Lung linh sắc màu Đêm Sân khấu hóa Tác phẩm Văn học lần thứ IV – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Lung linh sắc màu Đêm Sân khấu hóa Tác phẩm Văn học lần thứ IV

Tối ngày 30/3/2019 tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ Xã hội, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ- ĐHNN-ĐHQGHN đã tổ chức thành công “Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ IV.  Đêm diễn được tổ chức vào tháng 3- tháng thanh niên với nhiều hoạt động sôi nổi, đồng thời chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới chào đón Đại lễ kỉ niệm 50 thành lập trường của THPT Chuyên Ngoại ngữ.

*Xem toàn bộ chương trình tại đây.

*Tin trên Vietnamnet.

*Tin trên Hoahoctro.

Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học vinh dự chào đón nhiều vị đại biểu khách quý. Về phía trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có sự hiện diện của: Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; Bà Hà Lê Kim Anh, trưởng phòng Đào tạo; Ths. Vũ Văn Hải, trưởng phòng Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên; Ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Đoàn trường; Ông Trịnh Hải Tuấn, Phó giám đốc trung tâm Công nghệ thông tin truyền thông và Học liệu. Về phía Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thành Văn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; TS Nguyễn Phú Chiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Lê Thị Chính, Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và hiện là Hiệu trưởng trường Quốc tế Newton; TS. Nguyễn Quang Trung, cha đẻ của Phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh, nguyên Tổ trưởng tổ Xã hội. Chương trình còn được chào đón cô Nguyễn Thị Phương Hảo, Tổ phó tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn. Đại diện Hội Cha mẹ học sinh- bà Đỗ Thị Thu Hường-Trưởng Ban phụ huynh trường, cùng các trưởng ban phụ huynh của 48 lớp cũng đến tham dự. Đến với đêm chung kết, còn có đại diện các nhà tài trợ: Công ty TNHH Honda Tây Hồ; Đại học Rmit; Đại học Quốc tế BUV, Đại học FPT, Công ty du học ATS; Công ty TNHH Cổ phần Du lịch quốc tế và địa ốc Hanoi Vietnam toursirm; Công ty Investip; Đồng phục Gấu Uniform. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng có mặt tại đêm diễn như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo “Giáo dục và Thời đại”, Báo Điện tử “Vietnamnet”, Tạp chí “Văn học và Tuổi trẻ”, Báo “Hoa học trò” cũng đến tham dự và đưa tin về sự kiện này.

                    Khai mạc đêm Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ IV

   Sau tiết mục múa “Thư pháp” đầy ấn tượng của tập thể 10B2, chương trình dành thời gian mở đầu đêm diễn để cảm ơn các nhà tài trợ.  Thay mặt Lãnh đạo nhà trường, thầy Đỗ Tuấn Minh- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ và thầy Nguyễn Thành Văn- Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tặng hoa và gửi Thư cảm ơn cho các nhà tài trợ.

Thầy Đỗ Tuấn Minh và thầy Nguyễn Thành Văn tặng hoa cho nhà tài trợ

  Với mục đích biến quá trình học thành quá trình tự học, chủ động chiếm lĩnh kiến thức, giúp học sinh sống cùng tác phẩm, đi lại con đường của nhà văn đã đi, kéo trang sách về gần với cuộc đời, phá vỡ sự ngăn cách giữa học sinh và tác phẩm văn học, rèn luyện kĩ năng làm việc, xây dựng đời sống tâm hồn, tình cảm cho học sinh…  suốt 17 năm qua, học Văn theo phương pháp Trả tác phẩm về cho học sinh đã trở thành thương hiệu của riêng Chuyên Ngoại ngữ, trở thành cách học văn theo kiểu Chuyên ngữ được các CNNer hào hứng đón nhận. Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ IV thực sự là sân chơi văn hóa đầy say mê và sáng tạo, thắp sáng ngọn lửa văn chương trong trái tim mỗi CNNer.

