NHỮNG BĂN KHOĂN VỀ ĐỔI MỚI? – Diễn đàn SCI-CHAT

NHỮNG BĂN KHOĂN VỀ ĐỔI MỚI?


NHỮNG BĂN KHOĂN VỀ ĐỔI MỚI?

Dưới đây là những bối rối mà giáo viên có thể có trong quá trình giảng dạy và những câu trả lời tham khảo từ những đồng nghiệp khác.

1. Tôi vẫn luôn tìm tòi và thay đổi phương pháp dạy qua mỗi buổi học. Vậy điều này khác gì với “đổi mới sáng tạo”?

Khi các thầy/cô liên tục tìm và thay đổi phương pháp dạy như vậy cũng đã thể hiện tư duy đổi mới sáng tạo rồi. Chúng ta cần nghĩ “đổi mới sáng tạo” không phải cái gì đó quá to tát mà chỉ cần những thay đổi nhỏ trong cách dạy, hoạt động và nhất là trong tư duy “muốn thay đổi để tốt hơn” của các thầy cô đã có thể được coi là “đổi mới sáng tạo”. Tuy nhiên, để khái niệm này trọn vẹn hơn thì chúng ta cần nắm được và sử dụng được các công cụ sáng tạo, chẳng hạn như công cụ Tư duy thiết kế (Design Thinking) hay các công cụ có sử dụng tích hợp công nghệ như Kahoot, Google Classrooms,…

2. Nếu đổi mới sáng tạo, tôi nên bắt đầu từ đâu?

Như đã chia sẻ ở trên, đó là chúng ta phải thay đổi tư duy của chính chúng ta trước tiên rằng chúng ta hoàn toàn có thể đổi mới và sáng tạo được đối với bất kì môn học nào và trong mọi hoàn cảnh. Khi đã có tư duy mở, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thay đổi, chúng ta sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, hãy thử những cách thức khác để cho kết quả khác. Chẳng hạn như bình thường, các thầy cô vẫn cho lớp ngồi theo dãy bàn có sẵn, chúng ta hãy đến lớp sớm hơn để kê bàn ghế lại theo mô hình linh hoạt hơn để tạo 1 số hoạt động nhóm. Hoặc bình thường chúng ta giảng bài bằng cách thuyết trình lý thuyết, ta sẽ chia nhóm, trao quyền cho các bạn SV phụ trách các phần giảng lại cho nhau dưới nhiều hình thức như Talk show, Gallery walk,… Một gợi ý nữa là hãy tham gia kết nối với các nhóm giảng viên đang thực hành đổi mới sáng tạo (ví dụ nhóm VIBE-VNU) hoặc các cộng đồng phát triển chuyên môn, chắc chắn bạn sẽ học được 1 điều gì đó để bắt đầu áp dụng vào thực tế giảng dạy của mình.

3. Nếu tổ chức không đổi mới, cá nhân tôi đổi mới có ích gì không?

Bạn sẽ may mắn hơn nếu bạn được làm việc trong một tổ chức có nhiều hoạt động đổi mới và lãnh đạo là những người tiên phong trong lĩnh vực đổi mới, nhưng rõ ràng không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự may mắn đó. Tuy nhiên, hãy nhớ một điều rằng mọi sự thay đổi tích cực của cá nhân bạn thì người hưởng lợi đầu tiên chính là bạn, sau đó đến sinh viên và tiếp theo mới đến tổ chức. Hãy hình dung nếu bạn có một giờ dạy đổi mới, sáng tạo và thú vị thì trước tiên bạn sẽ thấy vui và hài lòng với chính bản thân bạn. Hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên đó là mang lại niềm vui và một giá trị nào đó cho học trò. Ngoài ra, việc bạn đổi mới sáng tạo sẽ dần dần có tác động đến những người xung quanh, những người trong tổ chức của bạn, có thể từ những điều đó sẽ tác động đến tổ chức. Nhưng hãy luôn nhớ rằng người hưởng lợi và xứng đáng nhận được niềm vui và giá trị mới chính là bản thân bạn.

4. Điều gì để đánh giá cho việc tôi đã đổi mới thành công?

Đúng là chưa có thước đo cụ thể để đánh giá được sự thành công của việc các thầy cô đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tôi vẫn rất nhớ có lần cô Suzi Jarvis- Giám đốc Học viện Sáng tạo của trường Đại học Dublin có chia sẻ: nếu bạn quan sát thấy sinh viên của mình đến lớp đều đặn hơn, sinh viên ít ngủ gật trong lớp hơn, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động hơn,…chỉ đơn giản vậy thôi, đó là bạn đã thành công.

5. Tôi cho rằng đổi mới là quá trình chứ không phải kết quả, điều này có đúng không?

Đúng vậy, đổi mới là một quá trình liên tục, không ngừng tư duy, không ngừng tạo ra các cách thức khác để có kết quả khác tốt hơn. Trong quá trình đó, bạn có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo khác nhau, nhưng nếu chỉ dừng lại ở các sản phẩm nhất định trong thời gian nhất định thì sẽ không còn là đổi mới nữa vì có những thứ ta làm lúc này là mới nhưng có thể một thời gian nữa sẽ không còn mới hoặc nhàm chán. Do đó, nếu không có quá trình thay đổi, tư duy liên tục thì sẽ khó duy trì được tinh thần đổi mới.

6. Khi đổi mới sáng tạo tôi cần phải giữ lại những gì và bỏ đi những gì?

Đổi mới sáng tạo không hẳn là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ và làm những thứ hoàn toàn mới, mà quan trọng làm mới những thứ cũ. Lại lấy ví dụ về phòng học, giảng viên không nhất thiết phải được dạy trong phòng học hiện đại, bàn ghế thông minh được xếp theo các mô hình chuẩn mà giáo viên hoàn toàn có thể kê lại bản ghế theo mục đích sử dụng của mình. Hãy tư duy về những tài nguyên, nguồn lực mình có sẵn trong tay và sáng tạo từ chính những thứ mình có. Tôi còn nhớ sau khóa học VIBE, chúng tôi rất muốn áp dụng hoạt động Lego vịt vào trong giờ học, nhưng chúng tôi rất khó tìm mua bộ lego tại Việt Nam, nếu đặt hàng thì chi phí rất đắt, 2 người bạn của tôi đã nghĩ ra cách, tạo các mảnh ghép bằng giấy thể hiện các từ khóa khác nhau để HS kết nối thành 1 câu chuyện, hay sử dụng các mảnh ghép trong trò chơi “Trí uẩn” dễ in ở trên mạng và cắt ra cho SV chơi để tạo các hình khối khác nhau. Các hoạt động này cuối cùng vẫn một phần nào đó đạt được mục đích giống như lắp ráp lego. Đôi khi sự thiếu thốn đó mới chính là điều kiện rất tốt để các thầy cô nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận