Đỗ Thị Ngọc Chi – Cô giáo trẻ tài năng, tâm huyết của Chuyên Ngoại ngữ
Dạy học chỉ bằng tấm lòng thôi chưa đủ, để đốt lên “ngọn đuốc” cháy rực trong mỗi học trò cần phải được dẫn dắt bằng một trí tuệ nhạy bén và không ngừng sáng tạo. Điều đó đòi hỏi người giáo viên trong thời đại mới, nhất là những giáo viên trẻ cần phải học hỏi cũng như phải hội tụ nhiều phẩm chất, năng lực. Và tôi muốn nói đến TS. Đỗ Thị Ngọc Chi – giáo viên Ngữ Văn, Cố vấn Đoàn trường THPT chuyên Ngoại ngữ-Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội như một tấm gương về một cô giáo trẻ tài năng và tâm huyết.
ẤP Ủ TRỞ THÀNH CÔ GIÁO DẠY VĂN
Gặp TS. Đỗ Thị Ngọc Chi lần đầu, có lẽ ai cũng ấn tượng bởi dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thông minh và nhiệt huyết nhưng mấy ai biết được: hành trình đến với con đường văn chương và nghề dạy học của chị lại có rất nhiều điều thú vị.
Sinh năm 1983 tại Hải Dương, TS.Đỗ Thị Ngọc Chi là người con gái thứ hai trong gia đình gồm bốn chị em gái, tất cả đều học hành giỏi giang nức tiếng ở miền quê nghèo. Bản thân gia đình Chi cũng được vinh danh gia đình hiếu học tiêu biểu toàn quốc. Là một giáo viên dạy Văn và hiện nay văn chương với chị như một duyên nghiệp nhưng cô học trò nhỏ ấy lại không đến với văn chương ngay từ ban đầu. Ngọc Chi vốn năng khiếu môn Toán và chuyên Toán từ lớp 5 đến lớp 11.
Vì có ước mơ trở thành một nhà báo hoặc một cô giáo dạy Văn nên học đến lớp 11, Chi đã chuyển sang lớp chuyên Văn. Rất nhanh chóng, chị đã khẳng định được khả năng của mình khi đúng lớp 11 năm ấy, Chi đạt giải Nhì học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Hải Dương và Giải nhì Tài trí trẻ toàn tỉnh. Tốt nghiệp THPT, niềm đam mê trở thành cô giáo dạy Văn ngày càng mạnh mẽ, người con gái Hải Dương ấy đã chọn ngành Sư phạm Ngữ Văn của Đại học Quốc gia Hà Nội làm nơi học tập của mình. Suốt 4 năm học Đại học, Chi luôn là một trong hai sinh viên đứng đầu về thành tích học tập của K46 Sư phạm Ngữ Văn (Khoa Sư phạm, này là Trường Đại học Giáo dục- ĐHQGHN).
Năm học nào, chị cũng được nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, chị được tuyển thẳng lên Cao học rồi được chuyển tiếp Nghiên cứu sinh. Chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ Văn khi chưa đầy 30 tuổi.
PHẨM CHẤT CỦA NHÀ GIÁO THẾ HỆ MỚI
Tốt nghiệp Đại học, được về công tác tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ngôi trường với bề dày truyền thống và là một điểm sáng trong hệ thống giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chi càng được phát huy những thế mạnh vốn có của mình. Hơn 10 năm công tác tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ, đảm nhiệm rất nhiều các công việc khác nhau như: giảng dạy Ngữ Văn, công tác chủ nhiệm, nhóm trưởng nhóm Ngữ Văn 11, phụ trách Nội san, Phó trưởng ban truyền thông, Cố vấn Đoàn trường…, công việc nào Chi cũng hoàn thành xuất sắc và mang dấu ấn của một cô giáo giàu sức sáng tạo, nhiệt huyết. Là người cùng thế hệ, tôi biết đến tên tuổi chị từ khi chị còn ngồi ở giảng đường đại học. Lúc ấy trong tôi, chị là một cô sinh viên xuất sắc, ham học tập và đam mê nghiên cứu. Niềm đam mê nghiên cứu ấy vẫn được chị phát huy khi hiện nay chị là tác giả của hơn 20 bài báo khoa học và đã xuất bản 4 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo.
Sau này, cùng với thời gian, khi có nhiều dịp tiếp xúc và có những cơ hội được tham dự nhiều hoạt động của trường THPT chuyên Ngoại ngữ, chị khiến tôi kính nể hơn bởi cái chất “đa-zi-năng” và những “kĩ năng mềm” tiềm ẩn trong con người chị mà trước đó tôi chưa hề thấy. Ngoài nghiên cứu và giảng dạy, chị còn có khả năng viết văn, làm thơ, hát và hơn hết là MC của nhiều chương trình lớn, làm tổng đạo diễn của nhiều sự kiện lớn. Điều bất ngờ hơn, cô giáo trẻ tài năng ấy còn là nhà huy động tài chính khi chị đã kết nối được các doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động giáo dục ngoại khóa trong trường học. Có những chương trình, chị huy động được nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp đến hàng trăm triệu đồng. Và với ấn phẩm CNN- Zoom, đây là cuốn Nội san của trường chuyên Ngoại ngữ do chính Chi hướng dẫn các em học sinh Chuyên Ngữ- “những phóng viên nhí” thực hiện. Ấn phẩm đã đi vào hoạt động 5 năm qua (mỗi số xuất bản gần 1000 cuốn). Cầm ấn phẩm này trên tay, tôi ngỡ ngàng bởi tính chuyên nghiệp của nó không thua kém những ấn phẩm báo chí lớn như Hoa học trò, hay Sinh viên hiện nay và điều đáng nói là cô trò tự lo chi phí từ A đến Z, tự xin nguồn tài trợ bên ngoài. Có như thế, tôi càng hiểu hơn về tiềm năng và khả năng của cô và trò của trường chuyên Ngoại ngữ. Cô nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh. Trò giàu sáng tạo, giỏi kỹ năng thuyết phục, vận động. Thật dễ hiểu khi mà nhiều mô hình mang đầy dấu ấn, màu sắc Chuyên ngữ đã được các cô cậu học trò đem ứng dụng, đẩy lên một tầm cao mới, giúp họ trở thành thủ lĩnh thanh niên trên ghế giảng đường đại học.
THỦ LĨNH CỦA PHONG TRÀO THANH NIÊN, HỌC SINH CHUYÊN NGOẠI NGỮ
Mặc dù là một trường chuyên nhưng thế mạnh của nhà trường là đào tạo học sinh phát triển toàn diện để trở thành những công dân toàn cầu, có thể thích ứng với mọi môi trường học tập trong nước và quốc tế. Bám sát chủ trương phát triển toàn diện học sinh, đặc biệt là những “kĩ năng mềm”, BGH nhà trường coi trọng các hoạt động của Đoàn thanh niên, coi đây là “sân sau” cực kỳ quan trọng để phát triển các giá trị và kỹ năng sống cần thiết cho các thế hệ học sinh trong trường. Giữ vị trí Cố vấn Đoàn trường gần 5 năm qua, có thể nói, TS. Đỗ Thị Ngọc Chi đã góp phần không nhỏ tạo nên những chương trình ngoại khóa có quy mô và ý nghĩa giáo dục lớn, góp phần định hướng về đạo đức, lối sống cho học trò. Có những chương trình ở Việt Nam, chỉ học sinh chuyên ngoại ngữ mới có như: Chương trình định hướng tân học sinh 10+, Sắc màu Chuyên Ngoại ngữ, CNN- IDol, Hội thao chào xuân… Những hoạt động ngoại khoá thiết thực, mang bản sắc riêng của học sinh chuyên ngoại ngữ, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đã tạo điều kiện cho học sinh thể hiện tài năng và tâm huyết, giúp các em hình thành nhiều kỹ năng sống quan trọng, làm nên những giá trị sống cốt lõi cho mỗi cá nhân học trò. Và đằng sau thành công của mỗi chương trình, mỗi một hoạt động đầy đẳng cấp và chuyên nghiệp của chuyên Ngoại ngữ ấy, người ta không thể phủ nhận sự năng động, tích cực, chủ động của học sinh chuyên Ngoại ngữ và của vị tổng đạo diễn, thủ lĩnh phong trào, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Chi.
Đến chuyên Ngoại ngữ, điều tôi ấn tượng có lẽ, không có một môi trường phổ thông nào trong toàn quốc có được sự nở rộ và phát triển mạnh mẽ các CLB như ở đây. Gần 20 CLB được Chi chia thành 6 mảng chính: các CLB học tập, CLB các Nhà lãnh đạo trẻ, CLB tình nguyện, CLB Thể thao, CLB Nghệ thuật và CLB Báo chí- truyền thông. Từ những CLB này, “cái tôi tài năng” của học sinh phát lộ và “được thể hiện “, các lứa học sinh chuyên Ngoại ngữ đã trở nên năng động, tự tin, khao khát thành công và lĩnh hội được các tố chất của những nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Nhiều học sinh Chuyên Ngữ sau khi tốt nghiệp đã trở thành thủ lĩnh trong phong trào sinh viên của các trường Đại học và không ít em vẫn còn nhớ đến cô giáo cố vấn Đoàn trường. Em Bá Thị Thu Huệ, Hoa khôi của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016 (từng là cựu học sinh Chuyên Ngoại ngữ và là Phó Bí thư Liên chi Đoàn chuyên Ngoại ngữ) chia sẻ: “Đối với em, cô Chi là một tấm gương về sự nhiệt huyết, trách nhiệm, sáng tạo. Em muốn được cảm ơn cô vô cùng vì chính cô là một trong những người cho em cảm hứng và định hướng về một người phụ nữ thời đại mới. Học sinh chuyên Ngoại ngữ chúng em luôn bất ngờ về những sáng tạo của cô. Ngoài ra, nhờ cô mà em muốn trở thành một người phụ nữ chủ động, dám lăn xả và đặc biệt là tạo cảm hứng, truyền lửa nhiệt huyết cho người đối diện”. Còn em Phạm Điệp Anh- cựu học sinh Chuyên Ngữ, hiện nay là Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Ngoại thương đã nói về cô Chi: “Một người giáo viên hết mình với mái trường, trân trọng từng việc làm, hiểu từng học trò, tôi tin, xưa nay không nhiều. Chúng tôi trở thành những thủ lĩnh trong trường đại học như hôm nay là nhờ vào những năm tháng học tập và hoạt động ở trường chuyên Ngoại ngữ và nhờ vào người thủ lĩnh tài ba của chúng tôi-cô Đỗ Thị Ngọc Chi”.
Tôi nghĩ, để cho mỗi học sinh có thể “tỏa sáng” thì người giáo viên phải biết đánh thức “kho” năng lực và năng lượng trong mỗi học trò. Tiếp xúc với TS. Đỗ Thị Ngọc Chi, thấu hiểu sự tân tâm, tận hiến của chị với mái trường, với công việc, tôi hiểu vì sao chuyên Ngoại ngữ lại là ngôi trường viết nên ước mơ và làm nên cuộc đời của nhiều thế hệ học trò. Tôi tin, THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ tiếp tục xứng đáng là điểm sáng trong hệ thống giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, là nơi tạo nguồn cho các bậc đào tạo, là niềm tin, sự trông đợi của học sinh cả nước. Và tôi cũng vững tin: cô giáo trẻ tài năng, tâm huyết như Đỗ Thị Ngọc Chi sẽ còn tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.