Tìm hiểu về công tác đào tạo học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông năm học 2019-2020 – Diễn đàn SCI-CHAT

Tìm hiểu về công tác đào tạo học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông năm học 2019-2020


Công nghệ thông tin và Truyền thông là môn học/học phần mới bắt đầu được triển khai đào tạo tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội từ học kỳ II năm học 2019-2020 và đã nhận được phản hồi tích cực từ các em sinh viên.

Gặp mặt sinh viên tham gia học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông diễn ra vào tháng 1/2020

Những ngày đầu 

Trong QĐ số 3403/QĐ-ĐT ngày 18/10/2011, môn Tin học cơ sở được coi là học phần bắt buộc đối với sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ nói chung. Tuy vậy, sau nhiều năm giảng dạy, đến QĐ số 2078/QĐ-ĐHQGHN ngày 3/7/2019, môn học này không còn nằm trong chương trình khối kiến thức chung. Trong khoảng thời gian này, Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Trung tâm CNTT-TT&HL (phụ trách giảng dạy môn Tin học cơ sở) đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về việc xây dựng một môn học mới nhưng vẫn có sự kế thừa của môn Tin học cơ sở. Quan điểm của Nhà trường là sinh viên cần phải có được kiến thức cơ bản về công nghệ và chuyển đổi số trong thời đại 4.0 ngày nay. Do đó, không thể bỏ hoàn toàn môn học này mà nên đào tạo theo hướng mới.

Trong bối cảnh đó, đặc biệt là với Đề án Đổi mới giảng dạy tại trường được triển khai, Công nghệ thông tin và Truyền thông được kỳ vọng sẽ là một môn học có nội dung và cách tiếp cận mới mẻ và hiện đại.

Để chuẩn bị, nhóm xây dựng môn học đã tiến hành khảo sát sinh viên trong trường. Trên kết quả phân tích 250 phiếu thu được, nhóm đã nhận thấy nhu cầu tìm hiểu về CNTT, truyền thông của các sinh viên là rất lớn và có tính thực tiễn. Nhóm cũng tiến hành phân tích nhu cầu để chỉnh sửa, thêm bớt nội dung phù hợp để đi đến sản phẩm cuối cùng là đề cương học phần Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Đề cương học phần

Nội dung học phần CNTT-TT gồm 3 phần chính. Cụ thể: 

(1) Kiến thức, kỹ năng về CNTT

(2) Kiến thức, kỹ năng về truyền thông

(3) Ý tưởng sáng tạo

Nội dung chi tiết

Ngoài những chuyên đề do giảng viên Nhà trường phụ trách đảm nhiệm, học phần còn có sự tham gia của các chuyên gia Dự án Vietnam Digital 4.0. Những chủ đề mở rộng mang tính cập nhật xu hướng và công nghệ cao do các chuyên gia Google đem đến những thông tin chuyên sâu, bổ ích với bất kỳ sinh viên nào.

Học phần Công nghệ Thông tin – Truyền thông được thiết kế cho sinh viên thuộc chương trình đào tạo cử nhân của Nhà trường. Khóa học nhằm giúp sinh viên:Nắm được các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông trong thời đại số;Sử dụng thành thạo các kỹ năng về công nghệ tin và truyền thông trong công việc như: sử dụng thư điện tử, tra cứu và xác thực thông tin trên mạng, quản lý truyền thông mạng xã hội, cộng tác trực tuyến, quản lý cơ sở dữ liệu, thiết lập tệp trình chiếu, soạn thảo văn bản, xây dựng logo, slogan, và landing page; Có ý thức ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công việc hàng ngày, nâng cao chất lượng của công việc, phong cách làm việc trong xã hội hiện tại.

Quá trình giảng dạy và dạy học thời Covid-19

Học phần CNTT-TT được đào tạo kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sinh viên tiếp cận tài liệu, học, nộp bài tập trên hệ thống E-learning tại địa chỉ: http://lms.ulis.vnu.edu.vn/. Sinh viên theo dõi tin tức, kết nối với giảng viên, thảo luận, phản hồi trên fanpage và group facebook. Đồng thời, ngoài những bài giảng video trực tuyến, sinh viên cũng được tham gia những buổi nghe chia sẻ trực tiếp tại hội trường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động offline không được tổ chức nhiều nhưng điều này không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và hiệu quả học tập do tính chất của học phần chủ yếu được đào tạo theo hình thức trực tuyến.

