3 chữ “chìa khoá” của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục – Diễn đàn SCI-CHAT

3 chữ “chìa khoá” của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục


Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một số yêu cầu đối với ngành, mà nhiệm vụ hàng đầu là “học thật, thi thật và nhân tài thật”.

Ý kiến của Thủ tướng ngắn gọn nhưng để triển khai thành công đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của tập thể các nhà khoa học giáo dục và của các thầy, cô giáo cũng như của toàn xã hội. 

Trong những năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức có ý nghĩa so với nguồn lực đầu tư và hoàn cảnh kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến “Học thật, thi thật, nhân tài thật” đã tạo ra bức xúc cho dư luận và cho cả những người làm trong ngành, làm lu mờ những gì đã đạt được. Vì vậy, có thể xem ý kiến của Thủ tướng là chìa khóa để đưa giáo dục đi lên đáp ứng những đòi hỏi của mục tiêu hiện thực hóa khát vọng ‘Việt Nam hùng cường’.

Vấn đề là làm thế nào để hiện thực ý kiến đó của Thủ tướng?

3 chữ 'chìa khoá' của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một số yêu cầu đối với ngành giáo dục mà nhiệm vụ hàng đầu là “học thật, thi thật và nhân tài thật”.

Vấn đề ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’ đã được đặt ra cho ngành giáo dục trong một thời gian dài. Ngay từ năm 1981, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học.”. Năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục khắc phục hiện tượng để ‘học sinh ngồi nhầm lớp”.

Trong cuộc trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 25/11/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn: “Nếu muốn các em có động lực học tập để làm người, để có tri thức, nhân cách, kỹ năng, để học được một nghề thì khi các em chưa đạt được kết quả, ta phải nói là các em chưa đạt và tạo điều kiện cho các em học thêm, học lại”. Đáng tiếc là mục tiêu này đã bị chìm ngập mà nói đúng hơn là bị lãng quên trong bộn bề những công việc của ngành như xây dựng chương trình mới, viết sách giáo khoa mới, đưa tiếng Anh vào chương trình tiểu học, thi trắc nghiệm, v.v.

Thêm vào đó, trào lưu Tân tự do (Neoliberalism) coi giáo dục là một loại hàng hóa của phương Tây đã lan vào nước ta qua quá trình toàn cầu hóa và ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, cách làm và chính sách giáo dục cũng như mong muốn của học sinh và phụ huynh dẫn đến những  tác động tiêu cực không mong muốn đến mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật“. 

Giáo dục là một hệ thống phức hợp gắn kết với nhiều hệ thống khác như kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị. Trong hệ thống giáo dục lại có nhiều ‘tiểu hệ thống’ người dạy, người học, nhà trường, phụ huynh, người sử dụng sản phẩm giáo dục. Bản thân mỗi tiểu hệ thống đó lại là một hệ thống phức hợp với những lợi ích và mong muốn thường xung khắc với nhau. Các hệ thống này kể cả các tiểu hệ thống trong hệ thống giáo dục lại không ổn định mà luôn biến động.

Chính vì vậy, khác với cách nghĩ lâu nay của chúng ta, quan hệ giữa can thiệp hay đổi mới giáo dục với kết quả giáo dục luôn mang tính phi tuyến. Ví dụ, không phải cứ đổi mới chương trình giáo dục hay sách giáo khoa là chất lượng giáo dục sẽ tự khắc tốt lên; không phải cứ tăng lương cho giáo viên là chất lượng dạy sẽ tự nhiên tốt lên. Vậy thì chúng ta phải chọn can thiệp vào khâu cơ bản nhất (điều kiện ban đầu) trong hệ thống phức hợp đó để kết quả mong muốn hiện khởi.

Điều kiện ban đầu đó hay khâu đột phá của giáo dục nước ta đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một cách chính xác. Vấn đề còn lại là làm thế nào để tác động tích cực vào điều kiện ban đầu đó và đây là cả một con đường dài cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

3 chữ 'chìa khoá' của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục
Học thật là học cách học để khám phá thế giới.

Trước hết, học thật có thể hiểu một cách ngắn gọn là có mục đích học tập thật. Có mục đích học tập thật sẽ có động lực học tập thật và có khả năng tìm ra cách học thật. Mục đích đó chính là học để khám phá và phát triển bản thân để trở thành người có ích cho cộng đồng và cho xã hội chứ không phải học để lấy điểm thi cao hay bằng cấp.

Để học thật người học phải được hướng dẫn các kỹ năng kết nối các dữ liệu, khái niệm hay các nội dung lại với nhau để suy luận, đặt câu hỏi hay các giả thuyết, đưa ra ý kiến đánh giá và  nhận xét cá nhân về những nội dung đó, từ đó xây dựng cho cá nhân một cách hiểu vấn đề mới. Mặc dù việc ghi nhớ máy móc kiến thức vẫn cần thiết ở một chừng mực nào đó đối với từng cấp học nhưng học thật không thể chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ dữ liệu hay thông tin. Nói một cách ngắn gọn học thật là học cách học để khám phá thế giới.

Thi thật có thể được hiểu là kết quả thi phản ánh tương đối trung thựckhông những năng lực hiện tại và còn bộc lộ những năng lực tiềm ẩn của cá nhân học sinh để học sinh, giáo viên và phụ huynh thấy được tiềm năng cũng như những hạn chế của mỗi cá nhân người học từ đó đưa ra những can thiệp giáo dục phù hợp.

Như vậy, thi thật không chỉ hạn chế ở khâu thi cử nghiêm túc mặc dù đây là nguyên tắc quan trọng mà là ở phương pháp đánh giá, phương pháp phân tích kết quả bài thi và chất lượng đề thi. Cái khó trong kiểm tra đánh giá là mỗi người học là một hệ thống phức hợp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như các yếu tố di truyền, giáo dục gia đình, quan hệ xã hội, sự trải nghiệm cuộc sống do đó mỗi cá nhân có cách tiếp cận vấn đề khác nhau và mức độ tiến bộ trong học tập khác nhau. Làm sao bài thi giúp từng cá nhân người học bộc lộ được khả năng sáng tạo của họ và những mặt hạn chế của họ để họ với sự giúp đỡ của giáo viên tìm ra những phương thức khắc phục những hạn chế đó.

Ví dụ, đề thi có thể đặt dưới dạng nêu các vấn đề cho học sinh tự chọn một trong những vấn đề đã cho theo sở trường của họ và vận dụng kiến thức của nhiều môn học kể cả kiến thức họ tích lũy được qua thực tế cuộc sống để đưa ra các giải pháp cho vấn đề họ chọn. Ngoài việc cải tiến phương pháp đánh giá kết quả học tập, các nhà quản lý giáo dục cũng nên tính đến việc bỏ hoặc cải tiến những cuộc thi gây bão trong dư luận và phản cảm với người học mà không giúp nâng cao chất lượng giáo dục như thi học sinh giỏi quốc gia hay thu sáng tạo khoa học kỹ thuật. 

Nhân tài thật là những cá nhân có những năng lực xuất chúng thể hiện ở khả năng đưa ra được những ý tưởng hay các giải pháp sáng tạo chưa hề có cho những vấn đề thực tế của cuộc sống. Tài năng không thể được đánh giá bằng điểm số cao qua các kỳ thi chuẩn. Trong lịch sử loài người hiếm có nhân tài nào có điểm số cao trong các kỳ thì khi đang đi học dù là ở phổ thông hay đại học.

Ba yếu tố “học thật, thi thật, nhân tài thật” có quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó thi thật giữ vai trò điều phối hai yếu tố còn lại.

Trong giáo dục, thi không những có tác động lan tỏa ngược trở lại (washback) ảnh hưởng đến cách dạy và cách học mà còn có tác động lan tỏa về phía trước (washforward), dẫn dắt cách dạy và cách học. Một khi thi thật nó sẽ giúp cho học sinh, giáo viên và phụ huynh có quan niệm đúng đắn hơn về việc học từ đó khuyến khích cách học thật và cách dạy hỗ trợ việc học thật. Thi thật do vậy cũng đưa ra những chỉ số chính xác hơn về nhân tài thật. Thi thật cũng tự động khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên tìm ra những cách dạy mới phù hợp với từng đối tượng người học và hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng dạy thêm, học thêm vốn là một vấn đề đau đầu đối với ngành giáo dục.

Giáo dục là để chuẩn bị cho tương lai nhưng trong thế giới ngày nay không ai có thể đưa ra một dự báo chính xác về tương lai. Do vậy, “Học thật – thi thật – nhân tài thật” là cái neo để chúng ta đối diện với một tương lai luôn biến đổi khó lường.

Để ” có “Học thật – thi thật – nhân tài thật“, cần tạo ra một hệ sinh thái giáo dục phù hợp qua các công cụ chính sách. Hệ sinh thái đó tạo điều kiện cho cả người học và người dạy được thể hiện sự khác biệt của mình thay vì phải chịu sự áp đặt theo kiểu mọi người cùng mặc một cỡ áo và được trang bị trí tuệ cảm xúc – xã hội vốn là những phẩm chất tạo hóa ban tặng riêng cho con người.

Hệ sinh thái đó mở ra con đường để mỗi cá nhân đạt được mục tiêu học suốt đời theo khả năng và mục đích của mình, hài lòng, hạnh phúc và thể trạng tinh thần, trí tuệ và cảm xúc tốt (wellbeing) và cơ hội đóng góp cho xã hội, cho dân tộc, cho đất nước. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của “Học thật – Thi thật – Nhân tài thật“.

Lê Văn Canh (Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội)

3.8 4 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận