau đầu” tìm giải pháp.

Và dưới đây là những ghi nhận nho nhỏ từ các bạn sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ về những vấn đề hay gặp phải và cách giải quyết khi làm teamwork.

Một trong những “cơn ác mộng kinh hoàng” của 9/10 ULISer là chậm deadline. Nguyên nhân có thể là do có quá nhiều bài thuyết trình phải làm cùng một lúc, cũng có thể là do có việc cá nhân nhưng chủ yếu là nước đến chân mới “nhảy” và khi đó thì “nhảy” không còn kịp nữa. Chính những nguyên nhân đó đã khiến cho không ít lần cả nhóm đến hạn chót vẫn còn lao đao, quay cuồng “hò” nhau chạy cho kịp deadline và những sản phẩm không hoàn hảo như kỳ vọng liên tục được cho ra đời. Thậm chí, một số nhóm còn bị quá deadline, không được nộp bài hoặc bị trừ điểm. Để đối phó với cơn “ác mộng” này, một số ULISer đưa ra những phương pháp “đặc trị” để dễ dàng “kê gối ngủ ngon”

(Ảnh vui nhộn của nhóm Lê Vy sau khi hoàn thành bài tập nhóm môn Testing and Assessment)

Lê Vy (QH2016)  bật mí: “Trước khi bắt tay vào làm một bài tập nhóm, mình đều dựng sẵn frame (bố cục) cho bài đó, giao chi tiết từng mục cho từng người phụ trách kèm theo ngày giờ cụ thể phải nộp bài. Trước đây bọn mình chỉ trao đổi và thống nhất deadline qua lời nói hoặc tin nhắn trong group chat Facebook nên đôi khi các bạn có quên, nhưng hiện tại trong ứng dụng Messenger của Facebook đã có tính năng Lời Nhắc, rất tiện lợi để đặt ra các deadline và tất cả các thành viên đều được nhắc nhở khi deadline đã gần kề”.

Lê Vy đã có những chia sẻ thực sự vô cùng bổ ích, hy vọng những bạn nào chưa thử dùng tính năng Lời Nhắc trên Messenger thì hãy thử nhé! Bây giờ chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Thúy Hường:

Thúy Hường( QH.2018) chia sẻ: “Khâu quan trọng nhất khi hoàn thành 1 deadline là khâu chuẩn bị, lựa chọn vấn đề nhóm sẽ làm và phân công rõ ràng. Ngay từ đầu kì nhóm em đã đặt ra lịch nộp bài cho các bạn trong nhóm sớm hơn từ 3 ngày đến 1 tuần để có thể chỉnh sửa cũng như không bị rối khi đến hạn nộp bài.” 

Ngoài ra, Phương Thảo (QH.2016) cũng có chia sẻ thêm về một công cụ làm việc giúp kiểm soát tiến độ công việc của từng thành viên, tránh tình trạng chậm deadline, quên deadline và để dễ dàng trao đổi, chỉnh sửa công việc. Đó chính là công cụ: Google doc và Google trang tính. Thảo cũng chia sẻ rằng từ ngày làm việc trên các công cụ này, nhóm của Thảo luôn hoàn thành bài đúng deadline và dễ dàng nhắc nhở khi một bạn nào đó quên chưa hoàn thành công việc được giao. Vậy bạn đã thử chưa?

(Cả nhóm Phương Thảo chạy deadline rần rần nhưng vẫn luôn vui vẻ vì bạn nào cũng được phân công việc rõ ràng và được nhắc deadline cẩn thận)

Thứ hai, vấn đề “làm riêng ăn chung” – một việc làm siêu phổ biến khi hoạt động nhóm. Vấn đề này xuất phát từ tâm lý thích nhận phần dễ về mình và đẩy trách nhiệm khó khăn cho các thành viên khác. Loại “bệnh thế kỷ” này cần được đặc trị bằng thuốc liều cực cao.

Diệu Linh (QH.2018) chia sẻ: “Em luôn nhận vai trò Leader trong nhóm, từ đó em phân công công việc rõ ràng, đưa ra phần khung để mọi người có định hướng hoặc phản biện để cùng làm bài hiệu quả. Có những leader sẽ thường có thái độ bắt ép các bạn khác trong nhóm làm việc này việc kia nhưng với em, em chọn cách hài hoà, cầu thị để mọi người dễ chịu và hưởng ứng. Từ khi áp dụng cách làm việc nhóm này, em thấy mọi thứ nhẹ nhàng lắm vì em đã đi trước mở đường trước, mọi người chỉ việc theo chỉ dẫn rồi đến deadline thì cùng gửi bài và thảo luận”.

(Cả nhóm của Diệu Linh cùng đi dã ngoại để hoàn thành bài tập nhóm môn Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam)

Tiếp theo, hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ Trang Trang (QH.2017) : “Bất kì bài tập nhóm nào chúng em đều có report nộp cho cô cho dù có yêu cầu hay không để cả nhóm sẽ có sự nghiêm túc hơn khi làm bài tập. Thêm vào đó, việc chọn người làm teamwork với mình rất quan trọng khi phải chọn người phù hợp với phong cách làm việc của nhóm để tránh xuất hiện thái độ ỷ lại cũng như đùn đẩy trách nhiệm”.

Anh Tuấn (QH.2018): “Để đảm bảo việc làm nhóm hiệu quả, thì mình sẽ tìm những nhóm vừa sức với mình để không cảm thấy áp lực và vui vẻ hợp tác. Qua nhiều lần teamwork, mình thấy cả nhóm không cần quá nghiêm túc cùng vui vẻ thì hiệu quả cũng rất tốt”.

Trên đây quả thực là những chia sẻ rất thú vị của các ULISers, qua đó chúng ta thấy được rằng các ULISers không chỉ giỏi trong việc xử lý những tình huống khó mà còn rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng những điểm mạnh của các app, các công cụ online để việc học tập và làm việc nhóm thực sự hiệu quả. Cuối cùng, xin nhấn mạnh lại rằng: trong môi trường hiện tại làm việc theo nhóm là một kĩ năng rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Để có những kết quả mong muốn thì không chỉ là công sức của một người – Team to work not works to team- nếu bạn không phải là một leader tốt thì hãy là một teammate có trách nhiệm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
5 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang
Trang
27 Tháng Mười Một, 2019 8:59 chiều

Tính năng Lời nhắc của fb cực kỳ hay luôn. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ!

Trang
Trang
6 Tháng Mười Hai, 2019 11:40 chiều

Ngoài những tips nếu trên thì nếu như chúng ta sử dụng google classroom hoặc trello để làm bài tập nhóm thì liệu sẽ có những ưu điểm và hạn chế gì nhỉ?

Tree
Tree
7 Tháng Mười Hai, 2019 12:05 sáng

Làm nhóm đến năm thứ 4 rồi, đọc những dòng chia sẻ này em thấy thấm thía lắm. Deadlines nhiều nhưng nhờ có những cách cân bằng và những công cụ online như messenger, zalo, google doc mà thực sự teamwork đã trở nên easy hơn nhiều với em

LTST
LTST
7 Tháng Mười Hai, 2019 12:15 sáng

Sau bài viết này thì teamwork ko còn là nỗi kinh hoàng nữa..

Vũ Phương Thảo
Vũ Phương Thảo
7 Tháng Mười Hai, 2019 4:20 chiều

Cảm ơn bạn chi sẻ nhé!:)) rất hữu ích!:))