Tổ chức khóa tập huấn “Sử dụng và vận hành các khóa học trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh phổ thông về phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ chức khóa tập huấn “Sử dụng và vận hành các khóa học trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh phổ thông về phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm”

Từ ngày 11-14/6/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức khóa tập huấn “Sử dụng và vận hành các khóa học trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh phổ thông về phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm” dành cho 120 giảng viên huấn luyện và cán bộ kỹ thuật của 10 đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trong cả nước. Chương trình này là một phần trong việc triển khai nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong lộ trình của Đề án nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông, giúp các Sở GD&ĐT ngày một nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, THCS và THPT trong thời gian tới.

Trong buổi khai mạc của khóa tập huấn diễn ra vào ngày 11/6/2019, các đại diện lãnh đạo của Ban quản lý đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG) là Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban và ông Trần Trọng Hưng – Phó Trưởng Ban đã đến tham dự. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Trưởng Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ Hoa Ngọc Sơn vàPhó Trưởng Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ Nguyễn Thị Hồng Nhung – Thường trực Đề án NNQG của Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN, và đại diện các đơn vị đã đến tham dự sự kiện. Ngoài ra, sự kiện còn có sự hiện diện của các giảng viên, báo cáo viên của khóa tập huấn như Trưởng phòng Nghiên cứu Dự án Trung tâm Seameo Retrac Trần Phước Lĩnh, Giám đốc Trung tâm CNTT-TT&HL (ĐHNN – ĐHQGHN) Khoa Anh Việt và Phó Giám đốc Trung tâm CNTT-TT&HL (ĐHNN – ĐHQGHN) Trịnh Hải Tuấn.

Đặc biệt là sự có mặt của 120 giảng viên huấn luyện và cán bộ kỹ thuật đến từ 10 đơn vị, đó là Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ, Trung tâm Seameo Retrac, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

Phát biểu trong buổi khai mạc, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã có những chia sẻ giới thiệu về bộ tài liệu bao gồm 5 cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục các cấp đến các đại biểu tham dự. Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh ý nghĩa của những cuốn sổ tay và khẳng định những nội dung kiến thức và những kinh nghiệm được chia sẻ trong những cuốn sổ tay sẽ giúp ích được rất nhiều cho các giảng viên và cán bộ tham gia buổi tập huấn. Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng cũng chia sẻ về hệ thống trực tuyến thuần Việt mà Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN xây dựng nhằm phục vụ cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và khởi nguồn của việc xây dựng hệ thống trực tuyến này. Phó Hiệu trưởng tin tưởng những bài giảng và khóa học ở bên trong hệ thống sẽ trở thành một nguồn tài nguyên chung và giúp ích rất nhiều cho các thầy cô khi tham gia vào thực địa và mong muốn các thầy cô tham gia buổi tập huấn sẽ có những đóng góp để Nhà trường tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn nữa hệ thống này.

Trong phát biểu của mình, Bà Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia chia sẻ rằng kề từ năm học 2011-2012, đã có rất nhiều hoạt động được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ cho giáo viên các cấp học phổ thông song chưa thu được những hiệu quả cao như mong đợi nên sau nhiều khảo sát và đánh giá, Ban Quản lý Đề Án đã quyết định thay đổi các phương pháp theo hướng đưa các cán bộ giảng viên trực tiếp tham gia vào Đề án về giảng dạy cùng với các giáo viên ở các cấp phổ thông. Qua đó sẽ giúp khơi gợi niềm hứng khởi của học sinh và giúp các thầy cô giáo viên phổ thông tiếp cận nhanh hơn với các điểm nổi bật và tích cực của phương pháp giảng dạy mới. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh cũng sẽ được tích cực đẩy mạnh tổ chức trong trường học ở các cấp.

Ngay sau đó, các giảng viên huấn luyện và cán bộ kỹ thuật đã tham gia vào nội dung tập huấn đầu tiên về Xây dựng và phát triển môi trường học tập Ngoại ngữ do Nhóm tác giả Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trình bày. Bài trình bày xoay quanh các vấn đề như sự cần thiết và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ; các quan điểm chỉ đạo; những thuận lợi và khó khăn; các điều kiện triển khai chương trình; và nội dung chi tiết việc triển khai chương trình.

Các nội dung tập huấn sẽ được triển khai liên tục cho đến hết ngày 14/6/2019.

Nội dung tập huấn 2: Tập huấn khóa học về Tiếng Anh trong lớp học – Diễn giả chính: Vũ Hải Hà.

Nội dung tập huấn 3: Tập huấn khóa học về Chương trình giáo dục phổ thông mới môn tiếng Anh bậc Tiểu học – Diễn giả chính: Vũ Hải Hà.

Nội dung tập huấn 4: Tập huấn khóa học về Chương trình giáo dục phổ thông mới môn tiếng Anh bậc THCS, bậc THPT – Diễn giả chính: Vũ Hải Hà.

Nội dung tập huấn 5: Tập huấn về Phương pháp bồi dưỡng giáo viên. Diễn giả chính: Hội đồng Anh (03 chuyên gia).

Nội dung tập huấn 6: Tập huấn khóa học Kiểm tra đánh giá ngoại ngữ. Diễn giả chính: Dương Thu Mai.

Nội dung tập huấn 7: Tập huấn khóa học ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ. Diễn giả chính: Khoa Anh Việt.

Cán bộ kỹ thuật ngoài các buổi Tập huấn chung, tham gia tập huấn về Kỹ thuật vận hành các khóa học online vào chiều 11/6, cả ngày 12/6 và sáng 14/6 tại Phòng 402 – B3. Diễn giả chính: Trịnh Hải Tuấn, Nguyễn Tiến Dũng.

Một số hình ảnh khác:

Đào Trung -Việt Khoa/ULIS Media