Múa “Thư pháp” của tập thể 10B2 – tiết mục mở màn

14 tiết mục đã được Ban tổ chức lựa chọn vào vòng chung kết đã tỏa sắc, khoe hương trong đêm diễn. Khán giả run rẩy với “ Cúc ơi!”, tiết mục hát múa đầy cảm động của lớp 10A1; hào hứng, mê say với lí tưởng sống cao đẹp của người thanh niên yêu nước Tố Hữu trong vở kịch “ Từ ấy” của tập thể 11C; đắm say trong câu chuyện tình yêu cùng nỗi đau về bài học cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù trong kịch phẩm “ Mị Châu- Trọng Thủy” của lớp 11V; bi tráng trước sức sống mãnh liệt của rừng cây xà nu cùng tinh thần anh dũng, bất khuất của Tnú và buôn làng Xô Man qua tiểu phẩm “Rừng xà nu” của tập thể 11K; day dứt ám ảnh bởi cái đói và thân phận con người trong tác phẩm “Nghèo” đến từ tập thể 10C2; nhức nhối trước sự tha hóa đầy lố bịch của tầng lớp thượng lưu thành thị trong màn trình diễn thời trang ấn tượng của tập thể 11N- “ Hạnh phúc của một tang gia”; xót thương trước thân phận rẻ rúng của con người trước nạn đói năm 1945, nhưng cũng chan chứa niềm tin yêu trước tình yêu và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người trong “Vợ nhặt” của lớp 10A4;  quặn thắt trong thế giới đau thương, kì dị, bí ẩn và đầy phức tạp của Hàn Mặc Tử trong  kịch thơ “Hàn Mặc Tử” của tập thể 11H; khâm phục sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của người lao động Tây Bắc qua nhạc kịch “Vợ chồng A Phủ” của 11M; đớn đau, day dứt trước một Chí Phèo bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, bị cự tuyệt quyền làm người mà vẫn không ngừng vươn lên khát vọng lương thiện qua kịch phẩm “Chí Phèo” của lớp 11I; nghẹn ngào trong tình yêu và thù hận, ngọt ngào và đắng cay, hạnh phúc và khổ đau của câu chuyện tình “Romeo và Juliet” với phần trình diễn của lớp 11T; giằng  xé giữa nghệ thuật và cường quyền, nghệ sĩ và nhân dân trong bi kịch Vũ Như Tô qua “ Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” đến từ 11D. Tập thể 10G2 khép lại Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học bằng áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”. Vở diễn đưa người xem về với những giá trị của cội nguồn, đánh thức tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Để rồi, khi cánh màn nhung của đêm diễn khép lại, chúng ta thấy sát lại gần nhau, yêu thương và trân quý cuộc đời này hơn hết thảy!

Tiết mục đạt Giải Đặc biệt: “Rừng xà nu” – 11K

Sau thời gian làm việc công tâm và trách nhiệm, Ban giám khảo đã tìm ra quán quân của chương trình. Ban tổ chức công bố kết quả của đêm diễn như sau: Giải Đặc biệt thuộc về “ Rừng xà nu”(11K), Giải Nhất: “Chí Phèo”- 11I; 2 Giải Nhì thuộc về tập thể 10G2 với tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” và 11M với nhạc kịch “Vợ chồng A Phủ”; 5 Giải Ba gồm: “Nghèo”(10C2), “Hàn Mặc Tử” (11H), “Vợ nhặt”( 10A4), “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (11D), “ Mị Châu- Trọng Thủy” (11V) ; 5 Giải Khuyến khích thuộc về các tập thể lớp: “Romeo và Juliet” (11T), “Cúc ơi!” (10A1), “Hạnh phúc của một tang gia” (11N), “Từ ấy” (Tố Hữu), múa “Thư pháp” (10B2). Ban tổ chức còn trao giải diễn viên nam chính xuất sắc nhất cho vai diễn Chí Phèo của lớp 11I, vai nữ chính xuất sắc nhất cho vai diễn Mị Châu của lớp 11V.

Tiết mục đạt giải Nhất: “Chí Phèo” – 11I

 Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ IV khép lại trong thành công rực rỡ. Bằng những sáng tạo không ngừng nghỉ, mỗi thế hệ học sinh Chuyên Ngoại ngữ lại đưa nhân vật từ trang sách đến với cuộc đời theo những cách khác nhau. Qua cách nhìn của các CNNer, nhân vật văn học bỗng dưng trở nên thân thuộc với đời sống, trở thành một phần thiết thân của đời sống. Những giây phút thăng hoa trên sân khấu thực sự đã trao tặng cho  CNNers bao bài học vô giá, trải nghiệm mới mẻ cùng những kỉ niệm ngọt ngào, thú vị không thể nào quên.

Trân trọng cảm ơn Ban Lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ, Lãnh đạo trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, các bậc phụ huynh, các nhà tài trợ, các thầy giáo, cô giáo, đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ để CNNers được cháy hết mình mà tỏa sáng trong Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ IV. Các thế hệ học sinh Chuyên Ngoại ngữ sẽ tiếp nối truyền thống, thắp sáng những đam mê để chờ đón Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V.

Một số hình ảnh của Đêm sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ IV

                                        Hát múa“Cúc ơi!”- 10A1

Tiết mục “Từ ấy” –  11C

                        Tiết mục “Mị Châu- Trọng Thủy”-  11V

 

Kịch phẩm “Nghèo” – 10C2

Thời trang “Hạnh phúc của một tang gia” – 11N

Kịch “Vợ nhặt”- 10A4

Kịch thơ “Hàn Mặc Tử”- 11H

Nhạc kịch “Vợ chồng A Phủ- 11M

 “Romeo và Juliet” – 11T

“Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” – 11D

 

“Bình Ngô đại cáo” – 10G2

Cao Thị Thúy Hòa- Nguyễn Thị Thu Hương/FLSS Media