VSTEP hướng tới quốc tế công nhận – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

VSTEP hướng tới quốc tế công nhận

Sau khi được ban hành, VSTEP chính thức trở thành bài thi tiếng Anh nhằm xác định chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho tất cả sinh viên các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN). Sinh viên khối chuyên của ĐHNN cần đạt được bậc 5/6 mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp và đây là một áp lực không nhỏ đối với cả người học, người dạy và các nhà quản lý.

Gần 2 năm được sử dụng làm bài thi chính thức xác định chuẩn đầu ra năng lực tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHNN – ĐHQGHN), bài thi VSTEP đã bước đầu có những tác động lớn tới quá trình dạy và quản lý đào tạo các học phần thực hành tiếng (ngôn ngữ Anh) của nhà trường. Để đánh giá tác động của VSTEP đối với hoạt động giảng dạy tiếng Anh trong ĐHNN – ĐHQGHN, ThS. Nguyễn Thúy Lan đã tiến hành phỏng vấn sâu với 10 giảng viên thuộc Khoa Sư phạm tiếng Anh của ĐHNN – ĐHQGHN. Tất cả các giảng viên tham gia phỏng vấn đều có trình độ Thạc sĩ và kinh nghiệm giảng dạy từ 5 năm trở lên. Với số năm kinh nghiệm như vậy, giảng viên có những trải nghiệm với công việc giảng dạy từ trước khi VSTEP trở thành công cụ đo chính thức năng lực tiếng của người học, qua đó có thể có những nhận xét so sánh về hoạt động giảng dạy của họ trước và sau khi VSTEP được sử dụng.

Theo đánh giá của toàn bộ 10 giáo viên tham gia phỏng vấn, bài thi nói chung đã tạo ra những thay đổi rất tích cực tới những người tham gia quá trình dạy và tổ chức dạy học.

Tác động đến xây dựng chương trình và thiết kế tài liệu: Theo những người được phỏng vấn, trước đây việc xây dựng chương trình thực hành tiếng còn mang nhiều tính chất cảm tính. Giữa các học kỳ không có sự phân định rõ về năng lực cần phát triển. Việc thiết kế chương trình chủ yếu dựa trên một số bộ giáo trình nước ngoài với những miêu tả trình độ sơ sài như Pre-intermediate (tiền trung cấp), Intermediate (trung cấp) và Advanced (cao cấp). Bản thân những người xây dựng chương trình và giảng viên cũng không hiểu rõ sự khác nhau giữa các bậc trình độ này, mà chỉ bằng kinh nghiệm cá nhân để phân biệt. Không hiếm gặp chuyện tiểu kỹ năng này đã được dạy ở kỳ trước nhưng được dạy lại ở kỳ sau hoặc tài liệu kỳ sau dễ hơn kỳ trước mặc dù về lý thuyết càng về các kỳ sau trình độ sinh viên đã càng được nâng cao.

Bài thi VSTEP ra đời trong bối cảnh chung việc áp dụng kiểm tra đánh giá theo hướng chuẩn đầu ra được tiến hành đồng bộ trong toàn bộ chương trình đào tạo của cả trường. Chính bài thi và việc đánh giá năng lực theo chuẩn đầu ra này là kim chỉ nam để Khoa Sư phạm tiếng Anh xây dựng lộ trình giảng dạy thực hành tiếng cho các kỳ học một cách logic và khoa học. Ví dụ, Khoa Sư phạm tiếng Anh đã đề ra một khung phát triển năng lực cho sinh viên chuyên Anh chương trình đào tạo chuẩn như sau:

Như vậy, mỗi học kỳ đều có mục tiêu cụ thể, rõ ràng, được thông báo rộng rãi đến cả sinh viên và giáo viên để hướng tới. Thêm vào đó, với mỗi bậc năng lực đều được miêu tả cụ thể để tránh tình trạng, học kỳ sau dạy/phát triển lại những năng lực đã được phát triển tại học kỳ trước hoặc học kỳ sau, tài liệu dễ hơn tài liệu của kỳ trước. Ví dụ: Năng lực nói tương tác ở bậc 3 được miêu tả: “Có thể sử dụng ngôn ngữ đơn giản để giải quyết hầu hết các tình huống có thể phát sinh trong khi đi du lịch. Có thể bắt đầu một cuộc hội thoại về những chủ để quen thuộc mà không cần chuẩn bị trước, thể hiện những quan điểm cá nhân và trao đổi thông tin về những chủ đề quen thuộc về cuộc sống thường ngày. Có thể giao tiếp tương đối tự tin về những vấn đề quen thuộc và không quen thuộc liên quan tới lĩnh vực chuyên môn hoặc quan tâm của mình. Có thể trao đổi, kiểm tra và xác nhận thông tin, xử lý các tình huống ít gặp và giải quyết vấn đề. Có thể bày tỏ suy nghĩ về những chủ đề văn hóa, có tính trừu tượng như phim ảnh, âm nhạc.”

Năng lực bậc 4 lại được miêu tả cụ thể và nâng cao hơn: “Có thể giao tiếp khá lưu loát, tự nhiên, duy trì quan hệ với người bản ngữ mà không làm khó cho cả hai bên. Có thể giải trình ý quan trọng thông qua kinh nghiệm cá nhân, lý giải và duy trì quan điểm một cách rõ ràng với những lập luận và minh chứng liên quan. Có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo, chính xác và hiệu quả về các chủ đề chung, các chủ đề về giải trí, nghề nghiệp và học tập, tạo ra mối liên kết giữa các ý một cách rõ ràng. Có thể giao tiếp một cách tự nhiên, sử dụng tốt cấu trúc ngữ pháp và không gặp khó khăn khi diễn đạt phù hợp với hoàn cảnh.”

Các giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh cũng cho biết thêm: Chương trình đã được cụ thể hóa đến từng những năng lực và tiểu kỹ năng cần phát triển cho mỗi học kỳ. Ngoài ra, ứng với mỗi bậc năng lực, còn có tài liệu liệt kê về các hiện tượng ngữ pháp, chủ đề, từ vựng, chức năng ngôn ngữ cần đạt được và những lỗi sai hay mắc phải ở từng bậc. Hệ thống tài liệu này được gọi là Learners’ Outcome và Profile, đã giúp cụ thể hóa, lượng hóa những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên cần đạt được trong từng học kỳ. Qua đó, sinh viên xây dựng được lộ trình phù hợp với năng lực của mình trên con đường đạt được trình độ bậc 5 hay C1 của bài thi VSTEP. Người thiết kế tài liệu bổ trợ cũng có cơ sở rõ ràng về ngữ pháp, từ vựng để thiết kế phù hợp với sinh viên từng học kỳ.

Tác động đến phương pháp giảng dạy và KTĐG: Có 8/10 giảng viên tham gia phỏng vấn cho biết vê phương pháp giảng dạy, giáo viên ngày càng it sử dụng phương phsp truyên thống mà chuyển sang nhiều phương pháp tich cưc như dạy học theo nhóm, dạy học tích hợp, dạy học theo dự án. Tuy nhiên, có 2 giảng viên bổ sung thêm rằng đến gần kỳ thi những hình thức dạy học tích cực thường bị bỏ lại, giáo viên dành nhiều thời gian tập trung cho việc làm và chữa bài thi mẫu. Có một phát hiện tương đối thú vị rằng “chính sinh viên là người yêu cầu giảng viên giảm các bài tập giao tiếp để tập trung luyện và làm đề”.

Về kiểm tra đánh giá, toàn bộ nhóm giảng viên tham gia phỏng vấn cho biết đã có những thay đổi lớn. Họ lý giải: do chương trình đã đặt ra những chuẩn cần đạt được cho mỗi học kỳ, việc kiểm tra đánh giá cũng đã thay đổi theo hướng phát triển năng lực được miêu tả cho mỗi bậc và cụ thể hóa hơn so với trước đây. Hinh thưc kiêm tra đanh gia trong quá trình (continuous assessment) đươc sư dung thương xuyên hơn. Nhiều công cụ đánh giá phong phú, kết hợp đánh giá theo năng lực, chuẩn đầu ra và cá nhân hóa. Ở mỗi học kỳ, sinh viên phải thực hiện một số bài tập/dự án cá nhân và theo nhóm. Mỗi bài tập/dự án được thiết kế để đánh giá một số năng lực theo mục tiêu của từng môn học, ứng với bậc năng lực ngôn ngữ cần đạt được của kỳ đó. Dưới đây là ví dụ về mục tiêu năng lực được đánh giá của các bài tập lớn môn Tiếng Anh 3A.

