Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN”

Ngày 22/09/2017, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đề án NNQG 2020 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN”.

Đến dự Hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Ngô Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tô Chung – Trưởng Ban điều hành dạy thí điểm tiếng Hàn, Phó Trưởng ban Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và hơn 70 đại biểu là những nhà giáo, nhà nghiên cứu ngoại ngữ trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, TS. Đỗ Tuấn Minh cho biết Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN” (gọi tắt là ASEAN FLE) được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giảng dạy và học tập các ngoại ngữ khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN, các chính sách liên quan, cách thức kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng và tương thích với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện chuyển đổi và công nhận trình độ ngoại ngữ khi lực lượng lao động di chuyển giữa các nước trong cộng đồng ASEAN và các quốc gia liên quan. Hội thảo cũng giúp các nhà nghiên cứu và giảng viên giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, các nước thành viên ASEAN và các quốc gia liên quan học hỏi lẫn nhau, tăng cường hiểu biết và trao đổi học thuật nói chung. Hiệu trưởng cảm ơn các đại biểu tham dự và mong rằng Hội thảo sẽ đem lại những trải nghiệm bổ ích cho các thầy cô.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh phát biểu khai mạc

TS. Nguyễn Tô Chung đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo, khẳng định rằng đây là diễn đàn mở để các nhà khoa học tiếp tục cùng nhau thảo luận, chia sẻ tri thức hữu ích liên quan đến các vấn đề quan trọng của hoạt động giáo dục ngoại ngữ hiện nay. Hội thảo là cơ sở để BQL Đề án NNQG 2020 tham mưu cho chính phủ bổ sung, hoàn thiện hơn nữa về cơ chế, chính sách dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân của Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập và đặc biệt tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Ông Nguyễn Tô Chung phát biểu

Hội thảo ASEAN FLE đã nhận được báo cáo của nhiều học giả quốc tế thuộc các nước ASEAN, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Philippines cùng nhiều tác giả trong nước. Chủ đề của hội thảo đã được tiếp cận, mô tả, phân tích và trao đổi theo nhiều góc độ.

Trong khuôn khổ một ngày làm việc, Hội thảo đã chia làm 4 phiên với 16 báo cáo. Về cơ bản, các báo cáo trong Hội thảo thuộc 5 nhóm chuyên đề: Tìm hiểu căn tính (identity) của giảng viên tiếng Anh người châu Á, những khó khăn và thuận lợi của giảng viên tiếng Anh là người phi bản ngữ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong dạy học tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung giữa các quốc gia châu Á trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu và đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ; Xác định những đặc điểm cơ bản trong chính sách giáo dục ngoại ngữ ở các nước Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Canada nhằm đưa ra những khuyến nghị hữu ích đối với chính sách ngoại ngữ ở các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam; Phân tích thực trạng về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác; Phân tích hiện trạng đa ngữ, bao gồm cả “nội ngữ” và “ngoại ngữ” ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số như người Thái ở Việt Nam nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách cần thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước; Phân tích tình hình giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh và tiếng Trung Quốc ở các bậc học, từ tiểu học đến đại học, tại các nước ASEAN, và xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ cũng như yêu cầu tăng cường, phát triển chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên.

Phần trình bày báo cáo của đại biểu Aye Aye Mu với chủ đề “Hiện trạng giảng dạy tiếng Anh ở ASEAN”

Mỗi phiên đều do hai học giả phụ trách chủ trì

Hội thảo thu hút nhiều đại biểu nước ngoài đến tham dự

Phần thảo luận nhận được sự đóng góp tích cực của các đại biểu

Các báo cáo đều được trình bày một cách khoa học, cung cấp nhiều thông tin qua các dẫn chứng cụ thể. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có các phần thảo luận để các đại biểu trao đổi học thuật.

Sau một ngày làm việc, Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN” đã kết thúc thành công và nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đại biểu.

Một số hình ảnh trong hội thảo:

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media