ĐỔI MỚI: GIÁO VIÊN NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Tác giả: Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
Tóm tắt: Connelly và Clandinin (1986, 1999, 2000, 2006) đã phát triển hình thức nghiên cứu tường thuật chiêm nghiệm (narrative inquiry) cho mục đích giáo dục. Cốt lõi của phương pháp này bắt nguồn từ lý thuyết trải nghiệm (theory of experience) của nhà giáo dục Dewey (1938, 1991): con người học hỏi từ việc phản tỉnh những trải nghiệm, đương đầu với những điều chưa biết, cảm nhận về điều đó và hành động. Bài nghiên cứu tường thuật trải nghiệm của chúng tôi dựa trên thực tế học tập, giảng dạy của cá nhân kể từ khi chúng tôi đặt mục tiêu đổi mới đến nay là 9 năm. Trong quá trình đó, chúng tôi may mắn gặp được rất nhiều lý thuyết dẫn đường. Cũng có lúc gặp khó khăn phải dừng lại tìm các cách tháo gỡ rất lâu, đã từng cảm giác chán nản và yếu đuối, nhưng chúng tôi tiếp tục đi từng bước nhỏ vừa sức và không bỏ cuộc. Nhờ đó chúng tôi tìm thấy lại được tự tin và sự gắn bó với công việc. Kết quả nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của việc giáo viên cần có tư duy đổi mới, chiến lược đổi mới và xây dựng thói quen đổi mới để việc này diễn ra dễ dàng và tự nhiên như chúng ta đang khỏe mạnh hít vào và thở ra mỗi ngày.
Từ khóa: nghiên cứu tường thuật chiêm nghiệm, lý thuyết trải nghiệm, phản tỉnh, đổi mới
INNOVATION: HOW SHOULD TEACHERS START UP?
Nguyễn Thị Hằng Nga, Ulis, VNU
Connelly and Clandinin (1986, 1999, 2000, 2006) have developed narrative inquiry for educational purposes. The core of this approach stems from John Dewey’s Philosophy of Experience and Education (1938, 1991) that mentioned learning from reflecting experiences, coping with unknowns, recognizing and taking action. Our narrative inquiry research has based on our true individual learning and teaching practices since we set the innovation goal 9 years ago. During the time, we were well-blessed to get engaged in desired guiding theories. There also were times when it was too tough and we had to stop to search for alternative answers. We used to feel frustrated and demotivated, but in resilience we keep moving slowly without giving up. As a result, we have explored the better capacity, confidence and commitment to innovation. This study aims at highlighting teacher’s innovative mind, innovation strategies and innovation habits so that innovation happens as easily and naturally as we healthy bodies are breathing in and out every day.
Keywords: narrative inquiry research, experience and education, reflection, innovation
- MỞ ĐẦU
Việc sử dụng tự truyện (autobiographical narrative) như một phương pháp nghiên cứu ngày càng được công nhận trong khoa học xã hội và nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng trong vài thập kỷ qua (Barkhuizen, et al., 2014; Pavlenko, 2007; Coffey, 2014). Coffey (2014, p. 1) Borg (2013) khuyến khích sử dụng các câu chuyện tự truyện để khám phá kinh nghiệm của giáo viên trong các lớp học và trường học (trích dẫn bởi L.V. Canh, 2018). M.N.Khôi (2018) cũng ủng hộ nghiên cứu tường thuật về giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo viên chiêm nghiệm và chia sẻ. Qua đó, giáo viên nhận thức rõ hơn về bản thân, trân trọng những gì đã đạt được và trưởng thành trong chuyên môn. Connelly và Clandinin (1986, 1999, 2000, 2006) đã phát triển hình thức nghiên cứu tường thuật chiêm nghiệm (narrative inquiry) cho mục đích giáo dục. Cốt lõi của phương pháp này bắt nguồn từ lý thuyết trải nghiệm (theory of experience) của nhà giáo dục Dewey (1938, 1991) : con người học hỏi từ việc phản tỉnh những trải nghiệm, đương đầu với những điều chưa biết, cảm nhận về điều đó và hành động (trích dẫn bởi M.N.Khôi, 2018)
Trong năm 2019, do có cơ hội tham gia các chương trình phát triển nghiệp vụ của giáo viên/ giảng viên, được tiếp xúc với hàng nghìn đồng nghiệp, quan sát và lắng nghe họ, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người dạy chủ động nhận trách nhiệm đổi mới về mình, nỗ lực đổi mới. Nhưng không ít người nhanh chóng chán nản, né tránh và ngày càng thiếu tin tưởng vào hiệu quả của đổi mới và cảm nhận về khái niệm này như một gánh nặng chất thêm lên cuộc sống vốn đã bận rộn và nhiều trách nhiệm. Chúng tôi viết nghiên cứu này nhằm chỉ ra những trải nghiệm chúng tôi đã có từ việc xác định tư tưởng đổi mới, tìm ra chiến lược đổi mới và cứ cần mẫn theo cách đó: mệt thì dừng lại nghỉ không nên để mệt đến mức bỏ cuộc, đạt được thành tích 1,2,3 rồi thì vẫn tiếp tục đi để có 7,8,9,… Đến một ngưỡng nào đó, đổi mới thành thói quen trong toàn bộ cuộc sống và diễn ra dễ dàng, tự nhiên như chúng ta đang khỏe mạnh hít vào và thở ra mỗi ngày.
- NỘI DUNG
Trong phần này chúng tôi sẽ trình bày những kiến thức thực tế về đổi mới theo trình tự thời gian một cách tương đối: từ khi một giáo viên tiếp nhận thuật ngữ đổi mới, tìm hiểu cách làm, băn khoăn,…cho đến lúc họ bắt tay vào đổi mới, cải tạo chính bối cảnh lớp học của họ.
- Thế nào là giáo viên đổi mới?
Là giáo viên đưa ý tưởng mới vào thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn hoặc cải thiện nghề nghiệp của mình. Ví dụ như làm cho bản thân thích công việc hơn, bài giảng dễ hiểu hơn, cập nhật hơn, người học hào hứng học tập hơn, chăm chỉ hơn,….
- Sáng tạo và Đổi mới có khác nhau không?
Sáng tạo liên quan đến trí tưởng tượng (imagination), đổi mới liên quan đến hành động thực hiện (implementation). Chúng ta cần sáng tạo để có ý tưởng mới hoặc sáng tạo để chọn ra ý tưởng từ người khác rồi triển khai ý tưởng đó. Đổi mới hàm chứa Sáng tạo. Sáng tạo cần EQ hơn IQ nhưng đổi mới cần nhất AQ là chỉ số vượt khó vì chúng ta phải sáng tạo nhiều lần nhiều cách và quyết tâm triển khai ý tưởng bằng hành động thực tế.
- Cơ hội nào dẫn đến sự đổi mới của giáo viên?
Cơ hội có thể nằm ẩn sau một thứ rất khó chịu và phiền hà. Nó có tên thường gọi là khó khăn, rắc rối, hoặc bế tắc. Nhưng nếu chúng ta không chấp nhận thực tế này, và không tìm kiếm cơ hội trong sự khó khăn, thì chúng ta có vẻ sẽ không khám phá ra cơ hội. Một số giáo viên chúng tôi biết không thấy cần thiết phải đổi mới gì cả vì họ chưa nhìn thấy khó khăn bế tắc gì trong công việc. Và mọi thứ cứ đều đều ổn định trong nhiều năm. Cơ hội cũng đến từ những thứ như kiến thức bạn biết, người bạn gặp, một hoàn cảnh bạn tham gia…
- Làm thế nào để giáo viên nhận ra khó khăn trong công việc của họ?
À, trước hết chúng ta cần đặt câu hỏi “Nhận ra” có phải là một kỹ năng không.
- “Nhận ra” có phải là một kỹ năng không?
Nhận ra gồm cả sense và recognize. Ví dụ, đôi khi ta có khó khăn nhưng ta không cảm thấy (sense) khó và không nhận ra (recognize) khó. Hoặc là, đôi khi chúng ta làm được một việc rất ý nghĩa với người học, học sinh phản hồi và chúng ta nhận ra việc làm của mình hữu ích. Trong đa số trường hợp khi không có phản hồi bên ngoài, chúng ta thường không nhận ra. Và quá trình nhận ra khó khăn cũng như vậy. Thế nên nhận ra cũng là kỹ năng cần rèn luyện hàng ngày. Kỹ năng này đòi hỏi chúng ta chú tâm đến lớp học, chương trình học, đến người học, đến bản thân mình,….. Khi luyện được kỹ năng này, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều khó khăn hơn để đổi mới, đồng thời cũng khám phá ra nhiều sự cải thiện dù nhỏ trong bối cảnh dạy học của cá nhân và có động lực đều đặn để tiếp tục.
- Khi nhận ra khó khăn rồi thì làm gì tiếp theo?
Đưa ý tưởng mới vào thực hiện là đang đổi mới rồi cho dù chưa ra kết quả ngay. Ví dụ, khó khăn là sinh viên sợ kỹ năng nghe. Giáo viên tìm ý tưởng mới bằng cách tìm đọc về dạy nghe và áp dụng kiên trì. Nếu người học chán nản thì tìm hiểu về các cách cải thiện động lực như đặt mục tiêu cho quá trình luyện kỹ năng, lập kế hoạch luyện nghe đều đặn, khuyến khích sinh viên tìm bạn học để học cùng nhau thường xuyên. Kết hợp kỹ năng nghe với kỹ năng viết và nói về cùng chủ đề sau khi nghe.
- Thời gian đổi mới thành công bao lâu?
Khó có câu trả lời cụ thể. Đôi khi cả kỳ học 60-75 tiết, giáo viên mới có thể giúp người học xây dựng được thói quen và chiến lược học tập kỹ năng nghe. Cũng có thể mấy kỳ học với mấy lớp học, giáo viên mới định hình rõ chiến lược và hướng dẫn người học. Nhưng không sao, mỗi năm chúng ta đổi mới một chút và chẳng hạn sau 3 năm ta có nhiều thành tựu đổi mới.
- Muốn đổi mới nhanh hơn thì làm thế nào?
Như đã nói ở trên, giáo viên cần 2 điều kiện là nhận ra khó khăn trong giảng dạy và đưa ý tưởng mới vào để giải quyết khó khăn. Nhận ra khó khăn cũng cần thời gian và sự chú tâm: giáo viên càng quan tâm đến lớp học thì càng nhanh nhận ra các khó khăn. Tiếp đến, giáo viên càng kết nối với các nguồn ý tưởng mới như đồng nghiệp, chuyên gia, sách, báo, tạp chí thì càng sẵn ý tưởng để đưa vào thực hiện.
- Có nên xác định một khó khăn để giải quyết dựa vào việc xác định thế mạnh của cá nhân giáo viên hay không?
Rất nên. Khi giáo viên giỏi và có thế mạnh về nội dung, lĩnh vực gì đó mà cải thiện người học, lớp học theo hướng đó, giáo viên sẽ đạt được kết quả rõ nét trong thời gian ngắn hơn. Và nhờ các thành tích này, họ lại tiếp tục đổi mới.
- Đổi mới sẽ làm giáo viên trở nên quá tải?
Tưởng là thế nhưng đổi mới là câu chuyện của trí não. Ví dụ, nếu không có chiếc điện thoại thì việc báo tin cho nhau và gặp gỡ nhau tốn rất nhiều thời gian và ta còn phải vận động vất vả. Khi đã phát minh ra điện thoại thì chúng ta lãi về nhiều mặt dù chỉ tốn ít chất xám. Đến lúc nào đó, chúng ta thấy đổi mới là có lãi về thời gian, sức lực và hiệu quả. Thử làm phép so sánh dạy người học hoàn thành các bài tập nghe và dạy người học hoàn thành bài tập nghe kết hợp chỉ ra ý nghĩa của hoạt động nghe, hướng dẫn chiến lược cải thiện kỹ năng này, tạo bầu không khí học tập tích cực về cảm xúc, tương tác xã hội và cung cấp đủ tài liệu tự học một cách thuận tiện,…. Rõ ràng giai đoạn đầu giáo viên phải nỗ lực và bận rộn nhiều hơn nhưng đến ngưỡng nhất định họ sẽ tốn sức ít hơn, hiệu quả cao hơn và động lực theo đó gia tăng.
- Ngưỡng có cụ thể được không?
Ngưỡng là một dấu mốc tương đối đánh dấu thay đổi đủ về lượng sẽ thay đổi về chất. Tức là chúng ta cần duy trì một cách làm nhắm tới một mục tiêu trong một thời gian nhất định. Để dễ hình dung, tạm mượn các tỉ lệ sau:
– 80/20 là khi chưa đạt ngưỡng, cần nỗ lực 80 nhưng kết quả thu được là 20
– 20/80 là khi chạm và vượt ngưỡng chỉ nỗ lực 20 nhưng kết quả thu được cao tới 80
- Một số giáo viên nói rằng quá bận không có thời gian đổi mới?
Đúng là đổi mới ban đầu khiến cho chúng ta bận rộn hơn. Nhưng nếu quá bận không có thời gian dừng lại để kiểm tra xem hệ thống của cá nhân mình, lớp học của mình không ổn chỗ nào, gặp trục trặc gì để sửa chữa và giải quyết thì đến một lúc nào đó sẽ phải dừng lại. Giống như chiếc xe máy vậy: nếu không có thời gian thay dầu cho xe, đến lúc sự cố chúng ta vẫn phải dừng lại.
Một dụ ngôn kể rằng, 2 người nông dân đang hì hục đẩy xe hàng một cách khó nhọc và kiên trì. Có người thấy vậy gọi họ đến tặng cho họ những bánh xe hình tròn để thay thế các bánh xe hình vuông mà họ quen sử dụng bấy lâu nay. Thế nhưng họ đã từ chối lời mời tặng vì họ đang quá bận rộn với công việc cũ và họ không tin rằng đang có những sự thay đổi làm cho họ bớt bận rộn và cho hiệu suất làm việc cao hơn (Hình phía trên).
- Sự cố trong nghề nghiệp có thể là cơ hội đổi mới không?
Sự cố luôn ẩn chứa cơ hội. Nhưng sự cố đề cập ở câu trước là sự cố lớn so với những khó khăn mà chúng ta đã bàn phía trên- là những khó khăn nhỏ phải nỗ lực, phải chú tâm mới nhận ra. Khi gặp sự cố lớn, cần một nỗ lực lớn tương ứng để giải quyết. Thường thì cá nhân nên tận dụng cơ hội của tổ chức như nhóm đồng nghiệp thân thiết, bộ môn, khoa, trường để hóa giải tình huống này. Cũng có nơi, tổ chức và các đồng nghiệp chậm đổi mới sẽ vô tình gây ra lực cản cho cá nhân đổi mới. Khi đó, giáo viên phải vượt ra xa hơn để tự gắn mình vào những cộng đồng giàu sức sống mới như MIE Experts Việtnam, VietTESOL, Teacher Voices, English Educators in Vietnam,..
- Đổi mới có ứng dụng gì trong đời sống riêng của giáo viên và hơn thế?
Đổi mới không chỉ là kết quả hay quá trình. Đổi mới là lối sống, cách sống. Như đã nói ở trên, đổi mới là làm cho ý tưởng mới thành hiện thực để cải tạo tình trạng hiện tại. Một giáo viên đổi mới sẽ có thói quen đổi mới trong gia đình, trong tình bạn, trong phát triển bản thân, trong giao tiếp, trong tình yêu, nuôi dạy con cái, giải trí, nấu ăn, …
Nỗ lực đổi mới hình thành tư duy đổi mới của giáo viên, tạo ra kết quả đổi mới bản thân giáo viên và lớp học của họ. Trong môi trường đổi mới đó, người học nhận ảnh hưởng và tư duy của họ cũng có xu hướng đổi mới. Đổi mới tạo ra các tác động lan truyền Domino.
- Nếu đổi mới thất bại thì sao?
Thất bại cũng là một khó khăn trong tiến trình đổi mới mà thôi. Thất bại sẽ giúp chúng ta chú tâm hơn trong việc điều chỉnh cách làm.
- Đổi mới chỉ xảy ra đối với người có đam mê nghề nghiệp?
Không đúng. Đổi mới là đưa ý tưởng mới vào cải thiện thực tế không theo lối mòn cũ. Sau một thời gian nhất định nỗ lực hành động, người đổi mới sẽ chứng kiến thành tích đạt được, từ đó có động lực và gắn bó với nghề nghiệp. Càng đổi mới, càng nuôi lớn động lực đổi mới. (Giả sử người dạy được đảm bảo thu nhập tối thiểu)
- Đổi mới chỉ xảy ra đối với người giỏi?
