Hội thảo khoa học quốc tế: “Bước tiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam” – Diễn đàn SCI-CHAT

Hội thảo khoa học quốc tế: “Bước tiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam”


Từ ngày 24 đến ngày 25/10/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bước tiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam” tại hội trường Sunwah.

Tham dự hội thảo có về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng, đại diện các đơn vị trực thuộc trường, học viên cao học và sinh viên quan tâm. Hội thảo còn có sự góp mặt của ông Woo Hyoung Min – Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, GS. TS. Mai Ngọc Chừ – Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam, GS. TS. NGND. Lê Quang Thiêm – Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đại diện các trường đại học quốc tế và trong nước có đào tạo tiếng Hàn, đại diện các trung tâm tiếng Hàn tại Việt Nam, báo Yonhap và các đại biểu quan tâm.

Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 25 trường Đại học và Cao đẳng đang giảng dạy tiếng Hàn, với hàng vạn sinh viên chính quy ngành tiếng Hàn và Hàn Quốc học được đào tạo hàng năm. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với truyền thống giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc đến nay đã được 24 năm, vinh dự và tự hào là một trong những trường đại học đưa vào giảng dạy chương trình thạc sĩ ngôn ngữ Hàn Quốc đầu tiên trong cả nước. Với việc đưa chương trình Sau đại học này vào giảng dạy, có thể nói Nhà trường là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đang giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc một cách hệ thống nhất, từ bậc phổ thông, đại học cho đến sau đại học. Tính đến thời điểm này, tổng số sinh viên hệ chính quy ngành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc của Nhà trường đã đạt đến gần 600 em, nếu tính số lượng người học tiếng Hàn tại trường Chuyên Ngoại ngữ, chương trình ngoại ngữ 2, các chương trình liên kết, học viên Trung tâm Sejong Hà Nội 2, thì hiện có khoảng 1.500 người học tiếng Hàn tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

“Trong thời gian gần đây, Khoa NN&VH Hàn Quốc của Trường đã và đang là đầu mối như một lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng các chương trình giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam như Chương trình dạy – học tiếng Hàn tại trường phổ thông của Việt Nam, chương trình Tiếng Hàn sư phạm, Tiếng Hàn Chất lượng cao theo thông tư 23, biên soạn sách giáo khoa tiếng Hàn dành cho học sinh phổ thông… Đội ngũ các chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc của trường không những làm tốt vai trò giảng dạy, nghiên cứu tại trường, mà còn tích cực góp phần hỗ trợ tư vấn, xây dựng các chương trình mới liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc của khu vực miền Bắc Việt Nam…”, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu chúc mừng, ông Woo Hyoung Min – Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá cao vai trò của các thầy cô ULIS trong việc phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam mong rằng các đại biểu sẽ tích cực chia sẻ, trao đổi các nghiên cứu, quan điểm tại hội thảo.

Trưởng Đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam Woo Hyoung Min chúc mừng Trường Đại học Ngoại ngữ trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc

Sau phần diễn văn chúc mừng là lễ khai giảng khóa đào tạo thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc. Năm 2018 là một năm đáng ghi nhớ của hoạt động đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam khi Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc đầu tiên trên cả nước. (Xem thêm về lễ khai giảng tại ĐÂY).

Các học viên CTĐT thạc sĩ Ngôn ngữ Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam

GS. Lee Hai Young đến từ Trường Đại học Ehwa là diễn giả chính của hội thảo. Bài trình bày về “Phương pháp và nghiên cứu thụ đắc ngữ dụng” của bà đã chỉ ra rằng phát ngôn hoặc hiểu hành vi ngôn ngữ tiếng Hàn một cách đúng đắn và phù hợp không phải là điều dễ dàng với người học là người nước ngoài. Người học tiếng Hàn thường chọn phương thức chuyển di ngữ dụng từ tiếng mẹ đẻ của bản thân trong trường hợp họ gặp khó khăn khi quyết định phải sử dụng chiến lược và biểu hiện ngôn ngữ nào để thực hiện hành vi ngôn ngữ tiếng Hàn. Tuy nhiên, những trường hợp chiến lược và biểu hiện ngôn ngữ nào để thực hiện hành vi không tương ứng với ngôn ngữ dịch sẽ dẫn đến các lỗi về mặt ngữ dụng. Bởi vậy, quan điểm cho rằng lỗi ngữ dụng trong thụ đắc ngôn ngữ thứ hai phải được coi là một hiện tượng xuất phát từ sự khác biệt trong giao tiếp giữa các nền văn hóa càng có thêm sức thuyết phục. Muốn đề cập đến các hiện tượng ngữ dụng tiếng Hàn trong quá trình giảng dạy tại lớp học, việc phân tích các thực thể là điều cần thiết. Để có thể giảng dạy hiện tượng ngữ dụng tại lớp học, trước hết phải biết được hiện tượng ngữ dụng cần phải giảng dạy là gì. Nếu những nhà nghiên cứu có khả năng phân tích về tiếng Việt có thể tích lũy kết quả nghiên cứu về thụ tức ngữ dụng dành cho người Việt Nam học tiếng Hàn thì có thể giải quyết phần nào vấn đề này.

GS. Lee Hai Young

Hội thảo còn có 3 giáo sư nước ngoài khác tham gia báo cáo là GS. Han Young Gyun – Đại học Yonsei về “Quy tắc sử dụng chữ viết tiếng Hàn chuẩn cùng việc giáo dục chữ Hán và chữ Hán – Hàn”, GS. Lee Jeong Hee – Đại học KyungHee về “Phương hướng phát triển công cụ đánh giá năng lực tiếng Hàn cho đối tượng học thuật”, GS. Supaporn Boonrung – Đại học Chulalonkorn về “Thực trạng giáo dục tiếng Hàn tại các trường đại học của Thái Lan”.

Hội thảo đã chia làm 3 tiểu ban về 3 chủ đề “Ngôn ngữ Hàn Quốc”, “Hàn Quốc học” và “Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn”. Với 12 báo cáo, các đại biểu đã được tiếp cận và trao đổi về nhiều chủ đề thú vị, liên quan trực tiếp đến chủ đề hội thảo, có thể kể đến như: “Phương tiện biểu hiện kính ngữ tiếng Hàn qua phương thức thay thế từ vựng (xét trong mối tương quan với tiếng Việt)”, “Ý nghĩa giáo huấn qua tục ngữ ẩm thực Hàn Quốc và nét tương đồng khi liên hệ tục ngữ Việt Nam”, “Định hướng phát triển sự nghiệp giáo dục Hàn Quốc học tại Việt Nam”, “Phương án giảng dạy kính ngữ trong tiếng Hàn đến đối tượng người học Việt Nam”, “Ứng dụng kỹ năng thay đổi cách viết Paraphrasing vào hoạt động dạy – học ngữ pháp tiếng Hàn”, “Nghiên cứu xây dựng đề cương học phần Tiếng Hàn phim ảnh cho sinh viên Việt Nam chuyên ngành tiếng Hàn”,…

Hội thảo khoa học quốc tế “Bước tiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam” khép lại sau phần báo cáo sôi nổi tại các tiểu ban. Hội thảo thu hút hơn 80 đại biểu tham dự đã để lại ấn tượng tích cực về công tác tổ chức, nội dung đề tài, trình bày và phản biện.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Leave a reply

  • Comments (0)
Theo dõi
Thông báo của
guest


0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận