Hội thảo quốc tế “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” – UCIT2020 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” – UCIT2020

Ngày 27/10/2020, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” – UCIT2020.

Tham dự hội thảo có đại diện của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, và nhiều trường đại học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Ban Giám hiệu, lãnh đạo và cán bộ Phòng KHCN, đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên quan tâm.

Chương trình tọa đàm buổi sáng diễn ra tại hội trường Sunwah và được phát trực tiếp trên phần mềm Zoom 

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn: (1) Kết nối các cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm chia sẻ và thảo luận những vấn đề liên quan đến thực trạng dạy và học biên phiên dịch hiện nay trong các cơ sở đào tạo trên thế giới và Việt Nam; (2) Trao đổi để tìm ra những giải pháp tối ưu cho công tác giảng dạy và học tập biên phiên dịch, đồng thời nâng cao khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay về công tác biên phiên dịch; (3) Kết nối các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biên phiên dịch nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thực hành, thực tập; (4) Kết nối các chuyên gia nước ngoài nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biên phiên dịch.

Sử dụng 2 ngôn ngữ Việt – Anh (có phiên dịch đồng thời), hội thảo thu hút khoảng 500 đại biểu đến từ hơn 10 quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật Bản, Australia, New Zealand..). 

Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia dịch thuật như: bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực – Ban Đối ngoại Trung ương; ông Bùi Thế Giang – nguyên Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc; ông Nguyễn Vinh Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; ông Phạm Bình Đàm – Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia;…

Hội thảo có sự tài trở của Công ty Cổ phần Giáo dục và Dịch thuật Vedico và Công ty Cổ phần Dịch thuật và Phần mềm STAR Việt Nam.

Phát biểu đại diện Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức, khách mời, các nhà tài trợ, ban tổ chức, đại biểu chung tay tổ chức hội thảo “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn”. Là một trường đại học chuyên đào tạo ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ rất quan tâm đến ngành biên phiên dịch nói chung và công tác đào tạo kỹ năng biên phiên dịch phù hợp với thị trường lao động nói riêng. Sử dụng hình thức trực tuyến với mong muốn kết nối nhiều chuyên gia trên thế giới, Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng góp phần phát triển ngành biên phiên dịch nước nhà. 

Trong chương trình tọa đàm bàn tròn buổi sáng, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về 3 chủ đề đang rất được quan tâm của ngành biên phiên dịch: thực trạng biên phiên dịch với những chia sẻ đầy kinh nghiệm của các gương mặt huyền thoại của cộng đồng biên phiên dịch Việt Nam, đào tạo biên phiên dịch và nhu cầu doanh nghiệp nêu lên các trăn trở của doanh nghiệp để làm sao đào tạo cho phù hợp nhu cầu thị trường lao động và gắn kết giữa doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân sử dụng biên phiên dịch với cơ sở đào tạo, công nghệ 4.0 và biên phiên dịch thể hiện sức trẻ và tương lai ngành biên phiên dịch Việt Nam.

Tọa đàm thứ nhất có chủ đề “Hiện trạng biên phiên dịch” với các chuyên gia lão luyện: Ông Phạm Văn Chương – Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương; Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Nguyên PCN Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và Bỉ; Ông Bùi Thế Giang – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc; Ông Nguyễn Vinh Quang – Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Ban Đối ngoại Trung Ương; Bà Hồ Thuỳ Dung – Trợ lý Chủ tịch Quỹ Hoà bình & Phát triển TPHCM (Zoom); Bà Dương Thị Hoài Chân – Đồng sáng lập SGCI&T.

Tọa đàm thứ 2 có chủ đề “Đào tạo biên phiên dịch và nhu cầu doanh nghiệp” với sự tham gia của các chuyên gia: Ông Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng ĐHNN-ĐHQGHN; Ông Phạm Ngọc Thạch  – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hà Nội; Bà Vương Thị Thanh Nhàn – Trưởng Bộ môn Dịch, ĐHNN-ĐHQGHN; Ông Đào Phong Lâm – Trường Đại học Cần Thơ; Ông Nguyễn Đăng Khuê – Chủ tịch HĐQT & Sáng lập Sao Khuê Group; Ông Đỗ Đức Thọ – Giám đốc công ty Cổ phần Giáo dục và Dịch thuật VEDICO; Bà Đặng Thị Hạnh – Trưởng đại diện Chương trình hợp tác ASEAN-Australia về phòng, chống buôn bán người (ASEAN-ACT); GS. Lê Xảo Bình – Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc (Zoom); GS. Zubtsova Elena – Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Matxcova (Zoom); GS. Chikako Tsuruta – Đại học Tokyo Woman’s Christian (Zoom); Bà Vũ Hải Yến – Biên tập viên Đài Truyền hình Công chúng PTS Đài Loan (Zoom).

Tọa đàm thứ 3 có chủ đề “Công nghệ 4.0 và biên phiên dịch” với sự chia sẻ của các chuyên gia: Ông Tôn Quang Cường – Trưởng Khoa Công nghệ Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN; Bà Nguyễn Thị Hải Hà – Giảng viên ĐHNN – ĐHQGHN; Ông Phạm Hy Hiếu – Đại học Carnegie Mellon (Zoom); Ông Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM (Zoom); Ông Phạm Hòa Hiệp – Chuyên gia Hiệp hội Dịch thuật Hoa Kỳ (Zoom); Ông Nhữ Đình Ngọc Anh – Sáng lập viên Dự án VPROMISE.

Trong chương trình hội thảo khoa học trực tuyến buổi chiều là phần trình bày báo cáo của các đại biểu. Phiên toàn thể có 2 báo cáo của PGS.TS. Lê Hùng Tiến – Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (Xu hướng và thách thức trong đào tạo biên phiên dịch) và PGS.TS. Đinh Điền – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM (Ứng dụng ngôn ngữ học máy tính trong biên phiên dịch). 

Sau đó, 80 báo cáo của các tác giả ở nhiều quốc gia đã được trình bày tại 12 tiểu ban song song, tập trung vào các vấn đề thực trạng biên phiên dịch, công tác đào tạo biên phiên dịch, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong dịch thuật,… Nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu mới, góp ý hữu ích đã được chia sẻ tại hội thảo.

Một số chủ đề thú vị và mang tính thực tiễn cao có thể kể đến như: Phân tích khảo sát về vị trí của dịch tự động trong nhu cầu về dịch vụ dịch thuật hiện nay; Tiếng Anh kiểu Nhật: từ quan điểm của người phiên dịch; Phản ứng của khán giả các hội thảo đối với việc sử dụng các chiến lược chuyển di văn hóa của phiên dịch đồng thời; Tính hợp thức của lý thuyết dịch nghĩa ngôn bản trong dịch thuật ngữ y học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; Phát triển nền tảng đào tạo dịch giả bằng cách làm rõ quy định dịch thông qua bản đồ câu chuyện của người dùng; Đi tìm mô hình năng lực phiên dịch hội nghị giúp định hướng đào tạo phiên dịch trong chương trình biên phiên dịch; Định hướng phiên dịch và xu hướng chọn nghề của sinh viên bằng kép thời đại 4.0; Nghiên cứu về hiệu quả của việc ghi chép trong lớp học dịch;…

Hội thảo quốc tế “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” – UCIT2020 đã khép lại sau một ngày làm việc sôi nổi, tích cực. Hội thảo đã đem đến nhiều góc nhìn, phương hướng, đề xuất góp ý cũng như chia sẻ nhiều nghiên cứu mới trong lĩnh vực biên phiên dịch. Các phiên dịch lành nghề của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có cơ hội thể hiện sự chuyên nghiệp của mình khi trực tiếp phục vụ Hội thảo; đồng thời các sinh viên, học viên biên phiên dịch của Trường cũng như của nhiều đơn vị đào tạo khác được học hỏi nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu, chuẩn bị cho sự nghiệp của mình sau này.

Tin về sự kiện trên báo chí:

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media