Không đúng. Chính đổi mới có thể giúp chúng ta trở nên giỏi. Đổi mới gần khái niệm phát triển, tiến hóa của muôn loài và vũ trụ. Xã hội văn minh của chúng ta đã phát triển lên từ xã hội kém văn minh. Đổi mới giúp ta không ngủ vùi với sự hiểu biết và các kỹ năng có thể đã cùn mòn cần từ bỏ (unlearn) để tiếp tục học (relearn, uplearn) những thứ mới cần thiết trong bối cảnh mới.
- Đổi mới rồi mà vẫn cảm thấy lạc hậu so với người khác thì sao?
Thì tiếp tục đổi mới. Thực chất đổi mới không có điểm dừng, không có mức ĐỦ. Đổi mới là lối sống. Lối sống này tạo ra các kết quả chứ đổi mới không phải là kết quả. Nếu sự so sánh với người khác cho ta cái nhìn tích cực, tạo hình mẫu để ta học hỏi thì tốt vì so sánh chính là một cách làm khoa học giúp ta nhận ra cái hay của người khác để làm theo và nhận ra điểm đáng giá của mình để duy trì động lực; Nếu so sánh tiêu cực làm ta chán nản thì nên dừng so sánh. Chỉ cần nhận biết ta đã mới hơn chính ta của hôm qua là được.
19. Nếu chưa ra nước ngoài học tập/công tác thì có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để đổi mới không?
Cơ thể chúng ta bị giới hạn nơi ta có thể đến nhưng tâm trí thì không. Chúng ta có thể gặp gỡ và học hỏi các bậc thầy, các chuyên gia trong tổ chức của mình, hoặc từ các tổ chức khác khắp thế giới qua kênh nghe, nhìn, đọc. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của việc đọc các bài viết chuyên ngành ở các tạp chí quốc gia, tham gia hội thảo, theo dõi trang cá nhân trên mạng xã hội của các nhà chuyên môn,…
- Bước đầu tiên giáo viên cần làm để đổi mới ngay sau khi đọc bài báo này?
Bắt đầu ngay không chờ đến ngày mai. Ví dụ, lấy cuốn sổ nhỏ ghi ra những khó khăn mà mình nhận định được trong lớp học của mình. Hôm nay hoặc ngày mai đến lớp xác nhận lại điều đó và chọn 1 vấn đề và chọn ra 1ý tưởng để giải quyết. Đọc lại câu 6 và câu 9 để chọn ý tưởng khả thi nhất.
- KẾT LUẬN
Mục đích nghiên cứu này của chúng tôi là mô tả các trải nghiệm, quan sát và phản tỉnh về quá trình đổi mới nghề nghiệp và cuộc sống, từ đó cung cấp thêm thông tin cho đồng nghiệp để họ có thể giảm băn khoăn và tăng niềm tin trên hành trình đổi mới.
Hạn chế của nghiên cứu này là quan điểm cá nhân chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các quan điểm của chúng tôi có nền tảng từ các lý thuyết chúng tôi đã tiếp cận, dựa trên cơ sở thực tiễn từ kết quả tương tác và quan sát hàng nghìn đồng nghiệp là giáo viên và giảng viên tiếng Anh.
Sau nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn nghe được nhiều trải nghiệm đổi mới đa dạng từ các đồng nghiệp. Những khó khăn của họ khiến chúng ta thêm đồng cảm và nỗ lực san sẻ, những thành tựu của họ khiến chúng ta vui mừng học hỏi. Khi đó, trên con đường đổi mới vô tận, giáo viên chúng ta luôn tìm thấy những người bạn đồng hành tin cậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Văn Canh. (2018). Hồi ký tự thuật về con đường chuyên môn của tôi. Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 34, Số 5, 1-11
- Mai Ngọc Khôi. (2018). Cây cuộc đời: giáo viên tiếng Anh chiêm nghiệm về quá trình giảng dạy. Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 34, Số 5, 103-115
- Báo cáo giáo dục ngoại ngữ thường niên năm. (2016). Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.
- Báo cáo giáo dục ngoại ngữ thường niên năm. (2017). Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.
- Báo cáo giáo dục ngoại ngữ thường niên năm. (2018). Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.