Với các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, nếu như trước đây là sự tập hợp từ một số nguồn có độ khó tương tự với tài liệu dạy thì hiện nay đã có thiết kế mô tả kỹ thuật và ma trận cho từng bài kiểm tra dựa trên miêu tả năng lực của từng học kỳ. Mô tả kỹ thuật bao gồm: Mô tả sơ lược của bài thi, Mô tả chi tiết về ngữ liệu đầu vào, Mô tả chi tiết về yêu cầu cho các câu hỏi. Mô tả này sẽ là khung yêu cầu để tất cả các bài kiểm tra phải tuân theo nhằm đảm bảo việc thiết kế qua các năm, bởi những người khác nhau được thống nhất về nội dung, hình thức và mức độ khó. Mô tả được thiết kế phù hợp với mục tiêu môn học và nội dung bài học và được đưa vào đề cương môn học đảm bảo sinh viên và giáo viên đều viết trọng tâm của môn học, giúp việc dạy-học tập trung vào kiến thức, kỹ năng đầu ra mong đợi.

Tác động đến nghiên cứu: Theo đánh giá chung của 9/10 người tham gia phỏng vấn, việc áp dụng bài thi chuẩn đầu ra VSTEP cũng tạo ra những thay đổi tích cực cho hoạt động nghiên cứu trong giáo dục ngoại ngữ của ĐHNN – ĐHQGHN. Bài thi đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về kiểm tra đánh giá – một hướng còn mới mẻ ở Việt Nam. Hướng nghiên cứu này có thể coi là duy nhất ở Việt Nam và đang tiệm cận dần đến xu hướng của thế giới. Có thể nói ĐHNN – ĐHQGHN là nơi đầu tiên có một hệ thống các nhà nghiên cứu theo sát từng bài thi từ khâu biên soạn đề, tổ chức thi, làm nghiên cứu xác trị và từ đó cải thiện dần bài thi. Việc nghiên cứu tính giá trị, độ tin cậy của bài thi một cách thường xuyên và bài bản đã góp phần nâng cao năng lực khảo thí ngoại ngữ của quốc gia, từng bước đưa bài thi VSTEP – bài thi chuẩn hóa đầu tiên của Việt Nam trở thành một bài thi được công nhận ở khu vực và thế giới. Người còn lại trong nhóm gia phỏng vấn cho biết giảng viên chưa được trang bị đủ kiến thức để có thể độc lập thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về kiểm tra đánh giá.

Tác động đến quản lý đào tạo: Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt, hàng loạt cử nhân ngoại ngữ còn chưa tìm được việc làm, bài thi VSTEP như một lời cam kết về chất lượng đào tạo của ĐHNN – ĐHQGHN với xã hội. Đạt được bậc 5/6 (Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) hay C1 (Khung tham chiếu châu Âu) là một thử thách lớn với bất cứ sinh viên chuyên ngữ nào. Nhưng khi đặt ra rào cho chính mình vượt qua, ĐHNN-ĐHQGHN cũng ngầm khẳng định rằng sản phẩm đào tạo của trường chắc chắn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của bất cứ nhà tuyển dụng nào. Việc rà soát tỉ lệ đạt chuẩn đầu ra qua bài thi VSTEP định kỳ 4 lần/năm trước mỗi kỳ xét tốt nghiệp cũng giúp nhà trường có những biện pháp hỗ trợ kịp thời về mặt đào tạo cho sinh viên và điều chỉnh chương trình phù hợp, nhằm ngày càng hoàn thiện chương trình đào tạo của mình.

*Bài nghiên cứu “Một số tác động của bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn đầu ra đối với việc dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội”. Bài báo được công bố trong Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 33, Số 4 (2017).

Theo Bản tin ĐHQGHN