Giao diện website

Học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông được đánh giá chấm điểm theo công thức: Tham gia các hoạt động trên website môn học (10%) + Ý tưởng đề xuất dự án (30%) + Landing page (60%).

Ví dụ về một landing page

Trong học kỳ vừa rồi, học phần đã tổ chức 8 hoạt động chính: Like page facebook học phần ICTICT; tham gia ULIS facebook group; Group Photo; Website môn học; The Ideator; The Designer; ICT TALKS; Facebook Idol. Mỗi hoạt động được thiết kế với mục tiêu rõ ràng, dễ hiểu, dễ tham gia nhưng để hoàn thành phải đáp ứng được đúng tiêu chí. Ngoài việc nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, đây cũng là cơ hội để các em sinh viên kết nối với giảng viên và làm quen, hợp tác với nhau.

Thông tin về các hoạt động

Sau mỗi hoạt động, học phần đều tiến hành lấy ý kiến của người học để đảm bảo kịp thời ghi nhận phản hồi và định hướng triển khai các hoạt động sau. 

Thành công bước đầu và định hướng tương lai

Theo thống kê, có 1.423 sinh viên (90,8%) khóa đầu tiên đạt kết quả học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông từ 8-10 điểm, trong đó 707 em đạt từ 9-10 điểm (45,1%). Chỉ có 10 sinh viên đạt điểm dưới 5 điểm (0,6%). 

Sau khi kết thúc, nhóm cán bộ giảng dạy đã lấy phiếu phản hồi của người học và đã nhận được 1.350 phiếu phản hồi. Đáng chú ý, có 60% sinh viên bày tỏ sẵn sàng giới thiệu môn học cho các em khóa sau. Nhóm đã tiếp nhận, phân tích các phiếu để làm cơ sở chỉnh sửa chương trình môn học sau này.

Học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông đã cho em rất nhiều trải nghiệm thú vị. Chúng em được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích về công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội; được làm các bài tập và tham gia những hoạt động thú vị (chụp ảnh nhóm, đề xuất ý tưởng dự án, kết bạn online…). Em đặc biệt ấn tượng với nhiệm vụ làm Landing Page – thiết kế một Website mẫu. Em cảm thấy thực sự “ngầu” sau khi làm xong Landing Page của nhóm mình. Là một người trẻ trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, em tin rằng bạn sinh viên nào cũng nên học môn này”, em Nguyễn Thúy Nga, một sinh viên đã tham gia học phần cho biết.

Landing Page khoá học edit video và chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp cho sinh viên ULIS do nhóm của Nga xây dựng

Ngày 29/07/2020, Nhà trường đã tổ chức buổi sơ kết việc tổ chức đào tạo môn học Công nghệ Thông tin và Truyền thông năm học 2019-2020 nhằm nhìn lại hoạt động giảng dạy môn học này và chuẩn bị cho các năm học sau. Tại buổi sơ kết, các thầy cô đã đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn, nội dung hiện đại, cách tiếp cận của môn học. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cũng chúc mừng nhóm đã triển khai thành công môn học, không chỉ mang tính truyền đạt kiến thức mà còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng để ứng dụng vào cuộc sống.

Dựa trên kinh nghiệm từ việc triển khai đào tạo khóa 1 trong học kỳ II năm học 2019-2020, học phần Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục được nhóm giảng viên bổ sung, cập nhật, điều chỉnh các nội dung thường xuyên trong những năm tiếp theo. Nhà trường sẽ triển khai giảng dạy học phần theo 2 học kỳ trong năm, chú trọng mời các giảng viên trong và ngoài trường tham gia giảng dạy học phần, Mở các chuyên đề giới thiệu về chứng chỉ tin học theo thông tư 03 và MOS, IC3. Đặc biệt, môn học sẽ có các ICT Tutors do sinh viên phụ trách để hướng dẫn việc học tập và xây dựng nhóm cộng đồng CNTT-TT. Với những định hướng này sẽ là nền tảng để tiếp tục giảng dạy Công nghệ thông tin và Truyền thông đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận