Ba trường Đại học Ngoại ngữ đồng tổ chức hội thảo quốc gia trực tuyến đầu tiên với quy mô lớn trong thời Covid-19
Ngày 24/4/2020 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia năm 2020: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”. Đây là hoạt động thường niên do ba trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam là ĐH Ngoại ngữ-ĐHQGHN, ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng và ĐH Ngoại ngữ-ĐH Huế phối hợp tổ chức.
- Tin trên web ĐHQGHN: Link
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hội thảo năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến (thông qua hỗ trợ của nền tảng công nghệ Zoom). Đây là hội thảo quốc gia trực tuyến đầu tiên có quy mô lớn được tổ chức trong thời gian dịch Covid-19.
Tham dự hội thảo có đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện ba trường Đại học Ngoại ngữ; đại diện các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu đối tác cùng đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học trong và ngoài nước.
Đại diện cho đơn vị chủ trì phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN cho biết hội thảo năm nay được tổ chức trong thời điểm rất đặc biệt, khi mà cả nước và thế giới đang nỗ lực chung sức phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Do vậy, thay cho hình thức tập trung tại trường, hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến để tiếp tục duy trì diễn đàn khoa học thường niên này nhằm kết nối giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. “Giãn cách xã hội có thể làm chúng ta tạm xa nhau hơn, nhưng hội thảo này sẽ làm mọi khoảng cách xã hội bị xóa nhòa”, Hiệu trưởng khẳng định và cảm ơn sự nỗ lực chuẩn bị của Ban tổ chức, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ trong suốt một tháng qua.
Đại diện cho lãnh đạo ĐHQGHN, PGS. TS. Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học công nghệ đã đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo quốc gia 2020: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”. Đây là hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên được tổ chức sau thời gian giãn cách xã hội, với quy mô lớn, có chuyên môn cao, là diễn đàn trao đổi, giao lưu cho nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, góp phần kết nối ĐHQGHN với thế giới.
Năm nay, hội thảo đã nhận được hơn 130 báo cáo có chất lượng của các tác giả từ nhiều cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, bao gồm Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và Khoa Quốc tế thuộc ĐHQGHN; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sài Gòn; Trường Đại học Đà Lạt; Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng; Học viện Cảnh sát Nhân dân; Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang và nhiều đơn vị khác.
Diễn ra với hình thức trực tuyến, hội thảo đã được chuẩn bị rất chu đáo về kỹ thuật nhằm đảm bảo công tác tổ chức và thuận tiện nhất cho các đại biểu
Các báo cáo khoa học có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu giảng dạy ngoại ngữ và tiếng Việt; nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, diễn ngôn; nghiên cứu so sánh đối chiếu các ngôn ngữ; nghiên cứu dịch thuật; nghiên cứu giáo dục ngôn ngữ, xây dựng chương trình, giáo trình môn học; nghiên cứu về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ngoại ngữ; nghiên cứu về ngôn ngữ – văn hóa, lịch sử – văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa chính trị, kinh tế trong khu vực học và quốc tế học… Các nghiên cứu có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó áp dụng vào giảng dạy ngôn ngữ và các ngoại ngữ cụ thể.
Nhiều báo cáo đã có những góc nhìn mới, áp dụng những cách tiếp cận liên ngành mới, những phương pháp nghiên cứu hiện đại vào xử lý nguồn ngữ liệu, trên cơ sở đó đưa ra các kết luận có giá trị cao. Đây là hướng đi thiết thực, liên quan mật thiết và phù hợp với hướng phát triển khoa học của Nhà trường và xu hướng tiếp cận, hội nhập khu vực và thế giới hiện nay. Những kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển trong công tác dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ và quốc tế học ở Việt Nam.
Ban tổ chức và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật tập trung tại trường
Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày. Từ góc độ giao tiếp liên văn hóa, GS. Nguyễn Hòa với báo cáo “Studying Intercultural Communication: Which approach?” đã đánh giá những điểm mạnh và điểm hạn chế của ba đường hướng mà các học giả thường sử dụng là: đường hướng khoa học xã hội, đường hướng tường giải và đường hướng phê phán, nhằm tìm một cách tiếp cận kết hợp những thế mạnh của ba phương thức này và nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa, ngôn ngữ và ngữ cảnh xã hội.
Trong báo cáo “Ngôn ngữ trong sách giáo khoa khoa học ở trường phổ thông Việt Nam: Phân tích đặc điểm chuyển tác của bảy bài học (văn bản) trong Sinh học 8”, GS. Hoàng Văn Vân đã nghiên cứu về đặc điểm chuyển tác của một số bài học (văn bản) trong sách giáo khoa khoa học bậc trung học cơ sở ở Việt Nam, qua đó giải thích một phần lý do tại sao ngôn ngữ của sách giáo khoa khoa học ở trường phổ thông thường tạo ra cảm giác “xa lạ” đối với nhiều học sinh, và đưa ra khuyến nghị nên sử dụng từ ngữ theo cách có thể giúp học sinh giải nén được thông tin cô đọng một cách dễ dàng để các em không cảm thấy bị bỏ rơi khi học các môn học.
Trên cơ sở nhận xét về hiệu quả của việc “Đổi mới phương pháp giảng dạy” trong diễn ngôn giáo dục ở nước ta, PGS. TS. Lê Văn Canh đã thảo luận nguyên lý đổi mới phương pháp giảng dạy cần thiết phải xây dựng sự gắn kết ý tưởng đổi mới giáo dục với các yếu tố lịch sử và văn hoá bản địa là nội dung chính của báo cáo “Đi tìm nguyên lý đổi mới phương pháp giảng dạy trong câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn””.
Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe báo cáo và trao đổi tại 16 tiểu ban tại phiên song song. Đã có 75 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban. Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc riêng, những góc nhìn mới lạ, những kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu mới.
Một số đề tài đặc sắc có thể kể ra như: Mô hình thực địa bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phổ thông, Nghiên cứu phương pháp giảng dạy theo hình thức “Lớp học đảo ngược”, Thấu cảm người học – Bước quan trọng của quá trình dạy học, Đổi mới: Giáo viên nên bắt đầu từ đâu?, Những yếu tố cần thiết để phát triển giáo dục hòa nhập đại học cho người khiếm thị tại Trường ĐHNN-ĐHQGHN, Làm mới việc dạy và học ngoại ngữ bằng công nghệ thông tin, Khái niệm và sự hình thành căn tính: Quan điểm Á – Âu… Chất lượng báo cáo không chỉ được thể hiện qua phần báo cáo mà còn ở phần thảo luận sôi nổi sau đó.
Báo cáo tại các tiểu ban
Báo cáo về số lượng lượt tham dự tại các tiểu ban
Chụp ảnh lưu niệm tập thể
Một tiểu ban đặc biệt tiếp tục thảo luận tổng kết sau khi phiên bế mạc kết thúc
Hội thảo quốc gia năm 2020 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi và đã thu hút hơn 710 đại biểu (gần 200 đại biểu ngoài trường) đăng ký tham dự.
ULIS Media