Đề án Học tập qua trải nghiệm: Một nét mới trong công tác hỗ trợ sinh viên tại ULIS – Diễn đàn SCI-CHAT

Đề án Học tập qua trải nghiệm: Một nét mới trong công tác hỗ trợ sinh viên tại ULIS


Ngày 24/7/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm giới thiệu và triển khai và đóng góp ý kiến về Đề án đổi mới thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên Trường, giai đoạn 2018-2020 do Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chủ trì.

Cùng dự với Hiệu trưởng còn có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, lãnh đạo và cán bộ Phòng CT&CTHSSV và Phòng Đào tạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng TCCB, HCTH, TT.ĐBCL, HTPT, TT.CNTT-TT&HL, TT.PTNL.

Phát biểu tại tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho biết Đề án đổi mới thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên Trường ĐHNN-ĐHQGHN, giai đoạn 2018-2020 (Tên rút gọn: Đề án học tập qua trải nghiệm – Tên tiếng Anh: The Learning by Doing Project/ LBD Project) đã được ký quyết định ban hành vào ngày 1/6 vừa qua. Buổi tọa đàm ngày hôm nay được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn quy mô nhỏ để các thầy cô đóng góp ý kiến cụ thể cho các hoạt động triển khai đề án sau này, giúp hoàn thiện hơn về mặt nội dung cho các báo cáo liên quan.

Tại tọa đàm, thầy Vũ Văn Hải – Trưởng phòng CT&CTHSSV đã giới thiệu về Đề án học tập qua trải nghiệm. Với phương châm đào tạo những cử nhân ngoại ngữ năng động, sáng tạo, trung thực, có tinh thần trách nhiệm, khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa và triết lý phát triển là “Cùng nhau kiến tạo cơ hội”, Nhà trường ý thức sâu sắc nhu cầu của việc vận động và kịp thời thay đổi với những nhu cầu xã hội dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Nhà trường mong muốn “Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo” (Điều 5, Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/06/2012). Đề án được áp dụng cho toàn bộ sinh viên chính quy trong trường nhằm khắc phục 4 hạn chế của mô hình thực tập hiện tại là: Thời lượng và thời gian thực tập chưa linh hoạt, loại hình thực tập chưa đa dạng; Chưa khai thác được tối đa sự chủ động của sinh viên trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thực tập của mình; Chưa tích hợp và có sự đánh giá đúng đắn về việc phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp trong hoạt động thực hành, thực tập; Việc tổ chức đào tạo kỹ năng mềm còn lúng túng, chưa đổi mới và sáng tạo.

Đề án học tập qua trải nghiệm có 4 định hướng cụ thể là: Tạo thay đổi căn bản về hoạt động thực hành, thực tập và đào tạo kỹ năng bổ trợ tại trường theo hướng đẩy mạnh việc tích hợp đào tạo kỹ năng bỏ trợ trong chính hoạt động thực hành, thực tập; Tăng cường sự tích cực của sinh viên trong việc tự rèn luyện kỹ năng bổ trợ, xây dựng thái độ làm việc nghiêm túc và tính chủ động trong tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm; Nâng cao ý thức của cán bộ, giảng viên về vai trò đồng hành cùng sinh viên tạo điều kiện tối đa để sinh viên được rèn luyện trong môi trường phát triển năng lực, phẩm chất, thái độ bản thân; Tăng cường kết nối doanh nghiệp, kết nối các cơ sở giáo dục đào tạo và đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đào tạo kỹ năng bổ trợ và giới thiệu các hoạt động kiến tập, các công việc thực tập có trả lương.

Mục tiêu chung của đề án là đổi mới hoạt động thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên trường thông qua việc xây dựng Hồ sơ thực tập theo hướng tích hợp các hoạt động, tạo ra môi trường rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và thái độ đồng thời nâng cao tính chủ động, tích cực của sinh viên nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên trong quá trình học tập và ngay sau khi ra trường. Để thực hiện được mục tiêu, Nhà trường sẽ tiến hành các công việc cụ thể bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất thay đổi các cơ chế chính sách, các quy định liên quan đến hoạt động thực hành, thực tập và rèn luyện kỹ năng bổ trợ; Ban hành hướng dẫn, quy định về Hồ sơ thực tập; Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá hoạt động thực hành, thực tập và rèn luyện kỹ năng bổ trợ; Mở rộng danh sách các địa chỉ thực tập.

Nhìn chung, Đề án học tập qua trải nghiệm bao gồm 5 nội dung (từ khóa) quan trọng là “Học đi đôi với hành”, “Hồ sơ thực tập”, “Thực hành”, “Thực tập” và “Các kỹ năng mềm” sẽ được thể hiện qua các sản phẩm cụ thể.

Trong phần sau của tọa đàm, các thầy cô đã cùng trao đổi và thảo luận về Đề án học tập qua trải nghiệm và những hoạt động triển khai đề án cụ thể. Các ý kiến góp ý đánh giá cao ý nghĩa và giá trị thực tiễn của Đề án trong công tác hỗ trợ sinh viên. Đây sẽ là một chủ trương, công tác quan trọng của Nhà trường trong giai đoạn 2018-2020, đặt nền tảng cho các hoạt động liên quan sau này.

“Ngay từ ngày đầu tiên có mặt tại ULIS, các ULIS-er sẽ biết rằng khi họ tạm biệt mái trường này sau 3 – 4 năm nữa họ sẽ bước ra ngoài xã hội không chỉ với tấm bằng tốt nghiệp, bảng điểm và một số chứng chỉ về Giáo dục thể chất, Giáo dục an ninh – quốc phòng và Ngoại ngữ mà còn có HỒ SƠ THỰC TẬP. Hồ sơ ấy dày hay mỏng, phong phú hay đơn điệu, đa dạng hay nghèo nàn, thú vị hay tẻ nhạt, đem lại ấn tượng cao hay chỉ là sự thờ ơ của nhà tuyển dụng, tất cả điều này do chính mỗi ULIS-er quyết định. Các thầy cô, các nhà quản lý, các cán bộ phục vụ đào tạo của Trường sẽ cùng đồng hành với các ULIS-er và tạo điều kiện tốt nhất để HỒ SƠ THỰC TẬP ấy có ý nghĩa cao nhất có thể”__ Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ vào ngày 27/3/2018.

ULIS Media

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận