ĐỔI MỚI: GIÁO VIÊN NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Bài viết này là đúc kết của cá nhân dựa trên kết quả thực tế kể từ khi chúng tôi đặt mục tiêu và thực hiện đổi mới giảng dạy. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể hữu ích đối với các đồng nghiệp.
- Thế nào là giáo viên đổi mới?
Là giáo viên đưa ý tưởng mới vào thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn hoặc cải thiện nghề nghiệp của mình. Ví dụ như làm cho bản thân thích công việc hơn, bài giảng dễ hiểu hơn, cập nhật hơn, người học hào hứng học tập hơn, chăm chỉ hơn,….
2. Sáng tạo và Đổi mới có khác nhau không?
Sáng tạo liên quan đến trí tưởng tượng (imagination), đổi mới liên quan đến hành động thực hiện (implementation). Chúng ta cần sáng tạo để có ý tưởng mới hoặc sáng tạo để chọn ra ý tưởng từ người khác rồi triển khai ý tưởng đó. Đổi mới hàm chứa Sáng tạo.
3. Cơ hội nào dẫn đến sự đổi mới của giáo viên?
Cơ hội nằm ẩn sau một thứ rất khó chịu và phiền hà. Nó có tên thường gọi là khó khăn, rắc rối, hoặc bế tắc. Nhưng nếu chúng ta không chấp nhận thực tế này, và không tìm kiếm cơ hội trong sự khó khăn, thì chúng ta có vẻ sẽ không khám phá ra cơ hội. Một số giáo viên chúng tôi biết không thấy cần thiết phải đổi mới gì cả vì họ chưa nhìn thấy khó khăn bế tắc gì trong công việc. Và mọi thứ cứ đều đều ổn định trong nhiều năm.
4.Làm thế nào để giáo viên nhận ra khó khăn trong công việc của họ?
À, trước hết chúng ta cần đặt câu hỏi “Nhận ra” có phải là một kỹ năng không.
5.“Nhận ra” có phải là một kỹ năng không?
Tiếng Anh gọi thuật ngữ này là Sense. Đôi khi ta có khó khăn nhưng ta không nhận ra nó. Đôi khi chúng ta làm được một việc rất ý nghĩa với người học, học sinh phản hồi và chúng ta nhận ra việc làm của mình hữu ích. Trong đa số trường hợp khi không có phản hồi bên ngoài, chúng ta thường không nhận ra. Và quá trình nhận ra khó khăn cũng như vậy. Thế nên nhận ra cũng là kỹ năng cần rèn luyện hàng ngày. Kỹ năng này đòi hỏi chúng ta chú tâm đến lớp học, chương trình học, đến người học, đến bản thân mình,….. Khi luyện được kỹ năng này, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều khó khăn hơn để đổi mới, đồng thời cũng khám phá ra nhiều sự cải thiện dù nhỏ trong bối cảnh dạy học của cá nhân và có động lực đều đặn để tiếp tục.
6. Khi nhận ra khó khăn rồi thì làm gì tiếp theo?
Đưa ý tưởng mới vào thực hiện là đang đổi mới rồi cho dù chưa ra kết quả ngay. Ví dụ, khó khăn là sinh viên sợ kỹ năng nghe. Giáo viên tìm ý tưởng mới bằng cách tìm đọc về dạy nghe và áp dụng kiên trì. Nếu người học chán nản thì tìm hiểu về các cách cải thiện động lực như đặt mục tiêu cho quá trình luyện kỹ năng, lập kế hoạch luyện nghe đều đặn, khuyến khích sinh viên tìm bạn học để học cùng nhau thường xuyên. Kết hợp kỹ năng nghe với kỹ năng viết và nói về cùng chủ đề sau khi nghe.
7.Đổi mới sẽ làm giáo viên trở nên quá tải?
Tưởng là thế nhưng đổi mới cũng là câu chuyện của trí não. Ví dụ, nếu không có chiếc điện thoại thì việc báo tin cho nhau và gặp gỡ nhau tốn rất nhiều thời gian. Khi đã phát minh ra điện thoại thì chúng ta lãi về thời gian. Đến lúc nào đó, chúng ta thấy đổi mới là có lãi về thời gian, sức lực và hiệu quả. Thử làm phép so sánh dạy người học hoàn thành các bài tập nghe và dạy người học hoàn thành bài tập nghe kết hợp hướng dẫn chiến lược cải thiện kỹ năng này, tạo bầu không khí học tập tích cực về cảm xúc, tương tác xã hội và cung cấp đủ tài liệu tự học một cách thuận tiện. Rõ rang, giai đoạn đầu giáo viên phải nỗ lực và bận rộn nhiều hơn nhưng đến ngưỡng nhất định họ sẽ tốn sức ít hơn, hiệu quả cao hơn do đó động lực theo đó gia tăng.
8.Một số giáo viên nói rằng quá bận không có thời gian đổi mới?
Đúng là đổi mới ban đầu khiến cho chúng ta bận rộn hơn. Nhưng nếu quá bận không có thời gian dừng lại để kiểm tra xem hệ thống của cá nhân mình, lớp học của mình không ổn chỗ nào, gặp trục trặc gì để sửa chữa và giải quyết thì đến một lúc nào đó sẽ phải dừng lại giống như chiếc xe máy vậy. Nếu không có thời gian thay dầu cho xe, đến lúc sự cố chúng ta vẫn phải dừng lại.
Một dụ ngôn kể rằng, 2 người nông dân đang mướt mồ hôi đẩy xe hàng một cách khó nhọc và kiên trì. Có người thấy vậy gọi họ đến tặng cho họ những bánh xe hình tròn để thay thế các bánh xe hình vuông mà họ quen sử dụng bấy lâu nay. Thế nhưng họ đã từ chối lời mời gọi vì họ đang quá bận rộn với công việc cũ và họ không tin rằng đang có những sự thay đổi làm cho họ bớt bận rộn và cho hiệu suất làm việc cao hơn (Hình phía dưới).
- 9.Đổi mới có ứng dụng gì trong đời sống riêng của giáo viên?
Đổi mới không phải là kết quả. Đổi mới là lối sống, cách sống. Như đã nói ở trên, đổi mới là làm cho ý tưởng mới thành hiện thực để cải tạo tình trạng hiện tại. Một giáo viên đổi mới sẽ có thói quen đổi mới trong gia đình, trong tình bạn, trong phát triển bản thân, trong giao tiếp, trong tình yêu, nuôi dạy con cái, giải trí, nấu ăn, …
10. Nếu đổi mới thất bại thì sao?
Thất bại cũng là một khó khăn trong tiến trình đổi mới mà thôi. Thất bại sẽ giúp chúng ta chú tâm hơn trong việc điều chỉnh cách làm.
(Còn nữa)